Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Tăng Quốc Chính, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai cho biết, việc triển khai đề án nhằm thiết lập hệ thống truyền tin cảnh báo động đất và sóng thần trực tiếp đến người dân, đồng thời nâng cao khả năng chỉ đạo, chỉ huy ứng phó của các cấp khi có thiên tai.
Ngoài ra, hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu còn hướng tới việc cung cấp thông tin thời tiết xấu đến từng cá nhân qua thiết bị liên lạc cá nhân, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai.
Đề án xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu được chia làm 2 giai đoạn, thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố ven biển từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu với 532 trạm cảnh báo. Các thiết bị trên trạm trực canh bao gồm tủ thiết bị, loa, còi ủ, và đèn tín hiệu. Khi bố trí trạm tại địa phương cần đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản như: đảm bảo cho người dân trong vùng chịu tác động nhận được tín hiệu cảnh báo, không bị ngập nước mưa lũ, gãy đổ do bão, giông lốc, ngoài ra phạm vi truyền tính hiệu phải rộng dễ phát hiện bằng các hình thức nghe, nhìn và thuận lợi trong công tác quản lý vận hành.
Ông Chính cho biết thêm, giai đoạn đầu (2016 - 2020), tập trung xây dựng 281 trạm trực canh cảnh báo thiên tai ở vùng ven bờ các tỉnh miền Trung từ Ninh Thuận đến Đà Nẵng và kết nối tất cả hệ thống đã có từ trước. Giai đoạn 2, tiếp tục xây dựng 251 trạm trực canh tại những tỉnh còn lại. Nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống này được huy động từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, để hệ thống cảnh báo này phát huy hiệu quả nên nghiên cứu đặt các trạm cảnh báo thiên tai ở những khu vực đông dân cư. Đồng thời cần kết hợp nhiều loại hình thông tin, thông báo mà các địa phương đang có từ trên bờ, thông qua các mạng di động, các tin nhắn, từ đó việc cảnh báo thiên tai đối với người dân và những ngư dân đang đánh bắt xa bờ sẽ thuận tiện hơn và người dân sẽ chủ động ứng phó kịp thời với thiên tai
Bên cạnh đó, nhiều đại diện các tỉnh, thành phố ven biển cũng tham gia đóng góp ý kiến về nội dung của đề án như: Bổ sung các phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai, phương án cảnh báo thiên tai phải đảm bảo an toàn bảo mật thông tin, hoàn thiện nội dung công tác quản lý, vận hành thiết bị…
Ngoài ra, đại diện Ban Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam cùng một số đại biểu cũng đề xuất cần bổ sung trạm cảnh báo tại các đảo tiền tiêu như: Trường Sa, Hoàng Sa, Lý Sơn, Phú Quý.
Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, tình hình biến đổi khí hậu trên thế giới đang diễn ra ngày một cực đoan, nhiều cơn bão ngày một mạnh hơn, động đất, sóng thần diễn ra liên tiếp tại nhiều nước trong khu vực dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Do đó, việc xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai đa mục tiêu là nhiệm vụ rất cần thiết. Mục đích xây dựng một hệ thống thông tin xuyên suốt cảnh báo thiên tai từ Trung ương đến địa phương.
Ông Thắng đề nghị, các cấp, các ngành, địa phương đề cao vai trò của việc cảnh báo, dự báo sớm thiên tai. Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng đề án ghi nhận ý kiến đóng góp của địa phương tại hội nghị và tham khảo kinh nghiệm cảnh báo, ứng phó với thiên tai từ các nước trên thế giới để đưa ra phương án hiệu quả.
"Các cơ quan phòng chống thiên tai TƯ phải xây dựng các kịch bản của từng trường hợp xảy ra. Khi có kịch bản thì phải sớm thông tin cho người dân ở những có nguy cơ và chỉ đạo kịp thời để di chuyển", ông Hoàng Văn Thắng. |