| Hotline: 0983.970.780

Thơm thảo bánh tét mặt trăng

Chủ Nhật 18/02/2018 , 08:01 (GMT+7)

Những chiếc bánh tét có hình như vành trăng khuyết úp vào nhau cho thành trăng tròn đó cũng là hình ảnh ước nguyện cho mỗi lứa đôi luôn bên nhau hạnh phúc viên mãn.

Chuyện bánh tét mặt trăng của làng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị như mang cả một triết lý về cuộc sống.

Tôi vừa bước vào nhà anh Đào Bá Vây, mùi bánh tét nấu mới chín thơm lừng. Anh Vây là người làm bánh tét mặt trăng nổi tiếng nhất làng Đại An Khê. Chưa biết tôi có ý định gì khi đến nhà nhưng anh Vây liền bưng ra một đĩa bánh tét mời khách. Đĩa bánh nhìn ngon và rất lạ so với các loại bánh tét ở những miền quê khác trên đất nước ta. Từng lát bánh có hình bán nguyệt, màu xanh như ngọc, giống như một vầng trăng treo trên lũy tre êm đềm, hồn hậu của làng.

14-49-31_mt-trng-1
Bí quyết để chiếc bánh có màu xanh là trộn nước lá ngót

Câu chuyện bánh tét mặt trăng cuốn hút tôi vào ngày giáp tết. Làng Đại An Khê có mặt trên đất này hơn 500 năm và cũng ngần ấy thời gian nồi bánh tét mặt trăng luôn có mặt trong đời sống dân làng.

Đại An Khê có hơn 500 hộ, Tết đến nhà nào cũng nấu bánh tét mặt trăng để cúng ông bà, tổ tiên. Anh Vây cho biết điểm khác biệt của chiếc bánh chính là màu sắc và hình thù của nó.

Để làm ra được một chiếc bánh tét mặt trăng chất lượng ngoài chất liệu là gạo nếp thì phải chọn lá rau ngót tươi, giã lọc lấy nước. Nước lá ngót có vai trò rất quan trọng trong quá trình làm bánh bởi nước lá sau khi được vắt ra phải trộn ngay với nếp mới giữ được màu xanh như ngọc trên từng chiếc bánh.

Ngoài việc lựa chọn những loại nếp thơm dẻo, ngon và nhân đảm bảo thì cách nấu cũng khá quan trọng. Trước khi nấu, cần cho bánh vào một lượt trong nồi, đổ nước lạnh vào ngập xăm xắp bánh. Sau đó đun lửa cháy đều cho nồi bánh sôi ùng ục quanh đều, giữ đều lửa để bánh chín dần. Nấu từ 9 đến 10 giờ đồng hồ, bánh tét mới chín, sau đó nhỏ lửa và để ngâm trong nước khoảng vài giờ đồng hồ vớt bánh ra để ráo. Bằng cách nấu này đòn bánh tét sẽ giữ được lá xanh, cây bánh đẹp và để được lâu ngày.

14-49-31_mt-trng-2
Gia đình anh Vây đang gói bánh tét

Bánh tét mặt trăng nấu chín có màu xanh tự nhiên, khi ăn sẽ không thấy ngán hay béo của nhân mà có mùi thơm nhẹ nhàng, khoan khoái, kích thích vị giác. Ngày xưa bánh tét không có thịt heo, phần nhân được làm bằng đậu xanh nấu nhuyễn trộn với tiêu, hành...

Để gói được thành hình mặt trăng đòi hỏi người gói phải chắc tay, vừa cột vừa nén để lớp vỏ bọc không bị bung ra, sau đó ép chặt 2 cái bánh lại với nhau rồi nấu bằng lửa củi nhiều tiếng liền. Chiếc bánh sau khi nấu chín xắt thành lát bày lên đĩa trên mâm nhìn rất hài hòa đẹp mắt.

Từ xa xưa trong bất cứ ngày lễ giỗ, chạp của gia đình, dòng họ hay của làng đều bắt buộc có đĩa bánh tét mặt trăng đặt trên bàn thờ. Đĩa bánh tét mặt trăng gửi gắm tâm tư, tình cảm, khát vọng cũng như mong muốn của con cháu dâng lên ông bà, tổ tiên, cầu xin ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình, dòng họ luôn được sung túc, no đủ, bình an.

Chiếc bánh tét cũng thể hiện cho tình yêu gia đình với hình ảnh hai chiếc bánh được buộc chặt vào nhau trải qua quá trình nấu nhiều giờ liền được ví von như một đôi vợ chồng gắn chặt với nhau vượt qua khó khăn, gian khổ của cuộc đời để đến bến bờ hạnh phúc.

14-49-31_mt-trng-3
Chiếc bánh có hình mặt trăng khuyết, màu xanh như ngọc

Anh Đào Bá Vây tự hào bánh tét mặt trăng từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài tỉnh bởi hình thức đẹp mắt lẫn mùi vị thơm ngon. Xưa nay làng Đại An Khê chưa ai sống bằng nghề nấu bánh tét mặng trăng. Nhưng do chất lượng bánh tét của làng quá đặc biệt nên thị trường có nhu cầu tiêu thụ. Thế là làng Đại An Khê cách đây mấy năm hình thành nghề nấu bánh tét mặt trăng để gửi đi cái tình thơm thảo cuộn trong chiếc bánh của dân làng đến khắp bè bạn. Vì thế, gia đình anh Vây phải làm bánh bán quanh năm để kịp các đơn đặt hàng của bà con. Trung bình, ngày ít nhà anh làm được khoảng 60, ngày cao điểm lên đến hơn 200 chiếc bánh. Riêng dịp Tết Nguyên Đán này, lượng đơn đặt hàng đã có đầy đủ từ hai tháng trước. Bánh tét mặt trăng của gia đình anh Vây còn xuất hiện ở các tỉnh thành Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… và được đưa ra nước ngoài cho bà con Việt kiều.

Không riêng gia đình anh Vây, những ngày giáp Tết, những nồi nấu bánh tét mặt trăng của nhiều hộ gia đình làm nghề nấu bánh tét trong làng luôn đỏ lửa suốt ngày để phục vụ nhu cầu của khách gần xa. Trung bình mỗi chiếc bánh có giá từ 50 ngàn đến 60 ngàn đồng tùy thuộc vào kích cỡ, trọng lượng bánh do khách hàng đặt. Đối với nhiều gia đình trong mấy ngày Tết, thiếu đi những chiếc bánh tét coi như cái Tết chưa được trọn vẹn. Vì vậy ai cũng muốn có được cặp bánh tét mặt trăng của làng Đại An Khê.

14-49-31_mt-trng-4
Nhân bánh được làm bằng đậu xanh và thịt heo

(Kiến thức gia đình số tết)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.