| Hotline: 0983.970.780

Trang sử mới từ công trình thủy lợi Sông Sào

Thứ Hai 29/12/2014 , 10:29 (GMT+7)

Nhắc tới công trình thủy lợi Sông Sào, hẳn mọi người dân ở huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa (Nghệ An) ai cũng rạng ngời niềm hạnh phúc.

Làm thủy lợi một thời

Bàn về công tác xây dựng các công trình thủy lợi ở Nghĩa Đàn, ông Trần Văn Cường, nguyên GĐ Cty thủy nông huyện bảo với tôi: “Hồi đó ông Nguyễn Minh Canh là Trưởng phòng Thủy lợi. Nhắc tới Canh, tôi dám chắc mãi cho tới bây giờ những người công tác trong ngành thủy lợi ở Nghệ An, hẳn ai cũng phải thừa nhận ông là người có công nhất trong việc xây dựng các công trình thủy lợi ở huyện Nghĩa Đàn.

Còn nhớ hồi ấy ông Canh cùng chiếc xe đạp cà tàng thường xuyên đưa tôi đi hết các đồng ruộng trên cả 32 xã của huyện để xem xét, đánh giá khả năng xây dựng các công trình.

Đi công tác ngày ấy không phải sớm đi, chiều về mà phải hai, ba ngày, có khi ở cả tuần lội ruộng, leo đồi rồi tối về cùng ăn, cùng ngủ với thôn xóm bản làng. Và, khi đã có hoạch định, ông Canh mới trở về ngày đêm miệt mài tính toán rồi lại khăn gói tư trang cất công đi về Ty và tỉnh.

Ngày ấy Ty Thủy lợi, sau này là Sở Thủy lợi, khi xem xét và nghe người bảo vệ luận chứng kinh tế kỹ thuật xong là ký duyệt đồng ý cho phép thi công.

Còn vấn đề về nguồn vốn và biện pháp thi công thì dân tự lo lấy vậy. Tính ra 32 xã ngày ấy, xã nào cũng có hai đến ba công trình thủy lợi được xây dựng bằng sức dân với hàng ngàn tỷ đồng so với giá ngày nay”.

Dù vậy, cho tới nay ai cũng nhìn thấy hầu hết các công trình đều xuống cấp nghiêm trọng. Vì đã quá lâu, các công trình làm thủ công là chính. Nhiều công trình ngày đó muốn dùng thêm vốn vay, thì công tác thiết kế phải tăng thêm diện tích tưới.

Bởi vậy năng lực thực tế khi công trình đi vào hoạt động chỉ tưới được 1/3 đến 1/2 so với thiết kế là cùng. Đập Khe Thái ở xã Nghĩa Thịnh thi công năm 1963, nhiệm vụ thiết kế tưới 80 ha lúa, nhưng thực tế chỉ tưới được 20 ha. Đập Rộc Mây ở xã Nghĩa Hưng, thi công năm 1973, nhiệm vụ tưới 30 ha, nhưng thực tưới chỉ 10 ha…

08-53-14_u0110u1ed3ng-xnh-bu00en-ku00enh-su00f4ng-su00e0o
Đồng xanh bên kênh Sông Sào

Trong tổng số 104 công trình thủy lợi được xây dựng tại huyện Nghĩa Đàn từ năm 1963-1999 chỉ có 10 công trình do Nhà nước bỏ vốn xây dựng, do Cty Thủy lợi quản lý khai thác, số còn lại dân bỏ vốn ra làm thì xã, HTX quản lý. Tuy nhiên tổng diện tích tưới cũng chỉ xấp xỉ 2.000 ha. 

Mùa hạn năm nào cũng vậy, tất cả các công trình đều cạn khô hết nước. Đơn giản bởi lưu vực hứng nước đã nhỏ, cộng vào đó mặt đệm phía thượng lưu chỉ còn lại đồi hoang trơ trọi.

Để giải quyết vấn đề thiếu nước phục vụ tưới tiêu, các cơ quan thủy lợi thuộc Bộ NN-PTNT đã dày công đến huyện Nghĩa Đàn nghiên cứu, khảo sát địa hình. Cũng từ đây dự án xây dựng công trình thủy lợi Sông Sào ra đời.

Tính hiệu ích thủy lợi Sông Sào

Luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình thủy lợi Sông Sào do Bộ NN-PTNT phê duyệt, với tổng mức đầu tư 485 tỷ đồng được cấp theo nguồn trái phiếu Chính phủ. Công trình do nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ trực tiếp ấn nút phát lệnh khởi công tại hiện trường ngày 21/11/1999. Cụm đầu mối công trình được xây dựng tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, bao gồm: Một đập chính dài 445 m, cao 31,4 m.

Đập phụ cao 5,39 m, dài 685 m. Cống lấy nước có 2 tuyến ở bờ phải và bờ trái. Hệ thống tràn xả lũ 3 cửa, rộng 8 m/cửa, vận hành bằng điện năng và một tuyến tràn sự cố. Lưu vực của công trình trải rộng đến 132 km2. Dung tích hữu ích tích nước trong hồ đạt 51,42 triệu m3.

Hệ thống kênh mương toàn bộ dài gần 200 km gồm Kênh Chính, Kênh Đông, Kênh Tây và Kênh Giữa. Ngoài hệ thống kênh mương được kết cấu bằng bê tông cốt thép còn có hàng trăm công trình xây lắp trên kênh như xi phông, cống lấy nước, tràn qua kênh, cầu cống giao thông cơ giới, dân sinh.

Nhiệm vụ công trình cung cấp đủ nước, tưới tiêu cho 5.625 ha lúa, màu, cây công nghiệp và cấp nước sinh hoạt, phục vụ chăn nuôi, cải tạo môi trường sinh thái cho toàn vùng hưởng lợi thuộc huyện Nghĩa Đàn và TX Thái Hòa.

08-53-14_lu00f2ng-hu1ed3-su00f4ng-su00e0o-luu00f4n-tu00edchu0111u1ee7-5142-triu1ec7u-m3-nu01b0u1edbc-hu1eefu-u00edch
Lòng hồ Sông Sào luôn tích đủ 51,42 triệu m3 nước hữu ích

Cuối năm 2003 cụm đầu mối công trình đã được thi công hoàn chỉnh, trong đó có 3 nhà trạm quản lý: Trạm Quản lý Đầu mối (xây dựng ở đầu mối), Trạm Quản lý Kênh Giữa (ở xã Nghĩa Bình) và Trạm Quản lý Kênh Đông (ở xã Nghĩa Hội).

Đến năm 2005, cùng với việc hoàn thiện gần 100 km kênh mương, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Cty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ quản lý vận hành khai thác.

Ông Hoàng Văn Sơn, GĐ Cty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ cho biết: Công trình thủy lợi Sông Sào hoàn thành tuy mới ở giai đoạn một, nhưng kể từ năm 2005 đến nay, hàng năm Cty đã vận hành dẫn nước tưới tiêu cho hơn 4.000 ha lúa và hoa màu tại 8 xã, phường, thị trấn: Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, Nghĩa Hội, Nghĩa Phú, thị trấn Nghĩa Đàn (thuộc huyện Nghĩa Đàn) và xã Nghĩa Mỹ, phường Long Sơn (TX Thái Hòa).

Để có được kết quả đó Cty đã bố trí đội ngũ cán bộ, công nhân luôn tục trực ở 3 Trạm quản lý. Điều khó khăn nhất cho các Trạm là hệ thống kênh mương trải dài, có hệ thống đi qua khu vực dân cư, có hệ thống đi qua nhiều địa hình núi đồi phức tạp.

Tuy nhiên với tinh thần vì nông dân phục vụ nên mỗi lần mở cống lấy nước tưới cho ruộng đồng là đội ngũ dẫn nước trên kênh luôn phải có mặt suốt cả ngày và đêm để vét rác dẫn dòng. Lại phải điều tiết nước làm sao cho phù hợp, bởi có nơi phải thực hiện theo công thức tưới đồng thời, có nơi tưới luân phiên xa tưới trước, gần tưới sau, hoặc ngược lại, tùy theo nhu cầu dùng nước thực tế ở từng khu vực.

Theo kế hoạch sang năm 2015, giai đoạn 2 của dự án hoàn thành, hệ thống kênh Sông Sào sẽ cung cấp nguồn nước tưới cho hơn 1.500 ha lúa của các xã: Nghĩa Mỹ, Đông Hiếu, Nghĩa Thuận (thuộc TX Thái Hòa) và Nghĩa Long, Nghĩa Lộc thuộc huyện Nghĩa Đàn. Hàng ngàn người dân đang vui mừng đón đợi thêm trang sử mới của công trình thủy lợi Sông Sào.

Phấn khởi nhất là từ khi công trình đi vào khai thác, tất cả các hồ đập của các xã luôn được nước kênh Sông Sào đổ vào, tới tận cao trình thiết kế. Như vậy ngoài việc các xã có đủ nước phục vụ tưới tiêu thì nguồn lợi thu về từ thủy sản là rất lớn. Làng trên, xóm dưới trước đây luôn thiếu nước sinh hoạt thì nay nhờ kênh Sông Sào đi qua nên giếng, ao luôn được lọc nước đầy.

Ông Ngô Xuân Thuyết, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Trung phấn khởi: Xã tôi có hơn 300 ha lúa nước, trước đây vì thiếu nước tưới nên năng suất lúa chỉ đạt 40-50 tạ/ha, nay nhờ có nguồn nước kênh Sông Sào cung cấp thỏa mãn nên năng suất đã đạt từ 70 tạ/ha trở lên.

Đất trồng màu có hàng trăm ha, trước đây người dân chỉ biết trồng sắn, nay nhờ có nguồn nước chủ động nên bà con đã chuyển đổi sang trồng dưa dấu, mỗi vụ cũng thu lãi được hơn 100 triệu đồng/ha.

Bàn về chuyện trồng dưa hấu, ông Nguyễn Viết Trung, Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Nghĩa Đàn cho biết: Bình quân mỗi vụ dưa hấu, chỉ hơn 3 tháng nhưng nông dân Nghĩa Đàn đã trồng 500 ha, thu lãi được trên 50 tỷ đồng. Tuy nhiên đó là những vùng có nguồn nước chủ động tưới như kênh Sông Sào.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Xóm trưởng Bình Nghĩa, xã Nghĩa Bình bảo: Xóm tôi có 37 ha lúa, trước đây thu hoạch bấp bênh vì nhờ nước trời, nay nhờ có nguồn nước của kênh Sông Sào cung cấp đầy đủ nên mỗi vụ cũng thu được 7 tấn/ha. Xóm còn có gần 100 ha đất màu trồng mía và dưa hấu, nhưng cũng được bơm nước từ kênh Sông Sào để tưới, nên dưa hấu đạt 40 tấn/ha, mía đạt 100 tấn/ha. Ngoài ra các hộ ở gần tuyến kênh còn đào ao thả cá được 15 ha...

Đánh giá về tính hiệu quả của công trình thủy lợi Sông Sào, GĐ Cty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ Hoàng Văn Sơn khẳng định: Kể từ khi công trình đi vào hoạt động, diện mạo nông dân, nông thôn trong toàn vùng hưởng lợi đã có được những bước đổi thay vượt bậc. Hơn 4.000 ha ruộng đồng luôn có nguồn nước chủ động tưới tiêu, năng suất cây trồng tăng 20-30% so với khi chưa có công trình.

Hàng ngàn người dân trong vùng hưởng lợi còn mở mang ao hồ để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Nước trong hồ Sông Sào còn cung cấp nguồn nước tưới cho hàng ngàn ha trồng cỏ phục vụ nguồn thức ăn cho các trang trại bò sữa của tập đoàn TH. Và thông qua một tuyến kênh lấy nước từ lòng hồ với lưu lượng 160 m3/h, tập đoàn TH đã lắp đặt xây dựng nhiều thiết bị hiện đại xử lý lắng lọc để cung cấp nguồn nước uống cho hàng chục ngàn con bò đang lấy sữa.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Mỗi năm Bắc Giang có 1.400 - 1.700ha cây trồng bị chuột hại

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Giang, gần đây nạn chuột gây hại lúa và rau màu có xu hướng tăng trên địa bàn, năm 2022 nhiễm 1.446ha, năm 2023 nhiễm 1.700ha.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất