Thỏa thuận nằm trong khuôn khổ Dự án “Đào tạo vệ sinh cho người chăn nuôi bò”, hướng đến việc xây dựng khóa đào tạo chuyên sâu về vệ sinh trong chăn nuôi gia súc tại Hà Nội.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì và CMA IDF ngày 3/4 tại Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Minh Hà.
Mục tiêu của dự án là nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm địa phương, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của người chăn nuôi trong bối cảnh hội nhập và áp lực từ thị trường nhập khẩu.
Theo thoả thuận, hai bên sẽ phối hợp để cải thiện chất lượng, tính cạnh tranh và tính bền vững của ngành thịt bò địa phương. Đặc biệt, dự án hỗ trợ người chăn nuôi thông qua chuyên môn của Pháp. Các mục tiêu chính bao gồm nâng cao năng lực kỹ thuật, phát triển chuỗi làm lạnh làm chín thịt và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa người chăn nuôi và chủ khách sạn.
Chia sẻ về quy trình chăn nuôi và chế biến thịt bò, TS. Ngô Đình Tân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì thuộc Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Hiện, chưa có một tiêu chuẩn cố định trong quy trình chăn nuôi và chế biến thịt bò nên các quy trình chúng tôi đang áp dụng chủ yếu dựa trên kết quả từ nhiều lần thử nghiệm. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn được tiếp cận và học hỏi các quy trình chuẩn từ Pháp”.

Hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Bò và Đồng cỏ Ba Vì và Phòng Thương mại và Thủ công nghiệp Ile-de-France (CMA IDF) hướng tới nâng cao năng lực kỹ thuật chăn nuôi bò tại địa phương. Ảnh: Minh Hà.
Trong khuôn khổ hợp tác, hai bên sẽ triển khai một khóa đào tạo cấp chứng chỉ kéo dài 5 ngày do chuyên gia từ CMA IDF trực tiếp giảng dạy. Chương trình đào tạo bao gồm các nội dung từ phân tích chuyên sâu về nhu cầu thực tế của người chăn nuôi tại địa phương, hướng dẫn kỹ thuật giết mổ, vệ sinh, chế biến cho đến thương mại hoá thịt theo tiêu chuẩn Pháp.
Trung tâm đóng vai trò then chốt trong việc triển khai dự án, từ khâu tuyển dụng học viên, thực hiện phân tích thị trường đến quảng bá rộng rãi các khóa đào tạo nhằm đảm bảo các hộ chăn nuôi và các doanh nghiệp trong ngành có thể tiếp cận thông tin và tham gia một cách hiệu quả.
TS. Ngô Đình Tân kỳ vọng, khóa đào tạo cấp chứng chỉ này sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về chuyên môn hóa trong ngành thịt tại Việt Nam. Mục tiêu là nâng cao năng lực và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh, đồng thời tăng cường giá trị kiến thức chuyên môn cho người chăn nuôi và các nhà khai thác trong ngành.

Hợp tác hướng tới cải thiện quy trình kỹ thuật chế biến thịt bò, chế biến lạnh làm chín thịt theo mô hình Pháp. Ảnh: Minh Hà.
Theo ông Tân, hiện một lượng lớn lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành chăn nuôi bò tại nước ngoài nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về chứng chỉ nghề nghiệp. Do đó, dự án không chỉ hỗ trợ người chăn nuôi trong nước mà còn tạo điều kiện cho lao động Việt Nam được đào tạo bài bản, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để dự án đạt hiệu quả cao nhất, ông Francis Bussiere, Chủ tịch CMA IDF, cam kết hợp tác chặt chẽ với trung tâm. Ông Francis Bussiere nhấn mạnh, hai bên thường xuyên theo dõi tiến độ, chia sẻ kết quả và điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt, nhằm đảm bảo khoá đào tạo mang lại lợi ích tối đa cho người chăn nuôi Việt Nam.
Việc triển khai các tiêu chuẩn chăn nuôi và chế biến thịt bò theo mô hình Pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.