Trong thói quen và thị hiếu của người tiêu dùng tại nhiều thị trường, khi chế biến tôm tẩm bột, nhà sản xuất thường cho thêm trứng nhằm tạo lớp kết dính. Trứng giúp lớp bột bám chặt vào tôm hơn, tránh tình trạng bột bị rơi ra khi rán. Trứng cũng giúp lớp bột chiên xù hoặc bột tempura có kết cấu giòn hơn. Vị béo nhẹ của trứng giúp lớp bột tẩm đỡ bị nhạt, tạo cảm giác ngon miệng.
Ngoài ra, lòng đỏ trứng giúp bột có màu vàng đẹp hơn, đồng thời giữ độ ẩm cho lớp bột, tránh hiện tượng sản phẩm bị khô cứng.

Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU. Ảnh: VASEP.
Nhiều nhà sản xuất thực phẩm, bao gồm Việt Nam và nhiều quốc gia khác, sử dụng trứng trong công thức tôm tẩm bột. Tuy nhiên, theo Điều 21 của Quy định (EU) số 1169/2011, trứng nằm trong nhóm các sản phẩm gây dị ứng và buộc phải khai báo trên nhãn sản phẩm.
Các chất hoặc sản phẩm gây dị ứng hoặc không dung nạp được EU quy định một cách nghiêm ngặt. Một số chất thường gặp trong thực phẩm gồm: ngũ cốc chứa gluten, động vật giáp xác, trứng, cá đậu phộng, đậu nành, sữa, các loại hạt, cần tây, mù tạt, hạt vừng, đậu lupin, động vật có vỏ…
Tất cả những sản phẩm chứa thành phần trên thì đều phải ghi rõ ràng trong danh sách thành phần trên nhãn sản phẩm. Nếu không, Hệ thống Cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Liên minh châu Âu (RASFF) sẽ đưa ra cảnh báo tới quốc gia xuất khẩu, kèm những biện pháp xử lý cần thiết.
Việc không khai báo hoặc khai báo không chính xác các chất gây dị ứng có thể dẫn đến việc sản phẩm bị thu hồi hoặc cấm nhập khẩu vào EU. Trong quá khứ, đã có rất nhiều trường hợp tôm tẩm bột đông lạnh không khai báo thành phần trứng trong bột tẩm, dẫn đến sản phẩm bị thu hồi tại châu Âu.
Không chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại về kinh tế, cả ngành hàng cũng có thể chịu ảnh hưởng nếu tình trạng vi phạm tái diễn. Tùy vào mức độ, EU sẽ đưa ra các biện pháp như: nâng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu, yêu cầu chứng thư của cơ quan có thẩm quyền kèm theo lô hàng, hoặc nặng hơn là cấm xuất khẩu.
Trứng là một chất gây dị ứng phổ biến, thường xuất hiện trong nhiều sản phẩm đông lạnh xuất khẩu như chả cá, chả mực, xúc xích… Bên cạnh đó, trứng còn là sản phẩm có nguồn gốc động vật, khi có mặt trong sản phẩm tổng hợp xuất khẩu vào thị trường châu Âu phải tuân thủ Quy định (EU) 2022/2292, có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.

Bà Sylvie Coulon, chuyên gia cao cấp của DG SANTE cho biết, theo quy định mới của EU, tôm tẩm bột được xếp vào nhóm sản phẩm tổng hợp. Ảnh: Bảo Thắng.
Sản phẩm tổng hợp là sản phẩm bao gồm cả nguyên liệu có nguồn gốc thực vật và nguyên liệu chế biến có nguồn gốc động vật, trong đó nguyên liệu có nguồn gốc thực vật đã làm thay đổi các đặc tính cơ bản của nguyên liệu động vật.
Một số ví dụ về sản phẩm tổng hợp như bánh quy được làm từ trứng, sữa, nhân thịt, mỡ; mỳ ăn liền có thịt chế biến… Tôm tẩm bột cũng là sản phẩm tổng hợp, do chứa bột (nguồn gốc thực vật) và đã làm thay đổi đặc tính của tôm (nguồn gốc động vật).
Hiện EU chỉ cho phép các sản phẩm trứng của nước thứ ba đã được phê duyệt được phép xuất khẩu vào EU (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Brazil,…). Việt Nam muốn xuất khẩu sản phẩm tôm tẩm bột có trứng vào EU phải sử dụng trứng có nguồn gốc từ những quốc gia trên.
Những quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động, thực vật của EU thường thay đổi liên tục. Do đó, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến nghị doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định của EU, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, ghi nhãn, Quy định (EU) 1169/2011 về cung cấp thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng, cũng như Quy định (EU) 2022/2292 rất mới về sản phẩm tổng hợp.
Trước khi đóng gói xuất khẩu, doanh nghiệp phải ghi nhãn đầy đủ và chính xác, đảm bảo tất cả các chất gây dị ứng có trong sản phẩm được ghi rõ ràng, giúp người tiêu dùng nhận biết và phòng tránh.
Đồng thời, kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt thông qua việc thiết lập quy trình kiểm soát chất lượng để đảm bảo không có sự nhiễm chéo hoặc bỏ sót trong việc khai báo các chất gây dị ứng.
“Việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về khai báo chất gây dị ứng, cũng như những yêu cầu về nguồn gốc đối với sản phẩm tổng hợp không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro pháp lý mà còn nâng cao uy tín và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”, TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nam, châu Âu thường xuyên sửa đổi, bổ sung các quy định, yêu cầu về nhập khẩu nông, thủy sản, thực phẩm. Vừa qua, thị trường này thông báo sẽ lần đầu tiên áp dụng mức dư lượng asen vô cơ trong cá và một số sản phẩm thủy sản. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường EU, từ đó có kế hoạch thích ứng và điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Cùng với cá tra, tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2024, tôm đem về gần 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025.