| Hotline: 0983.970.780

Cân bằng thương mại nông sản Việt-Mỹ: [Bài cuối] Những thỏa thuận hợp tác chiến lược

Thứ Tư 26/03/2025 , 10:02 (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động tìm nhiều biện pháp cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ.

Người dân Hoa Kỳ ưa dùng nông sản, thực phẩm nhiệt đới

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), người dân Hoa Kỳ đang tiêu thụ ngày càng nhiều trái cây, rau, rượu vang, rượu mạnh, cà phê và thịt bò nhập khẩu, yếu tố góp phần đẩy thâm hụt thương mại thực phẩm và nông nghiệp lên mức kỷ lục (45,5 tỷ USD trong năm tài chính 2024). Trong đó, kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 9,3 tỷ USD so với 2023, còn xuất khẩu thực phẩm và nông nghiệp giảm năm thứ 3 liên tiếp.

“Mỗi ngày, người Hoa Kỳ đều đến các cửa hàng tạp hóa và mua thực phẩm nhập khẩu từ Canada và Mexico”, dân biểu bang Georgia, David Scott, đảng viên Dân chủ cấp cao trong Ủy ban Nông nghiệp Hạ viện cho biết. Ông cho biết, ngay cả vật liệu xây dựng và phân bón cũng được người dân, nhất là nhóm thu nhập thấp, ưa chuộng sử dụng hàng nhập khẩu hơn.

TS Warren Dew, chuyên gia về nhân khẩu học tại Hoa Kỳ nhìn nhận, quốc gia này có phạm vi vĩ độ hạn chế, cụ thể là có ít đất nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Do đó, Hoa Kỳ có nhiều đất nông nghiệp ôn đới thích hợp để trồng ngũ cốc và động vật lấy thịt. Ngược lại, nước này thiếu các loại nông sản, thực phẩm nhiệt đới như chuối cũng như các loại trái cây và quả trái mùa.

Chuối là loại trái cây mà người dân Hoa Kỳ ưa chuộng. Ảnh: NNVN.

Chuối là loại trái cây mà người dân Hoa Kỳ ưa chuộng. Ảnh: NNVN.

"Đây thuần túy là lợi thế so sánh khi vận hành thương mại quốc tế. Các quốc gia có những sản phẩm thế mạnh sẽ dễ dàng xuất khẩu chúng hơn", ông bình luận và nhấn mạnh, rằng vấn đề là làm thế nào để hai bên cùng có lợi.

Dù nền nông nghiệp Hoa Kỳ rất phát triển và có thể sản xuất được nhiều loại cây trồng, nhưng nhìn chung, nông dân nước này sẽ không bao giờ có ý định thay thế Bờ Biển Ngà hay Ecuador để trồng cacao, Brazil để trồng cà phê. Ngược lại, người dân dễ dàng lựa chọn hàng nhập khẩu, bởi đây không phải một lựa chọn mang tính "sinh tồn", mà đơn giản vì chất lượng tốt hơn, giá thành rẻ hơn so với sản xuất trong nước.

Một ví dụ điển hình, theo Dew, là chuối. Trái cây này được tiêu thụ rộng rãi nhất trong nhóm nông sản nhập khẩu và không có giống nào được trồng ở Hoa Kỳ. Một số mặt hàng khác như việt quất, quả mâm xôi, nho, xoài... cũng được Hoa Kỳ lựa chọn nhập khẩu từ các nước Nam bán cầu.

Nhìn rộng hơn, tính từ năm 2013, giá trị hàng hóa nhập khẩu của nước này tăng nhanh hơn xuất khẩu, đặc biệt là mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Trong quãng thời gian 10 năm, xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ tăng 2,1% thì nhập khẩu tăng đến 5,8%. Không hề ngạc nhiên khi Canada và Mexico là những nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp lớn nhất vào Hoa Kỳ, trung bình lần lượt là 30,9 và 25,5 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2021.

Đồng USD mạnh được duy trì trong suốt giai đoạn cũng góp một phần không nhỏ trong quá trình này, khiến người dân dễ mua nông sản, thực phẩm hơn, nhưng bù lại, sản phẩm xuất khẩu lại khó tìm đầu ra hơn.

Gỗ và các sản phẩm thủy sản là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ảnh: NNVN.

Gỗ và các sản phẩm thủy sản là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Ảnh: NNVN.

Nỗ lực cân bằng thương mại từ phía Việt Nam

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam đã chủ động tìm nhiều biện pháp cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần đưa ra trong các buổi tiếp các đoàn công tác Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam vào tháng 3 năm nay.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đã thúc đẩy và sẵn sàng chuẩn bị các hợp đồng mua bán máy bay, thương mại quốc phòng, mua bán khí LNG, thương mại nông sản, dược phẩm… với Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng đang đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực với tinh thần thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị và nhân lực thông minh, để tạo thuận lợi, điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng các chính sách của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. Ảnh: VGP.

"Chưa bao giờ Việt Nam tập trung vào cải cách thể chế nhiều như hiện nay để tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các chủ thể, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động an toàn, bền vững và đạt hiệu quả ngày càng cao hơn, trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Thủ tướng nói.

Ông cũng đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hệ sinh thái, chuỗi cung ứng toàn cầu doanh nghiệp Hoa Kỳ, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Đồng thời, đóng góp ý kiến khách quan, phản ánh chân thực về môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện của Việt Nam, những nỗ lực và những kết quả cải cách tích cực theo hướng minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử, tuân thủ quy luật thị trường, ngày càng thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài làm ăn ổn định, lâu dài.

Vào trung tuần tháng 3/2025, Việt Nam cụ thể hóa nỗ lực cân bằng thương mại bằng một loạt hợp tác ký kết với doanh nghiệp Hoa Kỳ, nhân chuyến công du của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế, thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ triển khai từ năm 2025 khoảng 90,3 tỷ USD, dự kiến tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho người lao động hai nước.

Việt Nam và Hoa Kỳ ký nhiều biên bản hợp tác, nhân chuyến công du của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vào trung tuần tháng 3/2025. Ảnh: MOIT.

Việt Nam và Hoa Kỳ ký nhiều biên bản hợp tác, nhân chuyến công du của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vào trung tuần tháng 3/2025. Ảnh: MOIT.

Trong đó, các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết là 50,15 tỷ USD, tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu. Các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết trị giá 4,15 tỷ USD. cùng với đó, các thỏa thuận đang được doanh nghiệp hai bên đàm phán và dự kiến ký kết thời gian tới trị giá khoảng 36 tỷ USD.

Trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, 6 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết về thỏa thuận mua bán dài hạn khí hóa lỏng LNG; nghiên cứu tiền khả thi nhiên liệu hàng không bền vững; thiết bị và dịch vụ cho các nhà máy điện khí; cung cấp ethanol và giao dịch, nhập khẩu nhiên liệu sinh học.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực rà soát biểu thuế nhập khẩu hàng hoá từ Hoa Kỳ. Cùng với đó, nghiên cứu theo hướng tăng nhập khẩu các sản phẩm thế mạnh của Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu, đặc biệt là nông sản, khí hoá lỏng và sản phẩm công nghệ cao.

Năm 2024, Hoa Kỳ thâm hụt thương mại với 101 quốc gia

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) cho biết, thâm hụt thương mại của nước này tăng cao kỷ lục trong năm 2024, lên tới 918 tỷ USD - cao thứ nhì lịch sử. Hoa Kỳ có thâm hụt thương mại với 101 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, Hoa Kỳ giảm mức thâm hụt khoảng 15% so với năm 2016 (năm đầu trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Donald Trump) và Nhật Bản cải thiện không đáng kể. Thâm hụt giữa Hoa Kỳ với Canada, Đài Loan tăng hơn 4 lần, Việt Nam gần 3 lần, Mexico, Ireland, Hàn Quốc khoảng 1,5 lần.

Xem thêm
Khối ngành nông nghiệp ‘khát’ lao động

Hiện, nguồn nhân lực khối ngành nông nghiệp như thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, thủy lợi… chưa đáp ứng đủ, nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn đang ‘khát’ lao động.

Vinh danh 562 doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2025

TP.HCM Chiều 25/3, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm BSA tổ chức Lễ công bố và vinh danh 562 doanh nghiệp đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao 2025.

Mong chính sách tín dụng linh hoạt hơn cho lĩnh vực nông nghiệp

Cần Thơ Các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị giải pháp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nhất là Đề án một triệu hecta lúa chất lượng cao.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.