| Hotline: 0983.970.780

Rừng chè cổ thụ Suối Giàng được bảo hộ

Thứ Sáu 07/06/2013 , 11:04 (GMT+7)

Những cây chè cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) không chỉ nổi tiếng trong nước mà người sành chè trên thế giới đều biết tới.

Những cây chè cổ thụ Suối Giàng (Yên Bái) có tuổi đời từ 250 - 300 năm, không chỉ nổi tiếng trong nước mà người sành chè trên thế giới đều biết tới danh tiếng chè Suối Giàng.

Mặc dù nổi tiếng từ rất lâu, nhưng sản phẩm chè Suối Giàng chất lượng chưa xứng với danh tiếng, do cơ chế quản lý và chế biến. Cục Sở hữu trí tuệ vừa cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu cho sản phẩm chè Suối Giàng, đồng nghĩa với việc cây chè nơi đây đã được bảo hộ...

Rừng chè cổ thụ Suối Giàng nằm trên độ cao từ 800 - 1.400 m so với mặt nước biển, trải rộng hàng trăm héc ta. Từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, người ta thống kê rừng chè cổ thụ Suối Giàng có gần 100.000 cây chè cổ thụ đường kính từ 0,2 - 1,2 m.


Cúng cây chè tổ Suối Giàng

Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi lên Nghĩa Lộ đã tới thăm cây chè có tuổi thọ trên 600 năm và căn dặn Đảng bộ và chính quyền địa phương cần bảo vệ và phát triển giống chè quý này, giúp cho đồng bào các dân tộc có cuộc sống sung túc hơn từ chính cây chè...

Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên cây chè Shan Suối Giàng búp to như búp đa, phủ một lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Bởi thế người ta gọi là chè Shan tuyết. Vẫn là giống chè Shan đó được di thực trồng dưới vùng thấp có độ cao từ 300 - 500 m, thì búp chè không có lớp lông tơ như trồng trên Suối Giàng, người ta chỉ gọi là chè Shan.


Ngài Đại sứ Tây Ban Nha Fernando Curcio (trái) và PGĐ Sở NN-PTNT Yên Bái Trần Đức Lâm bên cây chè cổ thụ Suối Giàng

Vùng chè cổ thụ Suối Giàng được các nhà khoa học xác định là thuỷ tổ cây chè thế giới cùng với những cây chè cổ thụ ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Sri Lanka. Cây chè Suối Giàng mọc tự nhiên phân tán trên các sườn núi, sống trong môi trường giá lạnh và ẩm ướt quanh năm không chịu sự tác động của con người nên búp mỡ màng, như được chắt lọc những tinh tuý của đất trời để dâng hiến cho con người.

Cây chè Suối Giàng là đặc sản của vùng núi cao Yên Bái, nhưng mấy chục năm qua đã từng trải qua nhiều thăng trầm. Sự “quăng quật” cây chè cho nhiều công ty thu mua, chế biến đôi lúc tưởng như vùng chè cổ thụ trước nguy cơ xoá sổ khi người dân bán chè với giá rẻ mạt; nhiều gia đình phá chè để trồng cây lương thực.

Hơn chục năm nay vùng chè Suối Giàng luôn bị thả nổi. Bám quanh cây chè ngoài HTX Suối Giàng, Cty CP Chè Văn Hưng có hàng chục cơ sở chế biến quanh xã Suối Giàng tới thu mua và chế biến, chất lượng không ai kiểm soát, nhiều cơ sở đấu trộn chè Shan mua ở các xã lân cận: Sùng Đô, Phình Hồ, Suối Bu... thậm chí họ trộn cả chè trồng công nghiệp rồi lấy tên chè Suối Giàng.


Du khách thưởng thức chè Suối Giàng do chính các cô gái Mông Suối Giàng pha

Với diện tích đông đặc khoảng 300 ha, sản lượng chừng 500 tấn chè búp tươi, nếu chế biến đảm bảo quy trình thì mỗi năm sản phẩm chè Suối Giàng 70 - 80 tấn. Chưa thống kê đầy đủ, các cơ sở chế biến bán ra thị trường vài trăm tấn chè gắn tên Suối Giàng. Chè đặc sản Suối Giàng bị mất uy tín từ đó.

Để bảo hộ cho vùng chè cổ thụ Suối Giàng, từ năm 2010 Sở KH-CN tỉnh Yên Bái đã xây dựng dự án "Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận chè Suối Giàng" cho sản phẩm chè Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Sau hơn 2 năm triển khai dự án, ngày 31/5/2013 tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ công bố và trao giấy chứng nhận nhãn hiệu chè Suối Giàng do Cục Sở hữu trí tuệ cấp cho Sở KH-CN Yên Bái. HTX Suối Giàng là cơ sở chế biến chè đầu tiên được sử dụng nhãn hiệu này.

Sau khi công bố nhãn hiệu chè Suối Giàng, một số công ty đã đăng ký chế biến theo Bộ tiêu chuẩn quy định cho sản phẩm chè Suối Giàng. Như vậy, cây chè Suối Giàng đã được đặt đúng vị trí và giá trị của nó, đồng thời tạo cơ hội cho người dân bảo vệ tốt hơn rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Ông Vũ Xuân Hợi, GĐ Sở KH-CN Yên Bái:

Những cơ sở chế biến chè Suối Giàng được sử dụng nhãn hiệu do Cục SHTT cấp phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm theo Bộ tiêu chuẩn chè Suối Giàng. Nhãn hiệu chè Suối Giàng chỉ cấp cho những cơ sở chế biến đủ tiêu chuẩn đã đề ra, nhất thiết phải mua chè Suối Giàng, chế biến tại Suối Giàng.

Điều đó không chỉ đảm bảo cho chất lượng chè Suối Giàng mà còn nhằm bảo hộ cho cây chè nơi đây phát triển một cách bền vững, giúp cho người dân làm giàu từ chính cây chè...

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm