| Hotline: 0983.970.780

Sinh sản cá bống tượng ở TP HCM

Thứ Năm 03/12/2009 , 09:33 (GMT+7)

Mới đây anh Võ Văn Chín, hiện ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM, đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá bống tượng, chủ động cung cấp con giống cho thị trường.

Những năm gần đây nghề nuôi cá bống tượng trở nên khá phổ biến ở nhiều địa phương. Tuy nhiên việc cho cá sinh sản và đạt hiệu quả cao thì không phải ai cũng làm được. Mới đây anh Võ Văn Chín, hiện ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM, đã cho sinh sản nhân tạo giống cá bống tượng, chủ động cung cấp con giống cho thị trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đức Trọng, Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Bình Chánh cho biết: Đây là mô hình rất mới và có thể nói anh Võ Văn Chín là một trong những người nông dân đầu tiên cho sinh sản nhân tạo thành công cá bống tượng ở TPHCM. Trang trại của anh đầu tư rất bài bản và khoa học, từ khâu thiết kế ao nuôi, máy chế biến thức ăn, hệ thống máy cấp nước, đặc biệt tỷ lệ trứng nở trên 90%.

Anh Chín cho hay: Trước đây gia đình anh ở phường 2, quận 5, TPHCM, mở cơ sở sản xuất đồ nhựa. Năm 2005 anh tìm về xã Phong Phú nơi có cánh đồng lúa xanh biếc, nhiều ao hồ để xây dựng trang trại, trồng cây ăn trái, nuôi gà, thả cá. Sau những năm gắn bó với cá mè, cá trắm, cá chép, anh thấy trừ chi phí thu lời chẳng được bao nhiêu. Đang loay hoay với 3 ha mặt nước ao, chưa biết chuyển đổi nuôi con cá gì, tình cờ trong một lần Trạm Khuyến nông tổ chức cho bà con đi tham quan ở tỉnh Bến Tre, ở đó anh thấy họ nuôi cá bống tượng, hiệu quả kinh tế rất cao. Sau lần đi tham quan về, anh cứ suy nghĩ mãi.

Cuối năm 2007 anh gom tiền bạc xuống Bến Tre mua được 100.000 con cá giống về nuôi thử nghiệm. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật, cá bỏ ăn dẫn tới bị chết nhiều. Không nản chí anh lặn lội tìm kiếm thông tin trên sách báo, thậm chí về lại Bến Tre để tầm sư học đạo và đã thành công. Đầu năm 2009 anh thu hoạch cá thương phẩm bán giá rất cao từ 320.000 – 350.000đ/kg. Hiện nay anh Chín không những nuôi cá bống tượng thương phẩm tốt mà còn cho sinh sản con giống, chủ động phục vụ con giống cho gia đình và cung cấp cho thị trường.

Anh Chín chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

Ao nuôi cá bố mẹ: Ao nuôi có kích thước lớn hay nhỏ tuỳ thuộc vào diện tích của từng nhà, nhưng tốt nhất mỗi ao khoảng 1.000m2, mực nước từ 1,2 – 1,5m. Ao có hình chữ nhật, đáy dốc về phía cống thoát nước. Xung quanh bờ ao trải bạt kín (2/3 từ bờ xuống đáy) để chống rò rỉ, bờ ao không bị bể khi nước triều cường dâng cao. Cá bống tượng thích ăn và bơi lội ở tầng đáy, cho nên anh trải một lớp cát khoảng 60 cm để giữ cho đáy ao luôn sạch sẽ.

Có cống tháo nước từ ngoài vào qua một ao để lắng lọc, đầu cống trong và ngoài có lưới nhỏ để ngăn cỏ rác, cá tạp và cá dữ vào ao nuôi. Nước ao nuôi phải xử lý thật sạch, thông thường anh Chín xử lý bằng dung dịch Hisoplus liều lượng 250cc cho 1.000m2, ngâm 2 ngày, sau đó tháo nước từ ao lọc vào khoảng 20cm. Sử dụng bột đậu nành, kết hợp cấy men vi sinh Clean 24 H, cấy 200g cho 1.000m2 (tạo màu cho ao). Độ pH từ 6 – 8, nồng độ ô xy hoà tan 2mg/l.

Chọn cá bố mẹ: Chọn cá bố mẹ khoẻ mạnh, không bị dị hình, không sây sát, kích cỡ đồng đều, thời gian nuôi khoảng 9 tháng tuổi trọng lượng cá đạt từ 400 – 500g. Trước khi thả, tắm cá bằng nước muối (2%). Trong thời gian dưỡng cá, cho ăn thức ăn giàu đạm, và bổ sung thêm vitamin E để cá nhanh thành thục.

Cần phân biệt con cái, con đực bằng cách lật ngửa bụng lên để kiểm tra: Cá cái có gai sinh dục lớn, đầu gai tù, bụng to mềm đều, khi sắp đẻ mấu sinh dục màu hồng lồi ra; cá đực, gai sinh dục nhọn, đầu hình tam giác, dùng tay vuốt nhẹ thấy chất trắng chảy ra.

Chuẩn bị giá thể cho cá đẻ: Cho đẻ tự nhiên, tỷ lệ 1 đực x 1 cái, dùng viên gạch tàu, hoặc ống máng thả xuống cho cá đẻ (cá đẻ chỉ khi nào đặt giá thể). Cá thường đẻ ban đêm, 5 giờ chiều ta tiến hành đặt giá thể và 5 giờ chiều hôm sau kiểm tra, mang lên cho vào chậu nhựa lớn để ấp.

Muốn cá đẻ đồng loạt và thu được nhiều trứng, cần kích thích nhân tạo, có thể tiêm kích thích tố loại LHRH A70mg + 4 mg Domperidon hoặc HCG2.500UI cho 1 kg cá cái, cá đực dùng ½ liều lượng cá cái, sau 24 giờ cá sẽ đẻ trứng.

Ấp trứng: Sau khi cá đẻ mang những giá thể có trứng cá, cho vào chậu nhựa hoặc bể ấp có sục khí, đảm bảo lượng ô xy hoà tan cao từ 4 – 5mg/l, nhiệt độ thích hợp từ 25 – 30oC. Mỗi ngày thay nước chậu 2 lần, mỗi lần thay 20% nước. Thời gian ấp khoảng 30 – 36 tiếng đồng hồ cá nở. Khi cá nở đều nhấc các giá thể ra để dễ chăm sóc cá bột; sau khi cá nở 3 ngày thì chuyển cá sang bể ương. Trong 10 ngày đầu cho cá ăn lòng đỏ trứng gà luộc và con bo bo hoặc trùn chỉ. Cá được 60 ngày tuổi có thể chuyển qua ao nuôi. Thức ăn giai đoạn này gồm cá, tép nhỏ, cá tạp, ốc, trùn quế, tất cả xay nhỏ, trộn thêm cám cho cá ăn. Cá đạt kích cỡ từ 2cm trở lên là bán hoặc để nuôi thương phẩm.

Qua việc nuôi cá bống tượng thương phẩm và sinh sản cá giống, gia đình anh Võ Văn Chín, đời sống kinh tế ngày một khá lên. Ngoài ra anh còn tạo cho 10 lao động có công ăn việc làm ổn định với mức lương từ 1,5 – 2 triệu đồng/tháng bao ăn ở, hiện nay cá giống sản xuất ra mới đủ cung cấp cho anh em trong gia đình và người quen.

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.