| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị đẩy mạnh cơ giới hóa

Thứ Hai 07/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Quá trình thực hiện cơ giới hoá SXNN ở Quảng Trị đạt được nhiều kết quả ý nghĩa.

Năm 2013 sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 25 vạn tấn, đạt trên 110% kế hoạch năm, tăng 10,6% so với năm 2008, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, đưa tốc độ tăng trưởng của ngành NN-PTNT đạt xấp xỉ 4,7%, vượt chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV đề ra.

Hiệu quả

Quảng Trị có diện tích gieo trồng trên 80.000 ha, trong đó diện tích lúa hàng năm khoảng 47.000 - 48.000 ngàn ha. Ngành NN-PTNT Quảng Trị đã xác định muốn thúc đẩy SXNN thì phải đẩy mạnh CGH. Mà muốn thực hiện tốt CGH thì phải làm thật tốt dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Phát huy kết quả của giai đoạn 1, nhiều địa phương đã tiến hành DĐĐT lần thứ 2.

Các xã Triệu Thành, Triệu Trung, Triệu Đại, Triệu Phước của huyện Triệu Phong làm rất tốt DĐĐT lần 2. Ông Trương Quang Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT Triệu Phong cho biết, đến cuối năm nay sẽ có 80% diện tích ruộng hoàn thành DĐĐT. Nhiều nơi cơ quan chuyên môn chưa kịp cấp lại “thẻ đỏ” nhưng bà con đã tự giác DĐĐT bằng cách đổi ruộng cho nhau để có từng mảnh ruộng rộng 7 - 10 sào hay lớn hơn nữa, thay vì diện tích nhỏ 1 - 2 sào như trước đây.

Một vựa lúa khác của Quảng Trị là huyện Hải Lăng. Ông Dương Viết Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết muốn thực hiện tốt CGH thì trước hết phải làm tốt DĐĐT. Các xã Hải Thượng, Hải Tân, Hải Hoà... đang DĐĐT lần 2. Về nơi đây thấy ruộng đồng bát ngát. Máy cày sắt đang thay trâu bò, không khí SX vô cùng khẩn trương.

Nhờ đẩy mạnh CGH nên vụ mùa nào Hải Lăng cũng hoàn thành gieo cấy trước thời vụ 10 ngày. Nhất là trong vụ HT, chỉ cần hoàn thành sớm hơn 1 - 2 ngày cũng là thắng lợi. Chỉ cần thu hoạch chậm một ngày thì lũ lớn ập về, lúa chưa gặt xong coi như mất toàn bộ.

Phân tích ý nghĩa kinh tế của DĐĐT, đưa CGH vào SX, ông Nguyễn Khánh Thắng, Phó Chủ nhiệm HTX Văn Quỹ, xã Hải Tân cho hay: "Đây là những bước đi thích hợp trong phát triển nông nghiệp. Trung bình mỗi sào ruộng cày trâu mất nửa ngày công, cày máy chỉ mất một tiếng đồng hồ. Thực hiện gieo cấy “1 phải 5 giảm” thời gian được rút ngắn, tiết kiệm được giống lúa.

Khi thu hoạch, nếu làm thủ công mỗi sào tốn đến 2 công lao động (300.000 đ/2 công) nhưng dùng máy gặt chỉ tốn 130.000 đ, thời gian 30 phút. Tính trừ hết chi phí đầu tư thì áp dụng CGH thì mỗi sào ruộng năng suất lúa sẽ tăng trung bình từ 50 - 70 kg. Tóm lại CGH rút ngắn được thời gian SX, năng suất cao, thu hoạch sớm, tránh được lũ".

Từ năm 2008 trở lại đây, cùng với việc xây dựng các mô hình CGH, nông dân Quảng Trị cũng mạnh dạn hơn đầu tư, mua sắm các loại máy móc phục vụ SX. Ông Lê Văn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết huyện đã áp dụng CGH gần 100% diện tích làm đất. Hệ thống thiết bị máy móc các loại như máy kéo, máy cấy, máy gieo, máy gặt, máy bơm, máy sấy, xe vận chuyển... được người dân chủ động mua sắm, nhất là bà con các xã Lâm - Sơn - Thuỷ, nơi có ruộng đồng bằng phẳng.

Người dân Vĩnh Linh có truyền thống sử dụng máy móc vào SX. Năm 1959 Bác Hồ đã tặng bà con xã Vĩnh Kim một chiếc máy cày để làm đất. Chiếc máy nay vẫn được trưng bày ở xã Vĩnh Kim, như minh chứng cho công cuộc cải tạo SX luôn được người dân ở đây hưởng ứng, đi đầu.

SX hàng hóa

Ông Nguyễn Văn Bài, GĐ Sở NN-PTNT Quảng Trị nhớ lại, năm 2008 thời tiết rét hại, rét đậm kéo dài 38 ngày tại Quảng Trị, ảnh hưởng trầm trọng đến SX. Nhưng năm đó ngành nông nghiệp Quảng Trị vẫn đảm bảo được thời vụ nhờ DĐĐT tốt, đẩy mạnh CGH, hình thành các vùng chuyên canh, hợp tác SX, ứng dụng thành tựu KHKT “3 nhanh” (làm đất nhanh, gieo cấy nhanh, thu hoạch nhanh) nên SX vẫn thắng lợi.

Phân tích kết quả ứng dụng CGH, ông Nguyễn Văn Bài cho biết giai đoạn từ 2008 - 2013, diện tích các loại cây trồng chính và một số cây trồng chịu hạn ở Quảng Trị đều tăng hàng năm, trong đó diện tích lúa tăng 0,9%/năm, diện tích lúa chất lượng cao tăng bình quân 8,3%/năm, ngô tăng 4,7%/năm, rau các loại tăng 7,1%/năm, hoa các loại tăng 9,4%/năm, cao su tăng 6,1%, cà phê tăng 3,1%, hồ tiêu tăng 0,5%, chuối tăng 13,8%.

Do cơ cấu các cây trồng hàng hoá chính tăng nhanh nên diện tích một số cây trồng khác đã giảm đi tương ứng (lạc giảm 0,6%). Việc tăng diện tích cho thấy cơ cấu SXNN đang chuyển dịch theo hướng thâm canh, tăng vụ, SX hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các cây trồng có tiềm năng lợi thế như lúa chất lượng cao, rau, hoa, cao su, hồ tiêu, cà phê, chuối... đang được chú trọng đầu tư. Điều đó chứng tỏ CGH có một vai trò vô cùng quan trọng.

Việc ngành nông nghiệp Quảng Trị chuyển đổi cây trồng ở các vùng đất cát nội đồng và ven biển sang trồng các giống dưa Tiểu Yến, Mặt trời đỏ, giống khoai lang Nhật Bản... cùng với ứng dụng TBKT thâm canh trên đất đồi, đất cát và sử dụng các loại phân bón phù hợp với từng chân đất đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

Hướng đến của nông nghiệp Quảng Trị, theo ông Nguyễn Văn Bài là tập trung tốt DĐĐT để thực hiện cánh đồng lớn, mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiêp, làm tốt khâu lưu thông, phân phối hàng hoá để nông dân bán được sản phẩm với giá cao.

Một số TBKT áp dụng cho cây công nghiệp dài ngày như cà phê chè Catimor, các giống cao su RRIM 712, RIC100, RIC 121... và biện pháp canh tác không xới xáo trên đất dốc đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nếu như năm 2008 mức độ CGH trong khâu làm đất khoảng 35% đến năm 2013 tăng lên 90%. Diện tích thu hoạch bằng máy năm 2013 đến 75%. Có 100% diện tích sau thu hoạch sử dụng máy tuốt lúa. Diện tích sử dụng công cụ sạ hàng khoảng 50%. Khoảng 70% sản lượng lạc được bóc vỏ bằng máy. Gần 100% công việc xay xát, nghiền bột đã được thực hiện bằng máy. Nhiều nơi ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng đã bơm thuốc trừ sâu trên cây cao su bằng động cơ, gặt lúa bằng máy gặt đập liên hợp...

Số liệu điều tra mới nhất cho thấy toàn tỉnh Quảng Trị có 584 máy gặt các loại, 3.494 máy làm đất, 1.586 máy sạ hàng, 1.505 máy tuốt lúa, 1.865 máy bơm các loại, 77 máy bóc vỏ lạc, bóc ngô, 13 máy tuốt tiêu... Cụ thể, mức độ cơ giới hoá các khâu đối với cây lúa thì khâu làm đất đạt 100%, khâu gieo cấy gần 60% và thu hoạch 75%. Với cây ngô thứ tự là 60%. Cây sắn CGH làm đất 100%. Cây lạc CGH làm đất 95%. Các loại đậu khác CGH làm đất 70%...

“Đẩy mạnh CGH giảm bớt sức lao động, nhất là với phụ nữ, khắc phục tình trạng thiếu lao động chính vụ, rút ngắn thời gian làm đất, gieo cấy, thu hoạch, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, giảm tổn thất sau thu hoạch. Đặc biệt là đảm bảo được khâu thời vụ để tăng năng suất, giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH. Điều đó có ý nghĩa rất lớn với một địa phương luôn chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu như Quảng Trị”, ông Bài nhấn mạnh.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất