| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam cam kết xây dựng nghề cá có trách nhiệm

Thứ Ba 15/05/2018 , 07:01 (GMT+7)

Dự kiến trong các ngày từ 16 đến 24/5, Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU sẽ đến Việt Nam trực tiếp kiểm tra kết quả khắc phục thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam theo nội hàm 9 khuyến cáo của EC hồi tháng 10/2017.

Sáng 14/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Tổng cục Thủy sản, kiểm tra công tác chuẩn bị đón đoàn Ủy ban Châu Âu xung quanh nội dung trên.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường làm việc với Tổng cục Thủy sản và trực tiếp kiểm tra tại Trung tâm thông tin nghề cá

Sau khi nghe lãnh đạo Tổng cục Thủy sản báo cáo cụ thể nội dung từng công việc, kế hoạch mà đoàn công tác sẽ làm việc cũng như dự kiến các địa phương mà đoàn đến thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trực tiếp kiểm tra các nội dung liên quan tại Văn phòng IUU, Trung tâm thông tin nghề cá. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu và làm rõ nhiều nội dung quan trọng.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý với Tổng Cục thủy sản và 28 địa phương, rằng, việc đón tiếp đoàn Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU phải hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, minh bạch. Kết quả Việt Nam làm được đến đâu, báo cáo đến đó, không được giấu diếm điều gì cả. Thái độ và tinh thần làm việc phải hết sức cầu thị, trao đổi thẳng thắn với EC; thể hiện quyết tâm của Việt Nam sớm thoát khỏi thẻ vàng thủy sản và tiến tới xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững vì một môi trường biển thân thiện, hội nhập, hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian qua Việt Nam đã tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt các hành động theo 9 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu. Ngay sau khi có khuyến cáo của EC, Việt Nam đã tập trung vào sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là Luật Thủy sản 2017 đã được Quốc hội thông qua. Các nội dung về quy định quản lý nghề khai thác hải sản của quốc tế theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu đã cơ bản được nội luật hóa trong Luật Thủy sản.

“Trong khi, Luật Thủy sản 2017 chưa có hiệu lực thì Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh đã ban hành Chỉ thị, Công điện, Kế hoạch hành động để triển khai ngay các nội dung khuyến nghị mà Ủy ban Châu Âu đưa ra. Các cơ quan chức năng đã tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý khai thác hải sản, doanh nghiệp, ngư dân... nhằm thay đổi nhận thức cũng như hành vi khai thác, mua bán và sử dụng hải sản khai thác IUU. Điều đó đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao và hành động quyết liệt của Việt Nam”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy sản và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác hải sản theo quy định để ngăn chặn nguyên liệu khai thác từ hoạt động khai thác IUU đi vào chuỗi sản xuất… Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, người dân, cán bộ quản lý nghề cá đã nhận thức sâu sắc về chống khai thác IUU, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã được nâng cao.

Cũng nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của hàng ngàn tàu cá, hàng vạn ngư dân, cấp ủy, chính quyền các cấp và các đơn vị trong Bộ được giao nhiệm vụ. Bộ trưởng cũng bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, sâu sát cùng với Bộ và các địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả các khuyến cáo của EC đối với thủy sản Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam tăng cường việc giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài. Sau khi Việt Nam triển khai quyết liệt các giải pháp, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, đặc biệt là tàu cá vi phạm các nước quốc đảo Thái Bình Dương đến nay hầu như không có; hiện tại chỉ còn các vụ việc tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại vùng biển lịch sử chồng lấn, tranh chấp do chưa được phân định rõ ràng giữa Việt Nam và các nước như Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Cam-pu-chia…
Được biết trong chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Bỉ hồi tháng 3 vừa qua, Tổng vụ các vấn đề về biển và Thủy sản của EC cũng khẳng định sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, biện pháp chống khai thác IUU với Việt Nam dựa trên kinh nghiệm phối hợp với 50 quốc gia khác đã và đang chống khai thác IUU. Đặc biệt, đối với với 2 Nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng và các Thông tư đang trong quá trình xây dựng để hướng dẫn Luật Thủy sản 2017.

 

Xem thêm
Những thực phẩm hàng đầu Hà Nội tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024

Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia sẽ tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tham gia hội chợ Foodservice Australia 2024 tại Sydney.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Hỗ trợ sinh kế và 12.000 vịt giống giúp nông dân thoát nghèo

THANH HÓA Ngày 16/5, tại Thường Xuân, Tập đoàn Mavin phối hợp với tổ chức World Vision trao tặng 12.000 vịt giống trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế giai đoạn 2022 - 2024.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ khởi sắc

KHÁNH HÒA Tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế sẽ là điều kiện thuận lợi để triển khai phát triển bất động sản, trong đó có bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.