
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 14,2%. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Tại cuộc họp tình hình kinh tế - xã hội quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2025 trên địa bàn TP.HCM, chiều 2/4, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 7,51% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.
Trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng khoảng 0,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 5,94%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 8,72%.
Kết quả sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn thành phố được mở rộng quy mô, tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 151.100 tỷ đồng, đạt trên 29% dự toán năm, tăng 7,72% so với cùng kỳ; trong đó, thu từ khu vực kinh tế đạt 35,41% dự toán và tăng 7,15% so cùng kỳ. Thu hút FDI khoảng 567,21 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, ngay từ đầu năm, thành phố đã thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, chủ động xác định mục tiêu tăng trưởng trên 10%.
Đồng tình với mức tăng trưởng GRDP trong quý I là khá tốt, tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM dự báo, tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể thấp hơn 6 tháng đầu năm do tác động của các chính sách thuế quan, cũng như những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đối mặt.
Chi cục trưởng Chi cục Thống kê TP.HCM cho rằng, trong quý I, cứ 1 doanh nghiệp đăng ký mới thì có 1,4 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường trong nước còn thấp, tính cạnh tranh cao, khó khăn về tài chính. Do vậy, quý II cần phải tăng tốc để bù đắp trước những khó khăn có thể dẫn đến tăng trưởng GRDP giảm ở quý III và quý IV.
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định, mức tăng trưởng GRDP 7,51% là tốt nhưng chưa đạt so với mục tiêu Chính phủ đề ra cho TP.HCM năm 2025 là 8,5%. Vì vậy, muốn tăng trưởng đột phá, thành phố buộc phải tăng tổng cầu và dồn lực đầu tư. Đặc biệt, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Về tăng trưởng dài hạn, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng, chắc chắn phải phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo, lấy khoa học công nghệ là then chốt. Nhìn vào tỷ lệ số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cho thấy sự lo ngại, cần nghiên cứu sâu hơn nguyên nhân để có bức tranh rõ hơn, vì đây là lực lượng giúp thành phố tăng trưởng.
Một trong những điểm quan trọng về đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là dùng đòn bẩy đầu tư công để đầu tư và từ đó "kích" đầu tư tư nhân vào khoa học công nghệ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng kiến nghị TP.HCM khoán tăng trưởng cho các sở, ngành và cả các doanh nghiệp tư nhân như cách làm tương tự của Thủ tướng Chính phủ đặt hàng các tỉnh thành, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia các dự án lớn của quốc gia.
"Như vậy, huy động được nguồn tiền của toàn xã hội để thực hiện nhiều dự án", TS Trương Minh Huy Vũ nói và kiến nghị thêm, TP.HCM cần thúc đẩy để thu hút đầu tư các dự án mạnh tại 2 cực tăng trưởng phía Đông và phía Nam thành phố để tối ưu hóa nguồn lực.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho thấy, có tới 58,7% doanh nghiệp kiến nghị thành phố hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất; 58,7% doanh nghiệp cần hỗ trợ đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng; 49% doanh nghiệp kiến nghị giảm hoặc gia hạn các loại thuế, phí; 42% doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và các tiện ích khác...