| Hotline: 0983.970.780

Trắng tay sau bão, người dân Kỳ Thượng đang rất cần gạo cứu đói!

Thứ Năm 21/09/2017 , 14:07 (GMT+7)

Những ngôi nhà chỉ còn lại đống gỗ trơ trụi, mất điện, mất nước, gạo mốc, lúa ướt và cả những gốc dó trầm, cây lâm nghiệp lâu năm cũng bị “xóa sổ”.

15-31-26_2
Không có nước sinh hoạt, người dân đưa quần áo ra các con suối giặt

Người dân xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) như tái hiện lại khung cảnh của thời chiến tranh. Một cán bộ địa phương nhận định rằng, sau cơn bão số 10, kinh tế xã Kỳ Thượng bị kéo lùi… 10 năm.
 

Trắng tay

Trở về xã Kỳ Thượng sau khi cơn bão đi qua được 5 ngày, người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận bão kinh hoàng vừa qua. “Có lẽ đó là trận cuồng phong khủng khiếp nhất mà tôi chứng kiến”, một người dân nói.

Kỳ Thượng có địa hình lòng chảo, ba phía tựa núi nên mọi cơn thịnh nộ của bão Doksuri đều quần tụ về đây. Với hơn 8 tiếng quần thảo trên vùng đất này đã đủ cướp đi toàn bộ tài sản của người dân. Những vườn cây keo từ 1 – 5 năm tuổi, những rừng thông, vườn dó trầm hàng chục năm bị bão đánh tan hoang nằm ngổn ngang hai bên đường. Nhà cửa đổ nát, nhiều người dân lâm cảnh màn trời chiếu đất. Đến bây giờ, hệ thống điện, viễn thông vẫn chưa được khắc phục nên Kỳ Thượng dường như vẫn bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Ghé vào một ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, hai vợ chồng đang cố gắng nhặt nhạnh những đồ dùng sinh hoạt còn có thể dùng được trong đống đổ nát. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Thảo (SN 1984, trú tại thôn Bắc Tiến). Anh nói: “Chỉ còn biết cắm 4 cái cọc rồi căng bạt lên để có chỗ che nắng che mưa”.

15-31-26_3
Cán bộ địa phương cố tìm những khúc gỗ còn có thể tận dụng được trong đống đổ nát

Bước vào cái lán tạm của vợ chồng anh Thảo dưới cái nắng 39 độ ai nấy đều rùng mình. Không quạt, không nước, cái lán như một lò hỏa, hai đứa con mồ hôi nhễ nhại ngồi khóc thét khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Ngồi bên cạnh, chị Cao Thị Liên (vợ anh Thảo) cũng khóc theo: “Không còn gì nữa. Giờ đành ở tạm trong căn lều này chứ không còn tiền để xây nhà mới”.

Chị nói tiếp: “Hồi đầu năm, tôi bị tai nạn rất nặng, mổ não tại Hà Nội, nằm một chỗ mấy tháng trời. Tôi vừa có thể đi lại được gần 2 tháng nay mà cũng chỉ làm được những việc nhẹ thôi. Giờ lại thêm nhà bị sập nữa không biết song  sao đây. Có mấy cân gạo cất trong chiếc bao tải nhỏ đã bị mốc đen rồi. Thương hai đứa nhỏ, tội lắm”.

Cách đó vài ba cửa ngõ là ngôi nhà đổ sập của bà Nguyễn Thị Trúc (SN 1961). Bà Trúc là hộ “nghèo bền vững” ở thôn Bắc Tiến. Chồng mất sớm, một mình bà lăn lộn nuôi hai đứa con trưởng thành. Hơn nửa cuộc đời chắt chiu được 10 triệu bạc đến hồi đầu năm, bà quyết định mua khung nhà cũ của người trong xóm về ở, rồi vay thêm 20 triệu đồng của Ngân hàng chính sách sắm vật liệu về sửa sang lại. Tính đến nay, bà Trúc sống trong ngôi nhà mới chưa được 7 tháng thì bị bão đánh sập. Khi chúng tôi đến, lực lượng công an, bộ đội đến giúp đỡ, cố tìm thứ gì còn tận dụng được để dựng lại nhà cho bà nhưng họ đành “bó tay”. 

15-31-26_5
Từ ngày ngôi nhà bị sập, bà Trúc mất ăn mất ngủ, suốt ngày đào bới trong đồng đổ nát

Không giấu nổi tiếng thở dài, bà Trúc chia sẻ: “Mấy ngày hôm nay tôi chưa đêm nào ngủ được 2 tiếng đồng hồ. Giờ còn chi trong tay nữa mô, nhà sập, hơn tạ lúa ướt nước, nồi niêu xoong chảo gió cuốn hết cả”.
 

Kinh tế kéo lùi… 10 năm

Kỳ Thượng là xã thuần nông nên toàn bộ kinh tế của người dân đều nằm ngoài đồng. Chính vì thế, khi cơn bão số 10 càn quét qua, thiệt hại ở địa phương này là rất lớn, nhiều hộ dân mất trắng.

15-31-26_6
Ngôi nhà hai gian của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thảo bị đổ sập hoàn toàn

Ông Nguyễn Tá Quý (SN 1957, trú tại thôn Tiến Thượng) từng được xem là cựu binh vượt khó vươn lên của huyện Kỳ Anh. Chiến tranh đã lấy đi một cánh tay nhưng không khuất phục được ý chí vươn lên của ông, thế nhưng bão số 10 đã cướp đi công sức mà suốt 15 năm nay ông cùng vợ gây dựng nên.

Chỉ trong 8 tiếng đồng hồ, khu vườn hơn 1.000 cây dó trầm đã 15 năm tuổi, 400 cây mỡ, 1ha keo tràm, 200 cây bưởi… gần như bị bão san phẳng. “Số diện tích cây dó trầm bị gãy đổ đã đến kỳ thu hoạch, nếu bán cũng được hơn 1 triệu đồng/cây, vậy mà giờ chỉ có thể vứt đi chứ không tận dụng được việc gì nữa. Chỉ riêng việc thuê người dọn dẹp cũng hết hàng chục triệu đồng rồi. Mọi vốn liếng nằm ngoài vườn cả, 15 năm nay chưa thu lại được gì giờ coi như mất trắng. Tính thiệt hại cũng gần 1,4 tỷ đồng”, ông Quý chán ngán.

Gia đình anh Nguyễn Xuân Viết (Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng) cũng bị bão xô đổ hơn 100 gốc dó trầm, 50 gốc cam, 10 gốc bưởi. Ước tính thiệt hại gần 400 triệu đồng. Theo anh Viết thì hầu hết tài sản của người dân vùng Kỳ Thượng này chủ yếu nằm ở ngoài đồng, với những rừng cây lâm nghiệp, cây dó trầm hàng chục năm tuổi. Kỳ Thượng muốn lấy lại kinh tế như thời điểm trước khi bão vào phải mất 10 năm nữa.

15-31-26_7
Cả gia đình chen chúc nhau trong căn lều dựng bằng bạt
15-31-26_8
Gần 1.000 cây dó trầm của cưu binh ¾ bị bão san phẳng

Cần gạo cứu đói

Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, tính đến hiện tại toàn xã Kỳ Thượng có 72 ngôi nhà bị sập, trong đó có 25 nhà sập hoàn toàn; 1.800 ngôi nhà và 12 hội quán thôn hư hỏng, tốc mái; 300 tấn xi măng làm đường giao thông chưa kịp thi công bị ngập ướt; 30 ha lúa chưa thu hoạch cùng 50 tấn lương thực bị bão càn quét, làm ướt, hư hỏng; 400 ha sắn hư hại; trên 1.000 ha diện tích cây keo lá tràm, gió trầm và các loại cây ăn quả khác của người dân bị xóa sổ hoàn toàn; gần 300ha rừng tự nhiên bị “xóa sổ”…, ước tính thiệt hại lên tới 218,7 tỷ đồng.

“Do mất điện trong thời gian dài, người dân còn lúa cũng không thể xay xát được, rất cần gạo cứu đói nhân dân vào lúc này, ông Tiến nói.

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Mavin nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Tập đoàn Mavin vừa vinh dự nhận Bằng khen của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2022-2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm