Tuy vậy, bằng góc nhìn tích cực, TS Nguyễn Xuân Cường (ảnh), Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần biến khó khăn thành cơ hội, khai thác tốt tiềm năng, vùng miền núi phía Bắc vẫn có thể phát triển nhanh và mạnh về kinh tế.
Theo TS Nguyễn Xuân Cường, vùng miền núi phía Bắc (trong bài trò chuyện này, gọi tắt vùng Tây Bắc – PV) có vai trò hết sức quan trọng đối với Việt Nam vì vấn đề an ninh chung khi tiếp giáp các nước Lào, Trung Quốc, vì vấn đề năng lượng bởi 60% sản lượng điện của ta là thủy điện mà thủy điện chủ yếu ở vùng này.
Tây Bắc có tổng diện tích vào khoảng 10 triệu ha, chiếm 30% diện tích tự nhiên của Việt Nam với 12 triệu dân chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số. Khó khăn của vùng là 80% núi, núi ở đây rất cao, rất khác với Tây Nguyên.
Từ địa hình, địa mạo bị chia cắt lớn sinh ra các tiểu vùng khí hậu hoàn toàn khác nhau. Tổ chức sản xuất lớn rất khó, ngoài Mộc Châu ra khó còn chỗ nào khác.
Thêm vào đó, hạ tầng Tây Bắc kém phát triển, dân trí, nguồn nhân lực ở đây nói chung còn thấp sẽ là những khó khăn trong phát triển kinh tế.
Điều kiện địa lý, tự nhiên, con người là vậy nhưng Tây Bắc không phải ít cơ hội để phát triển. Nên biết, trong khó khăn có cơ hội, khó khăn càng nhiều càng cần khai thác cơ hội để vươn lên khi dư địa phát triển còn lớn.
RỪNG VÀ NÔNG NGHIỆP TÂY BẮC
Cơ cấu lại nông nghiệp Tây Bắc trước tiên phải coi lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn. Với 8 triệu ha rừng của vùng thì hơn 3 triệu ha là rừng kinh tế trong đó có hơn 1 triệu ha đất lâm nghiệp chưa có cây trồng.
Tiềm năng lâm nghiệp Tây Bắc do đó lớn nhất trong các vùng. Hiện năng suất rừng của chúng ta thấp, chỉ 70-80 m3/chu kỳ. Hiệu quả của chế biến lâm sản cũng rất thấp, mới bằng 50% so với Philippine, 40% so với Trung Quốc, 20% so với châu Âu.
Như đã nói, đứng ở quan điểm tích cực thì những yếu tố này chính là tiềm năng để chúng ta nâng cao năng suất, hiệu quả trong thời gian tới.
Riêng rừng chưa đủ, riêng gỗ chưa đủ mà phải đi sâu vào khai thác tiếp các lợi thế kinh tế khác đó là du lịch rừng, là dược liệu. Hiện lâm nghiệp ở Tây Bắc các khâu đều khó chứ không phải riêng lẻ một khâu nào. Quy hoạch chưa rõ, chính sách chưa đủ liều, công nghệ vừa thiếu vừa chưa phù hợp.
Tập đoàn cây gỗ lớn, gỗ nhỏ của ta rất đơn điệu, 80% vẫn là keo, bạch đàn, năng suất sinh khối thấp, giá trị thấp.
Về thâm canh rừng, hầu như không nông dân nào đầu tư phân bón trong khi thế giới bón rất nhiều mới có sinh khối 400-500 m3/chu kỳ. Chế biến lâm sản hiện nay chủ yếu bán thô với giá khoảng 800.000đ/m3 trong khi nếu có công nghiệp chế biến đi kèm giá trị sẽ gia tăng nhiều lần.
Tiếp theo rừng, chúng ta nên tổ chức một nền nông nghiệp đặc hữu, đa dạng phù hợp với từng tiểu vùng. Theo tôi Tây Bắc nên phân ra ba tiểu vùng là Tây Hoàng Liên Sơn, Đông Hoàng Liên Sơn và thềm đồi trung du tiếp giáp với đồng bằng bởi khí hậu, đa dạng sinh học của những vùng đó hoàn toàn khác nhau.
Tiềm năng cho phát triển đại gia súc ở đây tốt vì đất rộng, vì đa dạng khí hậu nên đa dạng về cỏ, các loại thức ăn phục vụ cho chăn nuôi. Đại gia súc cần quan tâm cả hai nhánh là sữa và thịt.
Về chăn nuôi lợn, chúng ta cần thay đổi quan điểm, cần coi Trung Quốc là thị trường tiềm năng vì 1,3 tỉ dân, vì “rổ” thực phẩm của họ cũng giống như ta 65% là thịt lợn, vì chăn nuôi nội địa của họ đang không cung ứng đủ nhu cầu.
Tại sao Việt Nam không tập trung cho phát triển đối tượng nuôi này? Chúng ta không nên chỉ đi theo hướng phát triển con lợn trắng ăn thức ăn công nghiệp tổng hợp mà phải kết hợp phát triển đàn lợn bản địa kiểu Móng Cái, Mường Khương hoặc lợn lai.
Đối tượng gia cầm nên phát triển ở quy mô vừa phải theo hướng đặc sản chứ không phải theo hướng công nghiệp để cạnh tranh với các vùng khác. Thủy sản cũng rất lợi thế phát triển ở các thủy vực lớn và con cá nước lạnh.
Cây ăn quả cũng có thể phát triển tốt ở vùng này. Trong cây ăn quả nhóm phù hợp nhất với Tây Bắc chính là cây có múi, đặc biệt là họ cam quýt vì chúng ta có rất nhiều giống đặc sản rải rác khắp các tỉnh miền núi.
Nếu tổ chức sản xuất tốt có thể cung ứng cho thị trường 90 triệu dân và cho ngành công nghiệp chế biến giải khát từ cây có múi mà Tây Bắc là một vùng chủ đạo. Cây có múi có thể đem lại thu nhập 150-200 triệu/ha, cá biệt có thể đạt cả tỉ/ha.
Cách mà chúng ta nhìn nhận cây có múi như những năm vừa qua là chưa hết tiềm năng nhất là trong công tác khoa học công nghệ từ chọn tạo, thâm canh, quản lý dịch bệnh đến tổ chức thị trường.
Nhóm cây ăn quả thứ hai là dứa và chuối. Tại sao thị trường Trung Quốc thích dứa, thích chuối thế mà Việt Nam lại không tổ chức sản xuất được hoặc nếu có cũng chỉ diện tích nhỏ ở Lào Cai, Bắc Kạn mà thôi… Thực tế, cây chuối leo đồi cao 200 m vẫn rất tốt, hiệu quả có thể đạt 200-300 triệu/ha/năm.
TS Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tìm hiểu việc phát triển cây có múi ở miền tây Nghệ An
“Israel trở thành cường quốc nông nghiệp với xuất phát điểm là điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt. Hà Lan chỉ có 4 triệu ha với gần 20 triệu dân cũng hết sức mạnh về nông nghiệp thì không có lý gì Việt Nam không thể, cũng như không có lý gì Tây Bắc với 10 triệu ha, đa dạng sinh học, đa dạng sinh thái với quyết tâm cao lại không thể. Nếu tính toán đúng chúng ta vẫn có thể biến một vùng khó khăn nhất thành một vùng kinh tế phát triển”. (TS Nguyễn Xuân Cường) |
Thế mạnh nữa của Tây Bắc là rau và hoa ôn đới. Mặt này Việt Nam có lợi thế chuyên biệt, thắng hoàn toàn so với Trung Quốc vì mùa đông của họ quá lạnh, rau không mọc được. Rau của ta chẳng những cần cho Thủ đô mà còn có thị trường rất lớn là Trung Quốc bên cạnh.
Hoa cũng vậy, hoa đồng tiền Đà Lạt trồng ở Ngân Sơn (Bắc Kạn) đẹp hơn cả hoa trong đó. Độ cao như nhau nhưng thổ nhưỡng khác nhau, đất Tây Bắc nhiều vi lượng, trồng hoa màu sắc rất đẹp, cánh dày, tươi thắm.
CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CHO TÂY BẮC
Điểm mấu chốt, do đặc thù khó khăn về địa hình, diện tích manh mún không ra tấm ra miếng nên suất đầu tư nông nghiệp ở Tây Bắc sẽ rất lớn và cách làm cũng phải khác. Vì thế chính sách cho nông nghiệp Tây Bắc phải mang tính đặc thù.
Nếu cứ áp rập khuôn Nghị định 210 (chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn) thì sẽ không doanh nghiệp nào “nhảy” lên trên này để gây nghiệp cả. Phải ưu đãi đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp tâm huyết và có chiến lược bài bản mạnh dạn đầu tư.
Chính sách thứ hai phải nhằm vào nông dân. Xuất phát điểm thấp, điều kiện canh tác lại vô cùng khó khăn nên phải có chính sách hỗ trợ đầu tư sao cho thật thích đáng.
Ví dụ chuyện trồng rừng thôi, nếu theo Nghị định 147 thì Chính phủ chỉ hỗ trợ từ 3-5 triệu/ha trong khi suất đầu tư mỗi ha là 10-15 triệu làm sao người miền núi theo được? Cần có quy hoạch cho từng tiểu vùng, từng tỉnh, thậm chí nhóm huyện chứ không phải là quy hoạch kiểu chung chung.
Điều cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực từ hệ thống chính trị đến nhân lực cho phát triển kinh tế. Không có quyết tâm chính trị thì doanh nghiệp có vào cũng không thể làm nổi.
(*): TS Nguyễn Xuân Cường hiện là Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
TS NGUYỄN XUÂN CƯỜNG (*)