| Hotline: 0983.970.780

Tư vấn pháp luật tranh chấp điều thô nhập khẩu

Thứ Năm 11/08/2016 , 14:04 (GMT+7)

Nhằm giúp doanh nghiệp hội viên nắm vững và xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến các tranh chấp thương mại điều thô nhập khẩu năm 2016, Hiệp hội Điều VN (Vinacas) vừa tổ chức buổi tọa đàm đối thoại với Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn.

Tại buổi đối thoại, các luật sư của Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến các điều khoản ghi trong hợp đồng, việc chọn trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp, việc thực thi phán quyết của trọng tài như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất…

Theo luật sư Lê Thành Kính, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Nguyễn, điểm yếu thứ nhất của nhiều doanh nghiệp VN khi ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài thường không chú ý đến thỏa thuận giải quyết tranh chấp, vì nghĩ nó không quan trọng. Các hợp đồng thường ghi chung chung, không cụ thể (và duy nhất) về trung tâm trọng tài nào sẽ làm nhiệm vụ này. Thứ hai, dù ghi tên trọng tài rồi nhưng lại quên không ghi luật áp dụng cho hợp đồng khi có tranh chấp xảy ra, việc này cũng sẽ gây khó khăn cho DN VN khi đưa ra xét xử.

Về việc chọn trung tâm trọng tài nào để xử lý tranh chấp? Các DN VN thường thích chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC), còn đối tác nước ngoài lại thích chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC). Theo luật sư Kính, hiện cả Việt Nam và Singapore đều là thành viên của Công ước NewYork 1958 nên phán quyết của trung tâm trọng tài quốc tế nào cũng có hiệu lực thực thi tại cả hai nước.

Tuy nhiên, chi phí của SIAC rất cao, thuê luật sư có thể lên đến 650 USD/giờ, đi lại xa xôi mất nhiều thời gian, đồng thời mang tâm lý “lạ nước lạ cái”. Còn nếu chọn VIAC ngay trong nước, giá luật sư rẻ, không phải đi lại nhiều thì đương nhiên có lợi hơn cho DN VN.

Trong trường hợp để hài hòa cả hai bên, luật sư Kính đề nghị các DN VN nếu chấp thuận cùng đối tác chọn Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore để xử lý tranh chấp, thì phải chú ý ghi rõ luật áp dụng tranh chấp là theo luật VN.

Liên quan đến câu hỏi một số vụ kiện của DN VN với đối tác XK điều thô nước ngoài, mặc dù đã được trung tâm trọng tài phán quyết thắng nhưng không thực thi được (không đòi được tiền), thì xử lý thế nào?

Theo luật sư Kính, việc này cần rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, DN VN phải thông qua hệ thống pháp luật (tòa án) của nước sở tại mà DN đối tác đang đóng chân, sau đó có thể tìm các dịch vụ đòi nợ hợp pháp ở nước ngoài và luật sư để tác động. Tuy nhiên, trước khi bỏ tiền ra làm các bước trên, DN VN phải tìm hiểu thật kỹ khả năng tài chính của đối tác đó ra sao thì việc đòi nợ mới đạt hiệu quả cao.

Về thắc mắc thư điện tử và điện thoại giao dịch có được coi là chứng cứ pháp lý khi tranh chấp xảy ra hay không? Luật sư Kính cho rằng, thư điện tử được coi như chứng cứ bổ sung thêm khi đưa ra tòa hay trọng tài xử lý. Tuy nhiên, DN VN cần chú ý làm việc với những người có thẩm quyền ký kết (hay được ủy quyền ký kết), để khi tranh chấp xảy ra mới có cơ sở giải quyết được.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho rằng, một hợp đồng đầy đủ phải có đơn hàng, số lượng, giá cả, phương thức thanh toán, tranh chấp xảy ra giải quyết ở đâu… chứ không thể dựa vào chứng cứ nhắn qua lại vài dòng mua bán trên thư điện mà coi đó là hợp đồng được.

“Tuy nhiên, theo luật ngân hàng thì khi ký hợp đồng điện tử, ngân hàng sẽ không có trách nhiệm đòi tiền hay trả tiền cho hai bên, vì thế hợp đồng điện tử tính rủi ro rất cao khi xảy ra tranh chấp”, ông Thanh lưu ý.

Liên quan đến tình trạng “nóng” nhất hiện nay là rất nhiều DN VN bị đối tác nước ngoài giao điều thô không đúng chất lượng ký kết, luật sư Kính tư vấn: Các DN VN vẫn cứ nhận hàng, nhưng vẫn kiên quyết khởi kiện ra tòa hay trung tâm trọng tài để xử lý phần thiệt hại do họ gây ra.

“Các DN VN thường hay bỏ qua lỗi này, nhưng các DN quốc tế họ không làm thế, họ vẫn kiện để vừa tránh thiệt hại, vừa khiến đối tác phải làm ăn đàng hoàng hơn trong tương lai”, ông Kính nói.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm