Ngày 26/3, UBND TP. Huế long trọng tổ chức Lễ thông xe kỹ thuật công trình đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương (mang tên cầu Nguyễn Hoàng) sau hơn 2 năm thi công (vượt tiến độ gần 9 tháng), vào dịp kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Huế (26/3/1975 - 26/3/2025). Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã đến tham dự.

Các đại biểu cắt băng tại buổi lễ. Ảnh: Văn Dinh.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương với tổng mức đầu tư hơn 2.280 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Huế làm chủ đầu tư.
Cầu vượt có dạng vòm thép, dài 380 m, rộng 43 m, 5 nhịp dầm, có 6 làn xe, làn đi bộ rộng 3 m. Điểm đầu tại khu vực nút giao đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Hoàng; điểm cuối tại khu vực nút giao đường Bùi Thị Xuân. Cây cầu vượt nằm giữa khu vực cồn Dã Viên và chùa Thiên Mụ. Trên mặt bằng, các lề bộ hành được rẽ nhánh xuống công viên hai bên bờ sông bằng 4 cầu nhánh cong. Hai nút giao đầu cầu được thiết kế đường vòng xuyến.
Vòm thép nổi bật cao hơn 20 m nằm giữa cầu. Màu vàng chủ đạo của cầu và vòm cầu tượng trưng cho sự lộng lẫy vàng son cung đình xưa, đồng thời thể hiện sự ấm áp, phồn thịnh. Mặt khác, trong văn hóa Việt Nam, màu vàng cũng là biểu tượng của sự cao quý.

Thông xe kỹ thuật cầu Nguyễn Hoàng. Ảnh: Văn Dinh.
Điểm nhấn của cây cầu vượt Nguyễn Hoàng là sự xuất hiện của 60 cột đèn trang trí như những chiếc “lọng che vua” ngày xưa được sắp đặt hai bên thành cầu.
Trước khi lắp đặt, chủ đầu tư đã tính toán kỹ lưỡng từ khâu thiết kế đến khâu thẩm tra, thẩm định. Chiều cao các cột đèn từ 4,6 m đến trên 14 m, được đúc bằng thép mạ kẽm, sơn tĩnh điện. Cột đèn bằng thép nên khả năng chống chịu với mọi điều kiện thời tiết rất tốt, gần như vĩnh cửu. Vào ban đêm, các cột đèn sẽ được chiếu sáng nhiều màu sắc, tạo nên cảnh quan rực rỡ, nổi bật.

Cây cầy có 60 cột đèn trang trí như những chiếc “lọng che vua” ngày xưa được sắp đặt hai bên thành cầu. Ảnh: Văn Dinh.
Cây cầu sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan cũng như góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP. Huế; tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây TP. Huế; phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh.
Cũng trong ngày 26/3, Lễ cất nóc Dự án Tổ hợp giáo dục FPT Huế được tổ chức tại Khu đô thị mới An Vân Dương (TP. Huế). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 430 tỷ đồng; là tổ hợp giáo dục bao gồm giáo dục phổ thông từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp từ sơ cấp đến cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc gia. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và kỹ năng nghề của người dân trên địa bàn TP. Huế và các khu vực lân cận…