| Hotline: 0983.970.780

Thiếu nguyên liệu, nhà máy đường 'đắp chiếu'

Thứ Ba 23/04/2024 , 06:10 (GMT+7)

Nhà máy mía đường Trà Vinh chỉ mới hoạt động được 65 ngày trong một năm vừa qua và đang phải tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên liệu.

Khó trăm bề

Ông Lê Anh Dương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh cho biết, trước đó, Công ty đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất mới và nâng công suất nhà máy, có thể ép 3.200 tấn mía nguyên liệu mỗi ngày. Tuy nhiên một năm qua, nhà máy chỉ hoạt động được 65 ngày rồi phải tạm ngưng sản xuất đến nay do không đủ mía nguyên liệu.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh, mỗi năm Công ty phải chi từ 2 - 3 tỷ đồng để bảo trì dây chuyền sản xuất dù vận hành ít hay nhiều. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh, mỗi năm Công ty phải chi từ 2 - 3 tỷ đồng để bảo trì dây chuyền sản xuất dù vận hành ít hay nhiều. Ảnh: Hồ Thảo.

Vụ ép mía năm trước, nhà máy phải nhập khoảng 500.000 tấn nguyên liệu từ ngoài tỉnh. Theo ông Dương, nguyên nhân do hơn một nửa diện tích đất chuyên canh cây mía nguyên liệu của Công ty ở huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã được nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản bởi trước đây đầu ra của cây mía không ổn định, giá thấp kéo dài khiến nông dân không còn mặn mà với cây trồng này.

Ngoài ra, vùng mía nguyên liệu truyền thống của nhà máy đường Trà Vinh cũng chịu sự cạnh tranh bởi thương lái khi lực lượng này thu mua mía nguyên liệu tại Trà Vinh và các tỉnh lân cận, sau đó cung cấp cho nhà máy đường ở Tây Ninh. Trong các tháng cao điểm, họ thu mua trung bình khoảng 500 tấn mía mỗi ngày.

Ông Dương nói: "Chúng tôi kí hợp đồng mua mía của nông dân với giá 1,1 triệu đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường. Trong khi đó, thương lái mua xô không đo chữ đường với mức giá từ bằng đến cao hơn so với giá của nhà máy".

Một nguyên nhân khác bởi mía chục (mía để ép lấy nước, chữ đường thấp) được thương lái thu mua với giá cao hơn, do đó phong trào nông dân chuyển từ trồng mía đường sang trồng mía ép nước đang trở thành xu hướng.

Theo Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh, Công ty phải đợi đến tháng 5/2024 để biết diện tích thực tế của vùng nguyên liệu, sau đó mới có thể lập kế hoạch sản xuất lại. Ảnh: Hồ Thảo.

Theo Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh, Công ty phải đợi đến tháng 5/2024 để biết diện tích thực tế của vùng nguyên liệu, sau đó mới có thể lập kế hoạch sản xuất lại. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Dương chia sẻ thêm, mỗi năm nước ta phải nhập khoảng từ 600.000 - 900.000 tấn đường, các nhà máy đường trong nước nguồn cung không đủ nhu cầu thị trường. Vì vậy để cải thiện tình hình, ông Dương đề xuất tỉnh Trà Vinh có kế hoạch phục hồi vùng mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú với diện tích khoảng 4.000ha mới đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của nhà máy.

Sắp tới, Công ty sẽ triển khai các chương trình khuyến khích nông dân mở rộng vùng mía nguyên liệu. Đồng thời đề xuất tỉnh có chính sách khích lệ nông dân chuyển đổi diện tích đất bỏ hoang, canh tác kém hiệu quả sang trồng mía. Công ty tiếp tục hỗ trợ người dân giống mía có năng suất, chữ đường cao, chịu hạn cùng khả năng sinh trưởng tốt.

Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất mới, song nguyên liệu lại đang thiếu nghiêm trọng nên nhà máy vẫn đang phải 'đắp chiếu'. Ảnh: Hồ Thảo.

Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh đã đầu tư khoảng 200 tỷ đồng vào dây chuyền sản xuất mới, song nguyên liệu lại đang thiếu nghiêm trọng nên nhà máy vẫn đang phải "đắp chiếu". Ảnh: Hồ Thảo.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khoảng 10 năm trước, huyện Trà Cú là vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Trà Vinh với tổng diện tích sản xuất hàng năm hơn 4.000ha. Sau đó, liên tiếp nhiều năm nông dân điêu đứng bởi giá mía nguyên liệu giảm mạnh cùng chi phí đầu tư tăng cao. Từ đó, người dân đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất chuyên canh loại cây này sang cây trồng khác và nuôi thủy sản. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá mía nguyên liệu bắt đầu tăng trở lại nhưng một số hộ vẫn e dè khi quyết định quay trở lại trồng mía.

Ông Thạch Kim Cương ở ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú) chia sẻ, giá bán mía nguyên liệu hiện nay phải ổn định từ 1.200 đồng/kg trở lên thì may ra người trồng mới mạnh dạn "bám" cây mía. Bởi hiện nay chi phí vật tư nông nghiệp, tiền thuê nhân công tăng khá cao, cùng việc giá mía nguyên liệu thay đổi thất thường trước đó đã tạo tâm lý e dè cho nông dân.

Còn theo ông Dư Sê Tha, cán bộ nông nghiệp xã Kim Sơn (huyện Trà Cú), niên vụ này Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh muốn kí hợp đồng với nông dân để trồng 400ha mía nguyên liệu cùng nhiều khoản hỗ trợ đặc biệt.

Cụ thể, các diện tích đang trồng cây khác hoặc đất khai hoang được chuyển đổi sang mía được Công ty hỗ trợ nông dân 3 triệu đồng/ha. Hộ trồng 2 vụ mía liền kề được miễn lãi suất tiền giống, phân bón và tiền làm đất. Công ty cũng hỗ trợ không hoàn lại 30.000 đồng/tấn bã bùn tươi để cải tạo đất với số lượng tối đa 20 tấn/ha.

Khoảng 2 năm trở lại đây giá mía nguyên lại bắt đầu tăng trở lại, nhưng nông dân vẫn e dè khi quyết định quay lại với cây mía. Ảnh: Hồ Thảo.

Khoảng 2 năm trở lại đây giá mía nguyên lại bắt đầu tăng trở lại, nhưng nông dân vẫn e dè khi quyết định quay lại với cây mía. Ảnh: Hồ Thảo.

Để nông dân yên tâm sản xuất, nhà máy mía đường Trà Vinh còn bảo hiểm giá mua mía tại ruộng cho nông dân với giá 1,1 triệu đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường. Trong trường hợp giá mía trên thị trường khu vực cao hơn giá mía bảo hiểm, nhà máy đường sẽ mua theo giá thị trường, còn nếu giá mía trên thị trường khu vực thấp hơn giá mía bảo hiểm, nhà máy sẽ mua với giá bảo hiểm.

Ông Tha cho rằng, tuy chính sách của công ty hỗ trợ tốt nhưng hiện nay phần lớn nông dân nuôi thủy sản kém hiệu quả muốn chuyển sang trồng mía vẫn gần như không thể, bởi chi phí để lấp ao rất lớn, khoảng 50 triệu đồng/ao 500m2.

Tương tự, theo ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, niên vụ mía năm 2022 - 2023, huyện xuống giống gần 1.130ha, đạt 112% kế hoạch. Năng suất mía đạt từ 90 - 110 tấn/ha, giá bán dao động từ 1.100 - 1.300 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí nông dân còn lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha. Giá mía nguyên liệu tăng góp phần đưa diện tích mía trên địa bàn huyện tăng trở lại. Tuy nhiên chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm phục hồi vùng nguyên liệu vẫn chưa có, cũng chưa có định hướng mở rộng diện tích.

Quy hoạch còn 1.000ha

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tình hình sản xuất mía đường trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu lao động thu hoạch mía, thiếu phương tiện vận chuyển, trong khi việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn gặp rất nhiều hạn chế, chủ yếu thu hoạch bằng thủ công. Đồng thời năng suất mía, chữ đường còn thấp dẫn đến chi phí sản xuất cao, giảm sức cạnh tranh, nông dân sản xuất lợi nhuận thấp, kém hiệu quả.

Nông dân Trà Cú còn e dè với cây mía bởi trước đây giá cả bấp bênh. Ảnh: Hồ Thảo.

Nông dân Trà Cú còn e dè với cây mía bởi trước đây giá cả bấp bênh. Ảnh: Hồ Thảo.

Trước những hạn chế này, hàng năm, Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh phối hợp với địa phương đã khảo nghiệm các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao thay thế các giống mía đã bị thoái hóa, hiệu quả kinh tế kém. Công ty cũng phối hợp với các công ty sản xuất phân bón khảo nghiệm các loại phân bón nhằm đánh giá khả năng phù hợp của từng loại phân bón đối với thổ nhưỡng tại địa phương. Đồng thời phối hợp với Công ty RYNAN và các cơ sở bán máy nông nghiệp thực hiện mô hình cơ giới hóa trong sản xuất mía để khảo nghiệm và nhân rộng cho bà con trồng mía.

Theo quy hoạch của tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 02/10/2023, định hướng phát triển cây mía nguyên liệu đến năm 2030 của tỉnh còn khoảng 1.000ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Trà Cú gắn với nhà máy đường Trà Vinh.

Các tỉnh ÐBSCL từng là vùng mía trọng điểm của cả nước với khoảng 100.000ha nhưng mấy năm nay diện tích mía đã giảm mạnh, hiện chỉ còn chưa đến 1/3 so với trước đây. Cây mía đường tập trung chủ yếu ở Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và một phần ở Cà Mau.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.