| Hotline: 0983.970.780

Trước tuyên bố áp thuế đối ứng 46% của Mỹ: Doanh nghiệp gỗ 'không bi lụy, than khóc'

Thứ Sáu 04/04/2025 , 13:37 (GMT+7)

Dù không dễ thực hiện, ý tưởng sẽ được chính quyền Trump ủng hộ, còn Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam coi như biện pháp ứng phó lâu dài với thuế đối ứng.

Tiếp tục rà soát các đối tượng chịu thuế đối ứng

Thông tin tại Họp giao ban khối Lâm nghiệp sáng 4/4, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các thành viên trong hiệp hội đều xác định tinh thần "không bi lụy, than khóc" và "phải can trường" sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng với hàng hóa xuất xứ Việt Nam là 46%.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chủ trì phiên họp khối lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chủ trì phiên họp khối lâm nghiệp. Ảnh: Bảo Thắng.

So với các ngành hàng khác, gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong nhóm được dự báo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của sắc thuế mới. Năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ chiếm trên 55% tổng kim ngạch của ngành, cao gần gấp đôi so với mức bình quân của cả nền kinh tế (khoảng 30%).

Nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, như: ghế ngồi đạt 2,78 tỷ USD (chiếm 31,6% giá trị xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ); đồ nội thất bằng gỗ khác khoảng 1,53 tỷ USD (chiếm 17,4%); đồ gỗ nội thất phòng ngủ 1,19 triệu USD (tương đương 13,5%); đồ gỗ nội thất phòng bếp 1 tỷ USD (chiếm 11,5%)...

Toàn bộ nhóm này thuộc đồ mộc tinh chế, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2024 đạt 8 tỷ USD. Từ đầu năm 2025, Hoa Kỳ mở cuộc điều tra với các mặt hàng đồ gỗ có giá trị cao của Việt Nam, căn cứ Điều 232 Đạo luật Mở rộng thương mại.

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, hiệp hội đã lường trước khả năng Hoa Kỳ nâng thuế lên các mặt hàng này, nhưng dự báo chỉ ở mức 25%.

"Việc áp thuế đối ứng 46% khiến tất cả chúng tôi bất ngờ", ông chia sẻ và cho biết thêm, ngay từ khi nhận được thông tin vào sáng 3/4, toàn hiệp hội đã rà soát thông tin và liên hệ tới các cơ quan liên quan để nắm chi tiết tình hình.

Kết quả sau 1 ngày làm việc, hiệp hội nhận thấy, mặt hàng ván công nghiệp, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2024 khoảng 800 triệu USD, lại chưa nằm trong nhóm đối tượng chịu thuế đối ứng lần này (bắt đầu áp dụng từ ngày 9/4). "Chúng tôi khá băn khoăn về việc này", ông Hoài thừa nhận.

Ông Ngô Sỹ Hoài: 'Hiệp hội băn khoăn về danh sách các mặt hàng chịu thuế đối ứng'. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Ngô Sỹ Hoài: 'Hiệp hội băn khoăn về danh sách các mặt hàng chịu thuế đối ứng'. Ảnh: Bảo Thắng.

Thông tin thêm về vấn đề trên, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, đầu giờ sáng 4/4, Vụ đã liên hệ với phía Hoa Kỳ và được biết, còn nhiều mặt hàng mà Tổng thống Donald Trump muốn nâng thuế quan, nhưng lại chưa nằm trong danh sách chịu thuế đối ứng theo công bố hôm 2/4.

Theo tìm hiểu của Vụ Hợp tác quốc tế, phía Hoa Kỳ sẽ tiếp tục rà soát các mặt hàng nằm trong diện phải chịu thuế, dựa trên chỉ đạo của Tổng thống Trump. "Ngành gỗ cần giữ liên hệ để cập nhật thông tin liên tục về sắc thuế mới này, kịp thời có phương án điều chỉnh", vị này nói.

Đề xuất thay đổi mô hình tăng trưởng

Đã có những ước tính ban đầu về thiệt hại cho ngành gỗ, nếu chịu mức thuế 46%. Phó Chủ tịch Ngô Sỹ Hoài cho biết, doanh nghiệp vẫn đang chờ Chính phủ đứng ra đàm phán để Hoa Kỳ xem xét giảm bớt rào cản thương mại, đồng thời có những chính sách hài hòa lợi ích với cả 2 bên, chẳng hạn trì hoãn thời điểm áp thuế... 

"Lâu nay Hoa Kỳ có các quy định tương đối dễ về gỗ, nên doanh nghiệp ngành gỗ khó tránh hiện tượng lơ là", lãnh đạo Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận xét và cho biết thêm, thách thức trước mắt cũng là động lực để doanh nghiệp triệt để thay đổi mô hình tăng trưởng.

Trước đây, doanh nghiệp thường chú ý nhiều đến tăng trưởng giá trị xuất khẩu, mà bỏ quên mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, trong khi đây mới là yếu tố đảm bảo tăng trưởng về chất cho doanh nghiệp.

Các đại biểu thảo luận về các mục tiêu cho ngành trong thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Các đại biểu thảo luận về các mục tiêu cho ngành trong thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Một vấn đề nữa, là doanh nghiệp dường như đang "bỏ quên" những thị trường tiềm năng như Nhật Bản (hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu viên nén, dăm gỗ sang quốc gia này), hay Trung Quốc (dăm gỗ). Nếu tích cực liên kết với đối tác từ những quốc gia này, ngành gỗ có thể tạo thêm dư địa.

Cuối cùng, là tăng hàm lượng chế biến. Trước đây, doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu vẫn là nhận đơn hàng gia công, giá trị gia tăng thấp do làm theo đơn hàng sẵn của đối tác. Ông Hoài cho rằng, nếu có thể bổ sung công đoạn thiết kế, hoặc chế biến tinh xảo hơn, sản phẩm sẽ có giá trị hơn, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong dài hạn, ông Hoài kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sang Hoa Kỳ. Đây là điều mà Tổng thống Trump hoan nghênh và Việt Nam có nhiều cơ hội, bởi nhu cầu về sản phẩm gỗ tại đây rất lớn. Một số sản phẩm như tủ gỗ Việt Nam chiếm hơn 30% thị trường Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ miễn thuế với một số mặt hàng đạt tỷ lệ nhất định về nội địa hóa, hoặc có nguyên liệu xuất xứ từ Hoa Kỳ. "Nếu nhập nguồn gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ, chế biến, rồi xuất khẩu ngược lại, chúng ta có thể được hưởng ưu đãi về thuế", ông Hoài bày tỏ.

Ngành gỗ nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thuế đối ứng. Ảnh: Viforest.

Ngành gỗ nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất của thuế đối ứng. Ảnh: Viforest.

Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chỉ đạo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sớm tổng hợp dữ liệu, báo cáo các vấn đề liên quan tới thuế đối ứng. Trong đó, làm rõ việc doanh nghiệp ngành gỗ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi sắc thuế mới.

"Chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ và sớm làm việc với các hiệp hội để tìm ra giải pháp thích ứng", Thứ trưởng nhấn mạnh, đồng thời chỉ đạo Vụ Hợp tác quốc tế thông tin nhanh chóng, kịp thời tới bạn bè quốc tế, trong đó có đối tác Hoa Kỳ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc công khai, minh bạch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, cũng như cân bằng thương mại hai chiều.

Trong tháng 4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm sẽ phối hợp Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ngành gỗ. Tại đây, các bên sẽ cùng đánh giá chi tiết tác động, đề xuất các giải pháp ứng phó với những điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ; bám sát diễn biến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng cuộc điều tra về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia từ việc nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ và sản phẩm phái sinh.

Hai tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,45 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu, với 1,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của khối lâm nghiệp là tham mưu, đề xuất và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đã phối hợp Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 160/2013/NĐ-CP về quản lý các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp quý hiếm.   

Xem thêm
Cải thiện chất lượng bò thịt tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Pháp

HÀ NỘI Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì ký kết thỏa thuận hợp tác với Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) nâng cao chất lượng bò thịt Việt Nam.

Muôn kiểu phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

BÌNH ĐỊNH Trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi có thể bùng phát bất cứ lúc nào, ngành chức năng Bình Định có nhiều cách phòng dịch bệnh nguy hiểm này để bảo toàn đàn lợn.

Thách thức của nông dân trong quản lý cỏ dại trên ruộng lúa

Cỏ dại được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính làm giảm năng suất lúa, tạo ra thách thức lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Những mầm xanh vươn lên từ vùng đất khắc nghiệt

SƠN LA Từ nương rẫy bạc màu, chị Hường vươn lên với mô hình ươm cây giống trong nhà màng, mở ra hướng đi bền vững cho nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vân Hồ.

Đại sứ Colombia: ‘Chính sách tốt bắt nguồn từ cơ sở khoa học vững chắc’

Bà Camila nhấn mạnh điều này khi trao đổi với CIAT và cho rằng Chính phủ các quốc gia phải có trách nhiệm trong việc nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

Giống dừa xiêm xanh Tam Quan, lựa chọn số 1 cho vùng Nam Trung bộ

Dừa xiêm xanh Tam Quan được các nhà khoa học của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ bình tuyển là giống dừa uống nước ngon nhất Nam Trung bộ…

Chuyển biến tích cực trong chống khai thác IUU: [Bài 1] Tuyệt đối không vượt ranh giới

Tiếp thu những khuyến nghị của EC, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những chuyển biến tích cực trong việc khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU.

Bình luận mới nhất