| Hotline: 0983.970.780

Tiêu thụ vải thiều Hải Dương: Nhiều doanh nghiệp vào cuộc

Thứ Ba 26/05/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sự vào cuộc của nhiều Cty thương mại lớn ở thị trường trong nước và các DN xuất khẩu đang mang lại nhiều tín hiệu tốt cho việc tiêu thụ vải thiều năm 2015./ Hải Dương tìm đầu ra cho vải thiều tại thị trường TP.HCM

* Nỗi lo nằm ở... khâu vận chuyển

Các “ông lớn” đua nhau mua vải

Còn khoảng hơn 1 tuần nữa, vải thiều chính vụ sẽ bắt đầu thu hoạch. Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm các kênh tiêu thụ mới, hôm qua (25/5), UBND tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ một số sản phẩm hoa quả chủ lực trong tỉnh, đặc biệt là vải thiều.

Theo Sở NN-PTNT Hải Dương, vụ vải 2015, cả 2 vùng vải lớn của tỉnh là Thanh Hà và Chí Linh đều được mùa, tổng sản lượng ước đạt trên 50 nghìn tấn, trong đó vải thiều chính vụ khoảng 38 nghìn tấn.

Trong năm 2015, việc xây dựng các vùng vải theo quy trình VietGAP tiếp tục được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã xây dựng được thêm 5 mô hình với tổng diện tích 100 ha, sẽ được cấp chứng nhận VietGAP vào đầu tháng 6/2015.

Đến nay, Hải Dương đã có tổng cộng 25 mô hình vải VietGAP, với tổng diện tích trên 250 ha, sản lượng vải đạt tiêu chuẩn VietGAP khoảng gần 1.500 tấn. Nhằm sẵn sàng nguồn cung cho các DN xuất khẩu vải thiều sang Mỹ, trong vụ vải này, Hải Dương đã xây dựng được khoảng 20 ha vải thiều theo quy trình GlobalGAP, hiện đã được Cục BVTV cấp mã số đối với 2 vùng trồng.

Cũng như vựa vải Lục Ngạn (Bắc Giang), điểm sáng trước thềm vụ vải 2015 tại Hải Dương năm nay, đó là nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực thương mại như Tổng Cty thương mại Hà Nội (Hapro), Cty Cổ phần Nhất Nam (siêu thị Fivimart), Big C Việt Nam, Co-opmart… đã cùng nhau vào cuộc cam kết thu mua lượng lớn vải thiều để tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Cùng với việc Hapro cam kết thu mua ít nhất 2.000 – 3.000 tấn vải huyện Thanh Hà (Hải Dương), tại hội nghị hôm qua, mặc dù không tiết lộ con số cụ thể, song bà Vũ Thị Hậu, Phó TGĐ Cty Nhất Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị bán lẻ có tên tuổi tại Việt Nam cũng khẳng định, Cty đã lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều với số lượng lớn tại hàng loạt các hệ thống siêu thị của Cty.

“Hiện tại, Cty đã thí điểm thu mua được 2 chuyến vải chín sớm, mỗi chuyến hơn một tấn nhưng chỉ bán trong vòng 2 tiếng đồng hồ đã hết”, bà Hậu cho biết. Để đảm bảo lượng hàng đủ lớn, Cty Nhất Nam sẽ ký hợp đồng thu mua với một số đơn vị, DN tại địa phương, thay vì phải trực tiếp tổ chức thu mua.

Bày tỏ sự quyết tâm đưa quả vải vào siêu thị, tuy nhiên, bà Hậu lo lắng: Người tiêu dùng các thành phố hiện vẫn chưa quen với việc mua nông sản qua siêu thị, một phần vì tư tưởng mua siêu thị đắt hơn so với thương lái bán vỉa hè. Tuy nhiên, Cty sẽ cam kết tìm cách hạ thấp nhất chi phí để giá bán vải trong siêu thị Fivimart không quá đắt so với bên ngoài.

Một trong những lo ngại nhất, theo bà Hậu, đó là việc chi phí trong quá trình vận chuyển. “Vừa qua, chúng tôi chỉ vận chuyển 2 chuyến thử nghiệm, nhưng chuyến nào cũng bị công an giao thông phạt vì nhiều lí do khác nhau, mỗi lần phạt tới 700 – 800 nghìn đồng. Mỗi chuyến vải chở bằng xe tải mini có hơn 1 tấn, trị giá có hơn chục triệu đồng mà phạt mất gần cả triệu thì làm sao DN có lãi?” – bà Hậu phản ánh.

Theo vị này, để đảm bảo tiêu thụ vải đảm bảo chất lượng ngay trong ngày, phải đảm bảo có mặt tại siêu thị trước 6h sáng hằng ngày. Mỗi vụ vải chỉ kéo dài 20-30 ngày, vì vậy ngành giao thông cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo việc vận chuyển được thông suốt.

Cùng quan điểm với bà Hậu, bà Ngô Thị Kim Thu, đại diện cho BigC Việt Nam, đơn vị cam kết sẽ thu mua vải phân phối cho hệ thống của BigC tại Việt Nam trong vụ vải tới kiến nghị: Hiện BigC có hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản rất tốt cùng các kho trung chuyển lớn trên cả nước. Đây là điều kiện rất thuận lợi để bảo quản, tiêu thụ vải rải vụ. Tuy nhiên, cần có cơ chế hỗ trợ một phần cho các DN về chi phí bảo quản, đặc biệt là giảm bớt chi phí vận chuyển, nhất là các xe tải vận chuyển vải từ Bắc vào TP.HCM.

Khấp khởi chờ giá

Đến thời điểm này, 4/10 ha vải thiều SX theo quy trình VietGAP của người dân Thanh Hà đã được một Cty cam kết thu mua. Người dân nửa mừng nửa lo trước hy vọng có thể XK quả vải sang châu Âu trong vụ vải sắp thu hoạch.

Ông Nguyễn Đức Nhân, thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) đang nhấp nhổm với 1,2 mẫu vải thiều của gia đình. Từ năm 2014, ông Nhân cũng như nhiều hộ gia đình tại Lại Xá đã chuyển sang làm vải thiều VietGAP. Theo ông Nhân, kỹ thuật chăm sóc vải thiều XK không khác trước là mấy. Riêng chỉ có việc sử dụng thuốc BVTV thì nghiêm ngặt hơn.

Ông Nhân cho biết thêm, Cty TNHH SX – Thương mại – Dịch vụ Rồng Đỏ (Cty Rồng đỏ, TP.HCM) đã cam kết thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường 10%. Cả thôn Lại Xá đang hy vọng, quả vải quê hương sẽ tìm đường sang châu Âu.

Ông Phạm Duy Viễn, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Thanh Hà cho biết, các mô hình trồng vải thiều XK, ngoài tập huấn kỹ thuật, địa phương còn hỗ trợ chi phí thuốc BVTV khoảng 8,5 triệu đồng/ha nhằm giảm tránh tình trạng người dân sử dụng bừa bãi thuốc BVTV, tạo “cú hích” đưa vải thiều Hải Dương xuất ngoại. Ngoài Cty TNHH Rồng Đỏ, hiện một đơn vị tại TP.HCM là Cty TNHH Ánh Dương Sao cũng đang ngó nghiêng tới vùng vải này.

Trong khi đó, trao đổi với NNVN bên lề hội nghị tại Hải Dương, ông Mai Xuân Thìn, GĐ Cty Rồng đỏ cho biết, mọi phương án để đưa các lô vải thiều đầu tiên sang Mỹ đã sẵn sàng.

Các lô vải thí điểm sẽ được vận chuyển bằng đường không vào TP.HCM chiếu xạ trước khi XK. Hiện tại, Cục BVTV cùng các cơ quan liên quan gấp rút nâng cấp cơ sở chiếu xạ của Cty Chiếu xạ Hà Nội để có thể đưa vào phục vụ ngay tại phía Bắc trong thời gian sớm nhất.

Đánh giá về triển vọng tiêu thụ vải tại thị trường Mỹ, ông Thìn cho biết: Tại Mỹ, hiện đã có mặt hàng vải của nhiều quốc gia khác như Mexico, Trung Quốc, ngoài ra bang Florida của Mỹ cũng SX vải khá nhiều. Trong các nước XK vải sang Mỹ thì Trung Quốc là nước đã đưa vải sang thị trường này 5-7 năm, với công nghệ bảo quản sau thu hoạch rất cao.

Vì vậy, vải thiều của Việt Nam cũng sẽ phải cạnh tranh về mặt giá cả và chất lượng rất gay gắt với các nước khác. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng đưa được vải sang Mỹ trong vụ này, sau đó mới có thể kiểm chứng dần thông qua thị trường tại Mỹ” – ông Thìn cho biết.

Cũng theo ông Thìn, khác với EU yêu cầu rau quả XK sang đấy phải có chứng nhận GlobaGAP, thuận lợi của thị trường Mỹ và Úc hiện nay đối với quả vải đó là họ không yêu cầu phải có chứng nhận GlobalGAP. Tuy nhiên về lâu dài, việc tiếp tục nâng cao diện tích vải theo GlobalGAP sẽ là yêu cầu tất yếu.

Hiện cả hai vùng vải Thanh Hà (Hải Dương) và Lục Ngạn (Bắc Giang) đã có diện tích vải đạt tiêu chuẩn VietGAP rất lớn, vì vậy cần hoàn thiện thêm để nâng thành tiêu chuẩn GlobalGAP.

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm