| Hotline: 0983.970.780

Tín dụng đen "bủa vây" làng quê

Thứ Hai 27/05/2013 , 09:52 (GMT+7)

Trong khi ngân hàng đua nhau hạ lãi suất tiền vay xuống còn 13%/năm thì tín dụng “đen” vẫn đứng ở mức lãi “khủng” từ 120% đến 200%/năm, nhưng nông dân chấp nhận, chính quyền biết cũng đành bất lực...

Trong khi ngân hàng đua nhau hạ lãi suất tiền vay xuống còn 13%/năm thì tín dụng “đen” vẫn đứng ở mức lãi “khủng” từ 120% đến 200%/năm, nhưng nông dân chấp nhận, chính quyền biết cũng đành bất lực...

Khi được hỏi về vấn đề này ở địa phương, ông Nguyễn Thanh Bình, phó công an xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã cho chúng tôi xem một xấp hồ sơ liên quan mà công an xã không thể hòa giải được bởi thuộc phạm vi quan hệ dân sự. “Một số nông dân nghèo không có tài sản nên không thể vay ngân hàng được, đành vay nóng bên ngoài. Có trường hợp vay 30-40 triệu đồng với lãi suất bạc 10 (lãi suất 10%/tháng) đến khi mất khả năng thanh toán, đối tượng cho vay chặn đường hành hung đe dọa, lúc này họ mới báo công an, chúng tôi mời 2 bên lên hòa giải nhưng cuối cùng bất thành vì không thể xử lý theo Luật được”.


Mấy đứa con nheo nhóc của anh Điểu Tôn ở Sóc ông La (thôn 10, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước)

Cụ thể là bà Nguyễn Thị Tố Như ở ấp 4. Tháng 10/2012, bà Như vay “nóng” của bà Lan ở xã Thái Hòa kế bên số tiền 30 triệu đồng với lãi suất 12%/tháng (trả 3,6 triệu/tháng). Theo giấy cam kết, cứ 1 ngày bà Như phải đóng lãi cho bà Lan 120 ngàn, 3 tháng sau thì trả đủ vốn. Thế nhưng mới trả được tiền lãi trong 3 tháng gần 10 triệu đồng thì bà Như “đuối” rồi... chạy làng. Đến nay, bà Lan cộng cả vốn lẫn lãi lên 60 triệu đồng. Ngày 23/5, tiếp xúc với chúng tôi, bà Như nghẹn ngào cho biết, bà vay nóng để chữa bệnh cho đứa con gái mổ ruột thừa, tiền trả lãi cũng lấy từ số tiền ấy, còn thừa hơn 20 triệu dùng thanh toán thuốc men, viện phí, ăn uống cầm cự được 1 tháng là bay hết. “Tui đất đai không có, chăn nuôi được mấy chục con heo thịt lỗ gần chết, bây giờ vốn cũng không trả nổi huống gì là lãi. Người ta đòi kiện tui ra tòa đòi nợ cũng đành chịu!”.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch HND xã Tân Định cho biết, các hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chuẩn sẽ được vay vốn chính sách ưu đãi với lãi suất 0,58%/tháng (7%/năm) với mức vay tối đa là 20 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên muốn vay được thì họ phải làm “dự án” và qua Hội đồng xét duyệt. Trường hợp bà Như thật sự là hộ nghèo, đang nuôi 5 đứa con nên luôn thiếu trước hụt sau. Bà này vay nóng bên ngoài, chấp nhận lãi suất cao là có sự thỏa thuận giữa hai bên nên phía chính quyền khó can thiệp.

Chúng tôi tiếp tục đến xã An Lập, huyện Dầu Tiếng. Trong khi chờ gặp lãnh đạo UBND xã tìm hiểu chuyện tín dụng “đen”, bất chợt gặp ông Thái Táo ở thôn 5 đang cầm trên tay bộ hồ sơ xin vay vốn xóa đói giảm nghèo. Trước đó, ông Táo đã lấy trước 100 triệu đồng để giao 0,5 ha vườn cao su đang thu hoạch cho ông Lợi, một đối tượng chuyên cho vay ở thị trấn Dầu Tiếng. “Tôi chăn nuôi gà lỗ quá, lại còn nợ ngân hàng nông nghiệp 100 triệu đã đến kỳ đáo hạn 2 lần mà không có tiền trả. Tôi đành phải bán non vườn cao su khai thác cho ông Lợi trong vòng 6 năm để không bị ngân hàng phát mãi. Hơn nữa, ngân hàng xác nhận thì bên quỹ xóa đói giảm nghèo mới đồng ý duyệt cho vay. Khổ thế chứ!”.

Ông Trần Minh Hồng, Chủ tịch xã cho hay, ở địa phương đang có hiện tượng một số ít nông dân đem bán hoặc cầm cố vườn cao su non cho các đối tượng tín dụng đen. “Nói cho công bằng, vay ngân hàng với số tiền vài chục triệu đồng phải có dự án, tài sản, cán bộ tín dụng thẩm định, phải đi lòng vòng mất khá nhiều thời gian. Thậm chí có trường hợp hộ dân phải chi 5-10% cho cán bộ tín dụng trên số tiền vay thì hồ sơ mới được giải quyết nhanh lẹ. Trong khi đó, ở bên ngoài người ta cho vay “thoáng” hơn, nhanh hơn, chỉ cần có đất cầm cố là đồng tiền lập tức giải ngân ngay, mặc dù lãi suất cắt cổ” - ông Hồng nói.

Được sự hướng dẫn của anh Quang, cán bộ địa chính xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Trương Xuân Tám (57 tuổi) để tìm hiểu thêm. Trước đó, vào tháng 4/2012 ông Tám vay của bà Chính ở xã Thanh Tuyền kế bên số tiền 150 triệu “bạc 10” tức 10%/tháng trong 2 tháng để sửa nhà, lo đám cưới cho con trai để “nở mày nở mặt” với làng xóm.


Ông Trương Xuân Tám ngậm ngùi bên vườn cao su của mình nay phải bán “non” cho chủ nợ khai thác trong vòng 7 năm

Ông Tám tin tưởng gia đình ông có 2 ha cao su đang khai thác, khi vào vụ 1 ha chí ít thu nhập 500 ngàn/ngày, cạo theo chế độ D2 (1 ngày cạo,1 ngày nghỉ), tức 1 tháng có 15 triệu/ha. Nhưng không ngờ năm 2012 giá mủ thấp còn 400-500 đ/độ (năm 2011 thời điểm cao nhất lên đến 900-1.000 đ/độ - PV), tiền bán mủ dư ra mỗi tháng có 5-6 triệu/ha chỉ đủ tiền trả lãi vay. Cuối cùng, từ đầu tháng 5/2013 ông Tám đành chấp nhận bán “non” vườn cao su cho bà Chính khai thác trong vòng 7 năm với giá 400 triệu để trừ nợ. “Thật ra, lúc tui nhận chỉ có 120 triệu, còn tiền lãi 2 tháng tổng cộng 30 triệu thì bà Chính trừ lại lúc giao tiền. Từ tháng 8/2012 đến tháng 1/2013 tiền lãi chồng lên 90 triệu nên thực sự mất khả năng, bà Chính làm dữ quá và đề nghị đưa thêm 250 triệu nữa để lấy vườn cao su trong 7 năm, tui buộc phải chấp nhận” - ông Tám ngậm ngùi nói.

“Thôn 10 chúng tôi có Sóc ông La với 100% là đồng bào dân tộc X’tiêng. Cả Sóc chỉ có hộ Điểu Sách, Điểu Nhôn, Điểu Lé, Điểu Đao và già làng Điểu La còn đất SX. 7 hộ bị xiết đất sản xuất vì nợ, các hộ còn lại đều đã bán, hoặc cầm cố để lấy tiền mua sắm phương tiện đi lại, chữa bệnh, mua gạo ăn” (Trưởng thôn 10 - Lê Xuân Phiên).

Chia tay vùng đồng bằng, chúng tôi đến xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, nơi có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ông Vũ Đức Hoàng, Bí thư Đảng ủy cho biết, nỗi lo lớn nhất của đảng bộ và chính quyền ở đây là tình trạng cầm cố, bán đất của đồng bào cho một số đối tượng cho vay nặng lãi.

Mặc dù họ đều được hỗ trợ đất ở, đất SX theo các Chương trình 134, 135, QĐ 33 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vì cấm cố, sang nhượng nên đến nay nhiều hộ dân đã không còn đất SX. Theo lời chỉ dẫn của ông Bí thư xã, sau gần 2 giờ đồng hồ vật lộn với những cung đường rừng khúc khuỷu chúng tôi mới đến được thôn 10, nơi đang bị “bủa vây” bởi nạn tín dụng đen. Chúng tôi ghé gia đình anh Điểu Tôn (40 tuổi) để tìm hiểu. Trong căn nhà nền đất lỗ chỗ, tài sản vỏn vẹn gồm 1 giường gỗ cũ kỹ, 1 giường tre dài và vài cái xoong nồi cũ. Lấy nhau hơn 15 năm mà anh Tôn có đến 7 người con. 3 đứa lớn được đến lớp, 4 đứa sau còn nhỏ.

Tuy nhiên, chỉ khi nghe anh Tôn kể về thành tích “phá rừng” trồng điều thì tôi mới sốc. “Năm 2005, tui được chương trình 135 cấp 1 ha để trồng điều. Mới trồng 2 năm, do con gái bị bệnh nên tui vay nóng ông Thanh, ở xã Bombo lấy 10 triệu trả góp 20 ngàn/ngày. Trả được mấy tháng thì vợ lại đẻ, tui bán luôn vườn điều cho ông này trồng cao su. Sau đó, tui đi vào rừng lén “chặt” vài ha trồng điều tiếp. Trồng 2, 3 lượt thì cũng cầm cố cho ông Thanh để vay tiền lo cái ăn, chữa bệnh cho con. Nhưng do lãi vay cao quá, hàng ngày làm không đủ tiền trả lãi nên cuối cùng phải giao luôn đất cho ông ấy. Bây giờ vào rừng xa lắm đi không nổi nữa nên phải làm thuê chăm sóc cây cao su cho ông Thanh, ổng thương trả công 1 ngày được 140 ngàn”.

Hiện nay, chị Thị Tiên vợ anh đang bị bệnh. Anh nói tiếp: “Đất SX bán hết rồi, cả nhà sống dựa vào mấy đồng tiền làm công của tôi. Ba đứa lớn đang theo học tiểu học, mai mốt lớn thêm chút nữa là cho nghỉ học mà đi làm thuê kiếm tiền nuôi nhau!”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm