| Hotline: 0983.970.780

Thắng “chuột”

Thứ Tư 20/02/2013 , 11:08 (GMT+7)

Mỗi khi có ai đó gọi điện thoại đến kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Mạnh Thắng, anh liền mở đầu cuộc đàm thoại bằng câu: “A lô, “chuột” nghe đây”.

Ở Bình Định, những người làm trong ngành nông nghiệp thường nói đùa: “Chuột” ở Bình Định biết nghe điện thoại di động!”. Bởi vì, mỗi khi có ai đó gọi điện thoại đến kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Mạnh Thắng, anh liền mở đầu cuộc đàm thoại bằng câu: “A lô, “chuột” nghe đây”.

Không phải anh Thắng tự nhận mình là “chuột”, mà cái tên “Thắng chuột” là của nông dân đặt cho. Sau một thời gian dài anh “theo” loài gặm nhắm này để nghiên cứu về chúng, tìm ra những cách diệt chuột hiệu quả nhất.

“Theo” chuột

Suốt 6 năm theo sát từng “đường đi, nước bước” của lũ chuột, anh Thắng nghiên cứu thấu đáo từng sở thích, thói quen, khẩu vị và cách cư trú của lũ chuột trong từng mùa vụ, từng đặc điểm vùng sinh thái khác nhau. Từ đó, anh tìm ra và truyền đạt đến nông dân những cách diệt chuột mang lại hiệu quả cao trong từng thời điểm.

Tốt nghiệp ngành trồng trọt (Trường ĐH Nông nghiệp 4, ĐH Nông lâm TPHCM hiện nay), năm 1997, anh Nguyễn Mạnh Thắng về nhận việc tại Chi cục BVTV Bình Định. Đúng lúc những cánh đồng trên địa bàn tỉnh này bị “giặc” chuột tàn phá dữ dội. Nông dân xót của vì cây lúa mình trồng lên chưa kịp cho hạt thì đã bị lũ chuột cắn phá tơi tả. Ngành chức năng nóng ruột, vì dù đã dùng mọi biện pháp nhưng vẫn không thể ngăn chặn được sự sinh sôi nẩy nở và sự tàn phá của lũ chuột.

Lãnh đạo Chi cục BVTV Bình Định đề xuất với anh Thắng: “Đi theo con chuột đi”. Anh Thắng gật đầu cái rụp. “Nếu không tìm ra cách diệt chúng thì dù nông dân có ra sức trồng trọt cỡ nào thì cũng chẳng có cơ hội thu hoạch thành quả lao động của mình”, anh Thắng nói về bước khởi đầu đi “theo” con chuột của mình đơn giản như vậy.

Đầu năm 1998, anh Thắng được cơ quan cử đi tỉnh Tiền Giang để theo học lớp “IPM chuột” do Cục BVTV tổ chức. Ban đầu, khi mới “đến” với lũ chuột, anh Thắng đã gặp không ít ngỡ ngàng. Thế nhưng dần dà anh thấy “hít”, và trong lòng dấy lên quyết tâm sẽ nghiên cứu kỹ về nó để tìm cách tiêu diệt.

“Sau khi đi tập huấn về là tôi “theo” con chuột luôn. Càng nghiên cứu sâu về nó, tôi càng thấy hấp dẫn. Bởi từ những hiểu biết về chúng, tôi tìm ra nhiều cách khắc chế sự phá hoại của chúng rất hiệu quả”, anh Thắng nói.

Theo anh Thắng, hoạt động phá hoại của chuột chủ yếu vào ban đêm. Trời bắt đầu tối là chúng rời khỏi hang, tỏa đi khắp các cánh đồng lúa cắn phá. Phá “chán”, chúng về lại hang để đến 9-10 giờ đêm tiếp tục đợt “tấn công” thứ 2. Chưa hết, sau khi về hang “nghỉ mệt” lần 2, đến 2-3 giờ sáng chúng tiếp tục đợt cắn phá thứ 3.


Cách bắt chuột hiệu quả trông thấy

Do đó, trong thời gian “theo” để tìm hiểu chu kỳ hoạt động của chuột, anh Thắng đã có nhiều đêm thức trắng với chúng. Ban ngày, anh lại tiếp tục lùng sục khắp các cánh đồng ở từng vùng đất khác nhau để tìm hiểu cách cư trú của chúng.

“Phải biết chúng hoạt động thế nào, ăn ở ra sao thì mình mới tìm cách diệt được chúng. Ở mỗi vùng đất có mỗi đặc điểm sinh thái khác nhau nên hoạt động của lũ chuột cũng khác nhau”, anh Thắng nói.

Cách chuột cắn phá cũng thay đổi theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng bởi hoạt động của chúng phụ thuộc vào thức ăn. Do đó, muốn nắm bắt cho hết các đặc tính về hang chuột, về sinh sản của chúng theo từng mùa vụ, anh Thắng phải đi cùng khắp các địa phương trong tỉnh từ đồng bằng đến miền núi, “theo” chúng ngày này sang ngày khác, hết vụ ĐX sang vụ hè thu.

“Thú thật, nhiều đêm thức trắng với chúng, sáng ra tôi mở mắt không ra nhưng tối hôm sau tôi lại “hăng máu”, tiếp tục ra đồng vì càng ngày tôi càng mê diệt chuột”, anh Thắng tâm sự.

Trở thành “Thắng chuột”

Anh Thắng thấu đáo về chuột đến nỗi, bây giờ, chỉ cần nhìn giai đoạn sinh trưởng của cây lúa trên đồng là biết lúc này chuột đã vào mùa sinh sản chưa. Theo anh Thắng, ở Bình Định, vụ ĐX thường bị chuột phá nặng nề nhất. Bởi tại thời điểm này, lũ chuột của vụ hè thu và vụ mùa “tích tụ” lại đồng loạt tấn công. Khi lúa ĐX vừa gieo sạ, lũ chuột đã “xơi tái” hạt giống. Khi lúa đẻ nhánh, chúng tiếp tục “đánh phá” những cánh đồng 1 lần nữa.

Thế nhưng khi lúa làm đòng trỗ mới là thời điểm chúng phá phách dữ dội nhất. “Cây đòng lúa chứa nhiều dưỡng chất kích thích sinh sản cả con đực lẫn con cái nên chúng rất khoái. Ăn lúa đòng, chúng nổi máu “hăng” nên giao phối ngay. 21 ngày sau là có lứa chuột mới ra đời. Mỗi lứa chuột có từ 12-16 chuột con.

Tùy mùa vụ, mỗi năm lũ chuột sinh sản từ 3-6 lứa. 3 ngày sau khi đẻ chuột con mới mở mắt, 5 ngày tuổi chúng bung tai, và chỉ mới 21 ngày tuổi chúng đã có thể theo cha mẹ đi cắn phá đồng ruộng. Đến giai đoạn 60-65 ngày tuổi là chúng đã giao phối và sinh lứa con so. Lũ chuột sinh sôi nhanh như máy”, anh Thắng cho biết.

Cũng theo anh Thắng, lượng thức ăn hằng ngày chúng cắn phá thường gấp 3 trọng lượng cơ thể của chúng. Trong khi đó, chu kỳ sống của chuột đực là từ 365-370 ngày, chuột cái sống đến 380 ngày. Chỉ cần làm 1 phép tính đơn giản là chúng ta có ngay đáp số về mức độ phá hoại của chúng, nếu chúng được nhởn nhơ sống.

Anh Thắng kể: “Khi ấy, tôi liên tục đi cơ sở để cùng nông dân ra đồng đào hang bắt chuột. Bắt được chuột cái, tôi mổ ra, tính nhau thai để biết nó đã đẻ được mấy lứa, mỗi lứa bao nhiêu con. Khi đào hang, tôi còn phát hiện được đặc tính nơi cư trú của chúng tùy theo mùa vụ. Hang chuột trong vụ ĐX thường nằm trên gò cao để “né” mưa lũ làm ngập.

Vụ hè thu chúng dời nơi cư trú xuống ngay bờ ruộng. Hang chuột cũng có nhiều loại: hang phức tạp, hang trung bình và hang đơn giản. Hang phức tạp có nhiều ngõ ngách, được phân thành “buồng đẻ”, nơi để thức ăn, nơi ngủ...rất bài bản. Loại hang này thường có chiều dài từ 3-4 m”.

Sau khi biết rõ từng đặc tính của chúng, anh Thắng liền nghĩ ra nhiều giải pháp diệt chuột để hướng dẫn nông dân. Theo anh Thắng, trước khi chọn giải pháp, cần phải biết lực lượng chuột đang hiện diện trên đồng là bao nhiêu. Để nắm bắt được “quân số” của giặc chuột, nông dân chỉ cần đặt bẫy dấu chân.

Đơn giản là những tấm tôn, trên tấm tôn trét 1 lớp bùn mỏng hoặc mỡ bò, đặt trên bờ ruộng (mỗi ha đặt từ 10-20 bẫy). Sau 1 đêm chuột chạy qua lại, đếm dấu chân là cơ bản biết được lực lượng của chúng. Trước khi gieo sạ từ 20-25 ngày, dùng bẫy cây trồng để đánh “phủ đầu” chúng ngay trong “trận đầu” ra quân.

Cứ 10 ha làm 1 bẫy cây trồng. Bẫy là những cái cọc được cắm quanh diện tích ruộng khoảng 500m2, sau đó bao kín nilon theo cọc cắm. Tiếp đến, mở những cửa nhỏ, đặt hom (như nơm bắt cá) ngay ở mỗi cửa. Sau đó, dùng hạt giống có mùi thơm làm mồi nhử rải vào, lũ chuột bắt mùi chui qua cửa “kiếm ăn” là mắc dính vào hom bẫy.

Đến khi lúa đẻ nhánh (từ 15-20 ngày sau khi sạ), dùng đèn măng sông soi và dùng nôm ụp chúng ngay trên ruộng rất hiệu quả. Bởi đặc tính của lũ chuột là khi thấy đèn chúng liền dừng lại nhìn, ụp bắt rất dễ; hoặc dùng mồi cua sống cài bẫy đập quanh ruộng.

“Xa đồng ruộng, “xa” lũ chuột mấy năm nay giờ nghĩ lại thấy lòng bứt rứt quá. Thú thật, dù trong đang làm công việc gì, tôi vẫn thường xuyên “nhớ” đến con chuột. Dự định sang năm 2013 tôi sẽ xin về 1 cơ quan chuyên môn trong ngành nông nghiệp làm lại. Hy vọng khi ấy tôi sẽ thường xuyên gặp lại lũ chuột", anh Thắng trải lòng.

Giai đoạn lúa bắt đầu đẻ nhánh, làm đòng trỗ cũng là thời điểm lũ chuột vào mùa sinh sản, lúc này dùng thuốc xông vào các loại hang phức tạp là có thể làm chúng chết ngạt cả “dòng họ”; hoặc đổ nước vào những loại hang trung bình và đơn giản để chúng ngộp nước, khi chạy ra khỏi hang là chúng không thể thoát khỏi những cây gậy đã chờ sẵn.

“Trước khi có lúa trên đồng, mồi nhử chúng có thể dùng hạt lúa, vì lúc ấy chúng đang “thèm” loại mồi này. Thế nhưng khi trên đồng đã có cây lúa, nhất là khi lúa đã làm đòng trỗ, nông dân nên dùng khoai, ngô hay các loại mồi khác như cua sống để thay đổi “khẩu vị” thì mới mong nhử được chúng. Vì tại thời điểm này chúng đã ớn mồi lúa rồi”, anh Thắng nói.

Trong những năm tháng “theo đuổi” con chuột, anh Thắng đã nếm trải không ít cơ cực. Thế nhưng bên cạnh đó, anh cũng nhận được niềm vui lớn là nhờ áp dụng những biện pháp phòng trừ hiệu quả được đúc kết sau 6 năm “theo đuổi” con chuột của anh, những cánh đồng ở Bình Định vắng hẳn bóng dáng con chuột.

Khi anh Thắng theo sự điều động của tổ chức về làm chuyên viên nông nghiệp cho Văn phòng Tỉnh ủy, rồi chuyển sang làm ở Liên minh các HTX Bình Định, cái tên “Thắng chuột” vẫn cứ được nông dân Bình Định nhắc mãi, nhất là mỗi khi đến mùa diệt chuột.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm