| Hotline: 0983.970.780

Thoải mái ban phát chức tước

Thứ Hai 25/06/2012 , 11:01 (GMT+7)

CBCC xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương (Nghệ An), hễ ai hỏi đến đều luôn miệng phàn nàn rằng lương quá thấp không đủ sống..., thế mà thật nực cười các vị chủ chốt lãnh đạo xã lại tìm mọi cách để đưa bằng được người thân của mình vào bộ máy chính quyền xã.

Là một xã vùng biên giới của huyện Thanh Chương (Nghệ An), mặc dù đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của  Nhà nước, thế nhưng cho đến nay, xã Thanh Hương vẫn cơ bản là 1 xã nghèo. Cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế kém phát triển, đời sống nhân dân khó khăn... Chính quyền xã tự biến mình thành một con nợ triền miên gây bức xúc trong dư luận.

>> Cán bộ phường đông như... quân Nguyên
>> Lãng phí ở hội nghị, hội thảo…
>> Độc chiêu thu ngân sách
>> Nước chè, thuốc lào vặt và phim online


Các công dân xã Thanh Hương đứng đơn tố cáo

MỘT LIỀU, BA BẢY CŨNG LIỀU

Xã Thanh Hương hiện có 13 xóm với 1.241 hộ dân gồm 5.777 nhân khẩu. Cũng như các địa phương khác, bộ máy CBCC chuyên trách và không chuyên trách ngót nghét trên 200 người. Điều làm cho người dân Thanh Hương bức xúc là đội ngũ CBCC xã quá cồng kềnh nhưng hiệu quả làm việc lại quá thấp, sáng vác ô đi, tối vác về. Khoản lương trả cho CBCC xã mặc dù đã được Ngân sách TW và địa phương chi trả đều đặn vào ngày 8 hàng tháng, nhưng ngân sách xã vẫn “cháy” triền miên từ năm này sang năm khác. Không có tiền chi tiêu, chính quyền xã nghĩ rất nhiều “sáng tạo” trong việc huy động tiền về cho xã.

Ngoài việc huy động số tiền nhàn rỗi trong dân, sử dụng sai mục đích các khoản tiền đầu tư từ các chương trình mục tiêu, các dự án... xã Thanh Hương thậm chí còn mượn bìa đỏ của nhiều hộ dân để thế chấp vay vốn ngân hàng về chi tiêu...

Đến khi nợ ngập đầu, không biết tìm đâu ra nguồn để hoàn trả, cấp uỷ, chính quyền xã đã mạnh dạn đưa ra nhiều chiêu khá động trời như tự quy hoạch thị tứ tại vùng trung tâm xóm 4 để bán 42 lô đất. Khi bán chui đất, ông Nguyễn Bá Lý, lúc đó là Chủ tịch xã Thanh Hương, đã chỉ đạo thu tiền của dân bằng 2 loại hóa đơn trên đó đều ghi nội dung giống nhau và yêu cầu các hộ được giao đất phải xây nhà kiên cố, đẹp nếu không sẽ bị xã thu hồi. Bán đất có tiền, chính quyền vung tay chi vào những việc gì chẳng ai hay biết. Thế nhưng, khi Thanh tra huyện vào cuộc, xã Thanh Hương đã chối “tội” bằng báo cáo sai sự thật rằng 42 lô đất ấy xã chỉ cho dân thuê để tránh bị xử lý. Do việc làm gian dối này, chính quyền xã Thanh Hương đã đẩy người dân vào tình thế khó xử bởi 42 lô đất ấy cho đến nay không được chính quyền cấp trên chấp nhận cho làm bìa đỏ.

Chưa hết, cũng để xử lý nợ nần do việc vung tay quá trán của mình, lãnh đạo xã Thanh Hương còn cả gan cho ra đời một Nghị quyết trái pháp luật nhưng đến tận hôm nay vẫn vỗ ngực cho rằng đó là một bước “đột phá” của địa phương: Chia đều số nợ của xã cho người dân trả. Theo Nghị quyết này, người dân xã Thanh Hương, từ đứa trẻ mới lọt lòng tới cụ già 70 - 80 tuổi, người tàn tật, cô đơn đều phải móc hầu bao trả nợ cho chính quyền xã theo 2 cách chia: Chia theo đầu hộ với 123.000 đồng/hộ và chia theo đầu nhân khẩu với gần 27.000 đồng/khẩu. Riêng các cháu học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở còn phải chia tiếp một lần nữa (!?). Cho đến khi Nghị quyết trái khoáy này bị báo chí phanh phui, buộc HĐND huyện Thanh Chương phải huỷ bỏ; nhưng chính quyền xã vẫn cố chấp để thực thi bằng được thông qua việc sửa chữa lại một số từ ngữ trong nội dung Nghị quyết từ “huy động” sang “vận động” để ép buộc người dân phải đóng góp tiếp để trả nợ cho xã...

Ông Nguyễn Công Tấn, Xóm trưởng xóm 6, một trong số những người đã thay mặt nhân dân Thanh Hương theo đuổi công lý nhiều năm trời ở xã Thanh Hương bức xúc cho biết: "Sai phạm của cán bộ xã quá nhiều, có những cái đã được kết luận rõ, nhưng những người đứng đầu, người có hành vi sai phạm chẳng hiểu sao vẫn không bị xử lý kỷ luật".

Ông Nguyễn Công Tấn lật cho chúng tôi xem bộ hồ sơ chất đầy một bao tải mà ông và một số công dân trong xóm đã cất công sưu tập, lưu giữ nhiều năm qua. Trong đó có một tài liệu mới toanh của thường trực HĐND xã về kết quả giám sát thu – chi tiền thuỷ lợi phí năm 2010-2011. Theo tài liệu này, chính quyền xã Thanh Hương 2 năm qua đã chi tiêu sai mục đích trên 156 triệu đồng tiền thuỷ lợi phí. Ngay cả các khoản lương được ngân sách TW và tỉnh cấp định kỳ thường xuyên cho đội ngũ CBCC xã, tiền trợ cấp cho người già (từ 80 tuổi trở lên) bình quân 286 triệu đồng/tháng cũng phải “giật gấu vá vai” lấy tiền được cấp tháng sau để chi trả khoản nợ của tháng trước...

BAN PHÁT CHỨC TƯỚC VÔ TỘI VẠ

CBCC xã Thanh Hương hễ ai hỏi đến đều luôn miệng phàn nàn rằng lương quá thấp không đủ sống..., thế mà thật nực cười các vị chủ chốt lãnh đạo xã lại tìm mọi cách để đưa bằng được người thân của mình vào bộ máy CBCC xã. Ông Lê Xuân Đường, nguyên Bí thư chi bộ xóm 6 bức xúc cho biết: Ông Nguyễn Bá Lý, suốt thời gian ngồi ghế Chủ tịch xã, đã 2 lần bị cảnh cáo thế mà nhiệm kỳ này vẫn được cơ cấu làm Bí thư Đảng uỷ xã.

Sau 13 năm làm Chủ tịch xã Thanh Hương, ông Nguyễn Bá Lý đã đưa anh em, con cháu, bạn bè thân thích vào bộ máy CBCC một cách vô tội vạ. Đầu tiên phải kể đến là việc sắp xếp cho con trai (Nguyễn Bá Duẩn) vào chân trực văn phòng UBND xã; đưa Nguyễn Bá Sơn (gọi ông Lý là chú ruột) vào ghế Bí thư đoàn xã. Sau đó cơ cấu Nguyễn Bá Sơn vào ghế Phó chủ tịch văn xã, do trái với cơ cấu của Huyện uỷ nên đã không được công nhận. Bí quá, ông Lý đưa Nguyễn Bá Sơn sang giữ chức Chủ tịch Hội nông dân xã.

Tiếp đó là đưa ông Nguyễn Bá Toàn (anh em thúc bá với ông Lý) vào ghế Xóm trưởng xóm 6, bỏ phiếu tới 3 lần ông Toàn vẫn trượt vỏ chuối, ông Lý xoay sang đưa ông Toàn ghế Phó chủ tịch Hội CCB xã. Mới làm được 1 nhiệm kỳ đã bị Hội CCB huyện loại khỏi danh sách cơ cấu nhiệm kỳ mới thế là ông Lý quay sang bố trí ông Toàn vào ghế Phó chủ tịch MTTQ xã.

Bất kỳ người dân xã Thanh Hương nào được chúng tôi hỏi đều bày tỏ thái độ coi thường lớp cán bộ chủ chốt và CBCC xã tại địa phương này ra mặt. Ông Nguyễn Công Tấn, Xóm trưởng xóm 6 thẳng thắn nói: Nhân dân đã hoàn toàn mất lòng tin đối với lớp CBCC địa phương.

Đến ông Nguyễn Bá Tùng (anh ruột ông Nguyễn Bá Lý), trình độ hạn chế, vẫn được ông Lý bố trí làm Bí thư chi bộ xóm 4, nhưng con cái “có vấn đề” khiến đảng viên và nhân dân trong xóm bức xúc, bày tỏ thái độ bất tín nhiệm. Trước tình thế đó, ông Tùng buộc phải làm đơn xin nghỉ chức danh Bí thư chi bộ xóm 4. Thế mà ông Nguyễn Bá Lý vẫn cơ cấu sang vị trí Xóm trưởng xóm 4. Khi tổ chức bầu bán, ông Tùng bị dân loại khỏi ghế nhưng ông Nguyễn Bá Lý vẫn bổ nhiệm chức Xóm trưởng xóm 4 bất chấp sự bất bình của cán bộ, đảng viên trong xóm.

Một nhân vật nữa là Nguyễn Bá Tùng (anh em họ với ông Nguyễn Bá Lý). Vị này sau khi xuất ngũ về địa phương chả biết làm nghề gì ngoài việc vào rừng chặt gỗ thế mà đùng một cái vẫn được ông Nguyễn Bá Lý đưa vào đội ngũ CBCC xã phụ trách giao thông - thuỷ lợi sau đó chuyển sang làm cán bộ văn phòng UBND xã rồi cử đi đào tạo nghiệp vụ quân sự để chuẩn bị cơ cấu vào ghế Xã đội trưởng hoặc Xã đối phó trong tương lai...

Ông Đinh Xuân Hoàng, Chi hội trưởng CCB xóm 5 khẳng định: Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Hương được bà con trong xã xem là một người độc đoán, chuyên quyền tại địa phương. Muốn đưa ai vào làm cán bộ thì đưa, muốn loại ai thì loại. Ngoài việc tự cao, tự đại nên mới tự cơ cấu thêm 1 chân “công vụ” với mức lương 600 nghìn đồng/tháng, để suốt ngày cắp tráp theo hầu mình (hiện đã phải loại bỏ vì dư luận), ông Nguyễn Bá Lý còn thẳng tay trù dập những người không cùng bè cánh.

Điển hình là việc “trị” bác sỹ Nguyễn Thanh Tùng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Thanh Hương. Do nghi ngờ BS Tùng không bỏ phiếu cho mình nên ông Nguyễn Bá Lý đã mượn cớ BS Tùng bán mấy cây keo trong khu vực Trạm xá mà không báo cáo với Chủ tịch xã và hành vi vắng mặt trong đợt diễn tập A2 tại xã Thanh Hương, ông Nguyễn Bá Lý đã đẩy BS Tùng ra khỏi địa phương khiến Trạm xá Thanh Hương không có bác sỹ điều trị cho dân...

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm