| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Chúng ta không hoảng hốt mà biến thách thức thành cơ hội

Thứ Tư 27/09/2017 , 21:34 (GMT+7)

Sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên toàn thể Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực để phát triển bền vững ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị

Tiếp sau diễn văn khai mạc, chỉ đạo hội nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, qua 3 phiên họp chuyên đề song song (ngày 26/9) về định hình chiến lược phát triển bền vững, Thủ tướng đánh giá cao kết quả các ý kiến đóng góp tại các phiên họp chuyên đề tại hội nghị. Các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn, góp ý nhiều ý kiến cơ bản cho sự phát triển ĐBSCL trong điều kiện BĐKH diễn ra gay gắt. 

Mặc dù ĐBSCL đang phải đối mặt không ít thách thức, nhưng Thủ tướng lạc quan trước tương lai xán lạn của vùng đất này. Thủ tướng cho rằng: Trước hiện tượng của thiên nhiên chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, phù hợp nhất. Trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị và người dân nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho cuộc sống gần 20 triệu người dân cùng vượt qua thách thức. ĐBSCL sẽ là một khu vực giàu có của Tổ quốc Việt Nam gần 100 triệu dân.

Quyết tâm biến thách thức thành thời cơ, Chính phủ cam kết với quyết tâm chính trị cao kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, của DN và các đối tác quốc tế; huy động nguồn lực cần thiết cụ thể hóa thành các hành động thực hiện các sáng kiến, các nhiệm vụ, các giải pháp từ hội nghị này trong quá trình phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn hết thế kỷ này...

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đưa cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL. Trong đó các ý kiến đáng chú ý qua phân tích vận dụng các cơ hội từ vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên: Đồng bằng lớn nhất, có độ phì nhiêu cao, đa dạng các vùng đất ngập nước, đa dạng sinh học cao, trữ lượng tài nguyên nước ngọt và rừng ngập mặn, có tiềm năng SX nông - ngư nghiệp lớn nhất nước, kết nối với TP.HCM, các nước Đông Nam Á.

"Ngay trong tháng 9 này Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về phát triển bền vững ĐBSCL", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng thời khẳng định tinh thần phát triển bền vững ĐBSCL. Và một trong những tinh thần cốt yếu chính là giữ được đất, giữ được nước, giữ được con người, trên cơ sở đó cần có tầm nhìn để xây dựng ĐBSCL từ vựa lúa trở thành khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp từ lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL; những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học đầu ngành, các doanh nghiệp và tham vấn chia sẻ ý kiến quý báu từ đại sứ các nước, đại diện các tổ chức quốc tế tham dự.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu 3 quan điểm phát triển ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh việc bảo tồn những giá trị văn hóa và cuộc sống sung túc của người dân. Thứ hai là đổi mới tư duy phát triển cổ điển sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Lương thực không phải là chống đói mà lương thực là dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh. Vì vậy ĐBSCL phải có thương hiệu nông sản nổi tiếng. Thứ ba là quan điểm phát triển thuận tự nhiên, chống can thiệp thô bạo vào tự nhiên...

Về đầu tư các công trình ứng phó BĐKH, Thủ tướng nhấn mạnh, từ nay đến 2020 giải ngân có hiệu quả 1 tỷ USD để làm một số công trình: Cống sông Cái lớn - Cái bé, cống Trà Sư, Tha La, xử lý một số đoạn sạt lở nghiêm trọng...

Thủ tướng giao các cơ quan tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của đại diện các địa phương, tổ chức quốc tế khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL để Chính phủ bàn trong kỳ họp thường kỳ tháng 9/2017.

Để phát triển bền vững vùng đất Chín Rồng định kỳ 2 năm một lần Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị có quy mô tương đương hội nghị ngày để cùng bàn thảo kế hoạch, rà soát việc thực hiện các mục tiêu, chủ trương, giải pháp để chung tay xây dựng, đưa ĐBSCL đi đến một tương lai tươi sáng hơn.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng:

18-15-02_ong_nguyen_vn_the_-_bi_thu_uy_soc_trng

“Tôi hình dung trong giai đoạn sắp tới ĐBSCL đứng trước nguy cơ lớn về thiên tai. Đó là nước biển dâng, là những cơn bão lớn, lốc xoáy sẽ đến và làm đảo lộn hết các sinh hoạt, kể cả SX. Do đó người dân rất cần những thông tin cảnh báo.

Giải pháp cho người dân và chính quyền là cần cung cấp cho họ dự báo kịp thời, cập nhật theo thời gian rồi cung cấp các kịch bản cho chính quyền và người dân biết một vài năm tới điều gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL.

Trong 5 - 10 năm hay 30 năm tới điều gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL để người dân cũng như chính quyền có những chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp, tạo an sinh và thích ứng tốt nhất với BĐKH. Do đó cần các cơ quan, các bộ cảnh báo, đưa ra mô hình thích ứng.

Ngay từ bây giờ, những khu xây dựng mới cần có mô hình nhà ở thích nghi được với BĐKH, nếu làm tiếp nhà theo mô hình cũ, khi có những cơn bão lớn, giông lốc lớn, chắc chắn ở đây sẽ xảy ra thảm họa rất nghiêm trọng.

Vấn đề nữa là khi nước biển dâng, nước ngọt sẽ rất hạn chế và nước biển sẽ xâm nhập sâu vào trong đồng bằng, khi đó sinh kế của người dân bị đảo lộn nghiêm trọng. Người dân bao đời nay sống bằng nghề trồng lúa, nuôi cá nước ngọt, giờ chuyển qua mô hình nước lợ, nước mặn là rất khó. Nước lợ trồng được cây gì, nuôi được con gì cũng là việc khó.

Như vậy, người dân ở đây phải luôn luôn điều chỉnh canh tác, điều chỉnh hạ tầng, vì thế rất cần phải có các chính sách ưu đãi hỗ trợ để người dân thích ứng để chuyển đổi...”.

Ông Ousmane Dione, GĐ quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: Lập nguồn quỹ ứng phó BĐKH

18-15-02_ong_ousmne_dione_gd_quoc_gi_ngn_hng_the_gioi_ti_viet_nm

ĐBSCL đang bị tổn thương nặng nề bởi BĐKH như sạt lở, xói mòn bờ sông xảy ra hàng trăm vụ, thiệt hại tài sản, đe dọa tính mạng người dân.

Tuy nhiên theo chúng tôi, vùng ĐBSCL thực hiện kế hoạch thích ứng BĐKH cần đảm bảo tính thống nhất, cơ chế phối hợp toàn vùng, tránh hạn chế quy hoạch đơn ngành và giảm mức đầu tư chồng chéo, trong đó đặc biệt chú trọng cơ chế điều phối vùng.

Ngân hàng Thế giới sẽ có ưu đãi và sẵn sàng hỗ trợ Bộ ngành chuyên môn, chính quyền địa phương vùng ĐBSCL thực hiện kế hoạch ứng phó này trong thời gian tới. Sự hỗ trợ này có tính toán đến việc phát triển, ổn định dân cư, an ninh lương thực thế giới và chiến lược thực hiện hài hòa cho sự phát triển.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cần tìm kiếm nguồn lực tài chính cho sự thích ứng, phát triển trong tương lai. Đặc biệt, khu vực này cần thành lập nguồn quỹ ứng phó và phát triển vùng đồng bằng phù hợp bối cảnh hiện nay. Nguồn quỹ này có sự ưu đãi đầu tư từ Trung ương, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp... Từ đó đầu tư phát triển hạ tầng liên tỉnh, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho người dễ bị tổn thương do BĐKH.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Ba thách thức chủ yếu

18-15-02_ong_vuong_binh_thnh_-_chu_tich_ubnd_tinh_n_ging

Có thể nói An Giang và các tỉnh vùng trên đã và đang đối diện với 3 thách thức chủ yếu.

Thứ nhất là thách thức từ tác động của BĐKH nước biển dâng.

Thứ hai là những thách thức từ vấn đề nội tại của vùng phát triển còn thiếu bền vững, đê bao khép kín ở 2 vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã gián tiếp làm gia tăng ngập lụt ở vùng hạ lưu.

Cơ sở hạ tầng yếu kém, chậm nâng cấp, mở rộng hay đầu tư mới hệ giao thông đường bộ và đường thủy, hệ thống thủy lợi, hệ thống logistics… nên chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và sự kết nối.

Bên cạnh đó vấn đề SX nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn trong việc cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào SX.

Thứ ba là thách thức đến từ đập thủy điện và các công trình ngăn dòng chảy ở các quốc gia thượng nguồn gây ra hiện tượng “nước đói phù sa”, dòng chảy bị thay đổi tác động gây sạt lở đất bờ sông. Còn vào mùa khô xuất hiện tình trạng khô hạn càng trầm trọng hơn.

Do đó để phát triển tỉnh An Giang cần phải phối hợp liên kết vùng ở ĐBSCL để chia sẻ tài nguyên và thích ứng với BĐKH nhằm phát triển bền vững trên cơ sở đó kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh lương thực.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Hợp lực ba chủ thể: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân

Muốn vượt ra thách thức BĐKH như hiện nay thì cần hợp lực giữa 3 chủ thể: Nhà nước - DN và người dân trong ứng phó với BĐKH; đề xuất triển khai các mô hình nông nghiệp thông minh. Xây dựng đề án liên kết tiểu vùng; đề xuất đầu tư kiến tạo mô hình các chuỗi giá trị cho từng ngành hàng. Phát huy hiệu quả vai trò của kinh tế hợp tác trong tái cơ cấu kinh tế khu vực ĐBSCL; sớm đổi mới quy hoạch, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho vùng.

Đồng Tháp đang hình thành các chuỗi giá trị bền vững không còn chạy đua tăng sản lượng và nên hướng đến SX chất lượng để cạnh tranh về xuất khẩu trong đó lồng ghép ứng dụng SX nông nghiệp thông minh nhằm giảm chi phí.

 

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm