Thanh long bán như cho
Những ngày này tại vùng chuyên canh thanh long huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) đang bước vào thu hoạch chính vụ. Đi đến đâu cũng nghe người dân than vãn vì giá thanh long rớt giá thê thảm chỉ còn vài ngàn đồng/kg, khiến nông dân không có lãi.
Gặp PV, ông Nguyễn Văn Tấn, xã Quơn Long cho biết: “Vườn thanh long ruột trắng 0,4ha của gia đình tôi vừa thu hoạch 6 tấn trái, nhưng tuyển ra loại 1 cũng chỉ bán được 3.000đ/kg, thấp nhất từ trước đến nay. Lượng thanh long còn lại thương lái không thu mua nên gia đình phải chở đến các chợ trên địa bàn bán lẻ với giá từ 1.000-2.000đ/kg..”.
Theo ông Tấn, thanh long đang vào vụ thu hoạch nên sản lượng cung ứng ra thị trường khá nhiều. Tuy nhiên, các thương lai chỉ chấp nhận mua thanh long loại 1, còn các loại khác nhà vườn phải tự tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ấp Long Hiệp, xã Quơn Long trồng 0,3 ha thanh long 4 năm tuổi tâm sự: “Giá thanh long năm nay thấp nhất từ trước tới nay. Gia đình tôi vất vả lắm mới tìm được thương lái thu mua. Họ vào vườn xem qua trả giá bao nhiêu thì chúng tôi phải bán bấy nhiêu, chứ kỳ kèo là họ bỏ đi liền”.
Không chỉ với thanh long ruột trắng, hiện giá thanh long ruột đỏ cũng xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, chỉ tương đương với thanh long ruột trắng.
Bà Lê Thị Hòa, nông dân trồng 0,3ha thanh long ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo cho biết, gia đình vừa thu hoạch 3 tấn trái thanh long ruột đỏ, loại đủ tiêu chuẩn XK nhưng cũng chỉ bán được giá 3.500đ/kg, còn lại thương lái không thu mua.
Nhiều vựa trái cây chấp nhận bung hàng trái bán rẻ
Gia đình chỉ còn cách biếu bà con hàng xóm hoặc đổ xuống ao cho cá ăn. Cũng may là vụ này không cần phải xông đèn nên bà chỉ lỗ khoảng 12 triệu đồng tiền phân thuốc, nhân công.
Một DN XK thanh long ở Tiền Giang cho biết, hiện nay chỉ thu mua thanh long loại dạt (không đủ tiêu chuẩn loại 1) từ các chủ vựa với giá 2.300 - 2.500đ/kg. Mỗi ngày, DN thu mua trên 15 tấn để làm nước ép XK sang Hàn Quốc.
Theo lý giải của DN này, có nhiều nguyên nhân khiến thanh long rớt giá thê thảm. Đó là bị ảnh hưởng đợt nắng nóng vừa rồi nên trái không đẹp và hiện cũng đang là thời điểm thu hoạch rộ nhiều loại trái cây khác. Vả lại, sản lượng thanh long vụ này cũng rất lớn.
Theo ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Gạo, thanh long giảm giá vào chính vụ như hiện nay không còn là chuyện lạ. Việc tiêu thụ khó khăn là do nông dân không ký hợp đồng với DN. Chợ Gạo là vùng trồng chuyên canh thanh long ở Tiền Giang với trên 4.000 ha, năng suất bình quân từ 35-40 tấn/ha, sản lượng mỗi năm trên 150.000 tấn.
Trái cây khác cũng dội chợ
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, năm nay do ảnh hưởng của thời tiết khiến nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái mất mùa. Trái với quy luật “mất mùa, thì được giá”, vụ này nhà vườn mất cả mùa lẫn giá.
Theo khảo sát của PV, giá sầu riêng hạt lép bán tại vườn hiện chỉ còn khoảng 24.000đ/kg, giảm khoảng 5.000đ/kg so với mấy ngày trước, vì thương lái đang tạm dừng thu mua.
Nông dân Nguyễn Văn Tâm, chủ vườn măng cụt lớn tại TX.Long Khánh lo lắng: “Đầu mùa, thương lái vào tận vườn thu mua măng cụt với giá 60.000đ/kg, nhưng hầu như chưa nhà vườn nào có sản phẩm bán.
Đến dịp Tết Đoan ngọ, giá đã tụt xuống chỉ còn 29.000đ/kg rồi những ngày sau đó chỉ còn 25.000đ/kg. Cứ tình trạng giá măng cụt rớt không phanh như thế này thì chắc lợt nhuận chẳng còn bao nhiêu!”.
Tương tự, ông Đoàn Văn Phan, nông dân trồng chôm chôm ở huyện Thống Nhất, cũng chia sẻ: “Nhiều nhà vườn hiện đứng ngồi không yên vì năm nay năng suất chôm chôm nhãn giảm mạnh, có vườn bị thất thu đến 60-70%”.
Theo ông Phan, đầu vụ chôm chôm nhãn, chôm chôm giống Thái Lan còn bán được 30.000đ/kg, chôm chôm thường cũng được 15.000đ/kg. Tuy nhiên, do nhiều nhà vườn bị trễ vụ nên lỡ mất cơ hội bán giá cao.
Mọi năm khi mất mùa, nhà vườn còn trông vào giá cao để bù lỗ, nhưng vào thời điểm Tết Đoan ngọ, giá chôm chôm nhãn, chôm chôm giống Thái Lan chỉ còn 12.000đ/kg và có nguy cơ tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới khiến các nhà vườn rất lo lắng. Thậm chí, mấy năm nay có một số nhà vườn đang ứng dụng kỹ thuật “ép” cây chôm chôm ra trái sớm để né dội chợ, nhưng không phải năm nào cũng thành công.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Thanh Phước, Phó Chủ nhiệm CLB Khuyến nông Ca cao xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết: Kỹ thuật trồng rải vụ hoặc “ép” vườn cây cho thu hoạch trái mùa đang được nhiều nông dân Đồng Nai ứng dụng và đã thành công trên cây thanh long, ổi, bưởi...
Tuy nhiên, có một số loại cây ăn trái ở khu vực miền Đông Nam bộ đến nay vẫn chưa thể rải vụ được như chôm chôm, xoài…
Theo anh Phước, việc trồng rải vụ còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và yếu tố khác. Các nhà khoa học cũng từng khuyến cáo, làm rải vụ sẽ làm thay đổi chu kỳ sinh học của cây trồng lại tốn nhiều công sức của người trồng và nếu can thiệp bằng biện pháp hóa học sẽ rất ảnh hưởng tới tuổi thọ của cây trồng.
Do vậy, trồng rải vụ chỉ nên áp dụng cho những cây ngắn ngày và phải tổ chức sản xuất tốt, tính toán rải vụ như thế nào cho phù hợp với điều kiện thời tiết với mùa vụ ở địa phương. Bởi vậy để tránh dội chợ, rớt giá không phải chuyện dễ.