| Hotline: 0983.970.780

Xóa dự án treo, dở cười dở mếu

Thứ Năm 29/11/2012 , 09:50 (GMT+7)

Thông tin xem xét xóa Dự án KCN Bàu Hai Năm ở xã Gia Lộc và Lộc Hưng nhận được sự đồng tình của đa số người dân, nhưng nhiều hộ vẫn đang tiếp tục ngậm đắng nuốt cay bởi lỡ tin vào lời hứa hẹn của chủ đầu tư.

Trước nguyện vọng của người dân và muốn tránh tình trạng lãng phí đất, UBND huyện Trảng Bàng vừa kiến nghị tỉnh Tây Ninh xem xét trình Chính phủ xóa Dự án KCN Bàu Hai Năm ở xã Gia Lộc và Lộc Hưng. Thông tin này nhận được sự đồng tình của đa số người dân, nhưng nhiều hộ vẫn đang tiếp tục ngậm đắng nuốt cay bởi lỡ tin vào lời hứa hẹn của chủ đầu tư.

KCN Bàu Hai Năm có diện tích quy hoạch là 200 ha, thì có tới 150 ha thuộc đất của ấp Lộc Khê, xã Gia Lộc. Chỉ có 50 ha còn lại thuộc xã Lộc Hưng. Ông Dương Văn Cu, trưởng ấp Lộc Khê cho hay có tới gần 150 hộ trong ấp có đất được lấy vào Dự án Bàu Hai Năm.

Phần lớn ý kiến của người dân ấp Lộc Khê, nhất là những hộ có đất bị lấy vào Dự án Bàu Hai Năm đều đồng tình với việc nên xóa dự án này. Bà Thu Oanh, ở số nhà 75, đường Hương lộ II, chia sẻ: “Đất bị lấy vào KCN Bàu Hai Năm là đất nông nghiệp, trồng bắp, trồng ớt hay các loại cây trồng khác đều tốt. Nhà tôi có 3.000 m2 nằm trong quy hoạch của dự án này. Mấy năm nay, do chủ đầu tư chưa tiến hành đền bù để lấy đất nên tôi vẫn trồng ớt và các cây trồng khác trên chỗ đất đó. Riêng với cây ớt, mỗi năm trồng một vụ thôi đã có thể kiếm trên dưới trăm triệu đồng. Do đất đã bị quy hoạch nên tôi chỉ có thể trồng cây ngắn ngày. Muốn trồng các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế cao và ổn định hơn như cao su hay nhãn đều không được. Đất nhà tôi nằm kế ngay cổng KCN nên được bồi thường với mức giá 1,1 tỷ đồng/ha, tính ra được 330 triệu đồng.

Nhưng dự án treo đã mấy năm rồi mà chúng tôi chưa nhận được gì, từ tiền bồi thường đến các chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ tiền ăn trong 6 tháng thất nghiệp để chuyển sang nghề khác, mà chủ đầu tư đã hứa hẹn. Nói thực với anh, nếu 2 năm trước chủ đầu tư đã thanh toán tiền cho chúng tôi rồi thu hồi đất theo đúng như tiến độ thực hiện dự án mà họ đã cam kết, thì số tiền 330 triệu đồng đó, đến giờ có lẽ nhà tôi cũng đã tiêu hết rồi. Trong khi đó, nhờ họ chưa bồi thường, chưa thu hồi nên mảnh đất ấy vẫn giúp gia đình tôi có thu nhập trên trăm triệu mỗi năm từ trồng ớt và các cây trồng khác. Vì thế, tôi ủng hộ việc nên xóa dự án này để chúng tôi yên tâm đầu tư trồng ớt, trồng bắp hay có thể trồng các loại cây dài ngày có giá trị cao như cao su, nhãn”.


Đất lấy vào Dự án Bàu Hai Năm đều là đất nông nghiệp

Theo ông Phan Văn Tấn, PCT UBND xã Gia Lộc, Dự án Bàu Hai Năm được phê duyệt năm 2009, đến năm 2010 thì bắt đầu thực hiện. Chủ đầu tư là Cty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà cùng các cơ quan liên quan đã tiến hành đo đạc, định giá đền bù cụ thể cho từng hộ dân. Chủ đầu tư hứa là đến cuối năm 2010 sẽ tiến hành bồi thường và thu hồi đất. Nhưng sau đó, do dự án đường Hồ Chí Minh cắt ngang qua Dự án Bàu Hai Năm, nên chủ đầu tư phải ngưng thực hiện dự án, làm hồ sơ xin Bộ GT-VT cho đấu nối vào con đường này. Đến nay, hồ sơ ấy đã hoàn thành thì chủ đầu tư lại không vay được vốn để thực hiện Dự án Bàu Hai Năm. Ông Tấn bảo, 150 ha đất của ấp Lộc Khê lấy vào Dự án Bàu Hai Năm đều là đất nông nghiệp, lại kế cận tuyến kênh N20 nên có thể sản xuất 2 - 3 vụ/năm với nhiều loại cây trồng như lúa, màu, bắp, khoai mì, ớt…

Do đó, nếu tiếp tục bỏ không sẽ rất lãng phí và ảnh hưởng tới đời sống người dân. Bởi thế, huyện Trảng Bàng đã chỉ đạo UBND xã Gia Lộc tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc có nên xóa KCN Bàu Hai Năm hay không. Trong cuộc họp này, phần lớn các hộ dân nghiêng về việc nên xóa ngay dự án để họ có thể yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, huyện Trảng Bàng đã có văn bản kiến nghị lên tỉnh Tây Ninh về việc xóa Dự án Bàu Hai Năm.

Dầu vậy, dù mới “treo” chừng hơn 2 năm, nhưng Dự án Bàu Hai Năm cũng đã kịp gây thiệt hại, khốn khổ cho không ít người dân ở ấp Lộc Khê, nhất là những hộ tưởng là mình đã có những tính toán nhanh nhạy, kịp thời. Điển hình trong số này là hộ ông Bảy Cảnh. Sau khi Dự án được công bố chính thức và chủ đầu tư thông báo giá đền bù, để bù lại phần đất nông nghiệp bị lấy vào dự án, ông Bảy Cảnh tính ngay tới việc phải mua đất nơi khác để tiếp tục trồng trọt. Sợ đến khi nhận tiền bồi thường (cuối năm 2010 theo lời hứa hẹn của chủ đầu tư), giá đất nông nghiệp trong xã sẽ lên bởi nhiều hộ trong ấp Lộc Khê đổ xô đi mua, ông Bảy Cảnh đã không chờ đến khi nhận tiền bồi thường mà đi vay ngân hàng 300 triệu đồng để mua mảnh đất ở mé đường Lò Gốm.

Ông Cảnh tính toán rằng khi nhận tiền bồi thường sẽ lấy ngay tiền đó trả nợ ngân hàng. Nào ngờ đến cuối năm 2010 vẫn chẳng thấy tiền bồi thường đâu, và cho đến tận bây giờ cũng vậy, gia đình ông Bảy Cảnh đành phải cắn răng trả lãi ngân hàng suốt mấy năm nay cho miếng đất lẽ ra không cần phải vay để mua nếu như biết được rằng có ngày dự án này bị kiến nghị xóa bỏ.

Gia đình ông Mười Kê cũng lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười với lời hứa hẹn về thời gian bồi thường thu hồi đất. Ông Mười Kê đang làm cán bộ văn phòng Huyện ủy Trảng Bàng, bởi thế những thông tin về việc thực hiện dự án, ông đều nắm được. Năm 2010, thấy chủ đầu tư rốt ráo tiến hành dự án, ông Mười Kê cũng tin tưởng lắm. Bởi thế, khi biết gia đình mình sẽ được bồi thường 195 triệu đồng cho 3.000 m2 đất ruộng (đất nhà ông Kê ở sâu bên trong nên được tính giá 650 triệu đ/ha), ông Kê quyết định làm ngôi nhà mới khang trang để ở thay cho ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp đã cũ.

Ngoài Dự án Bàu Hai Năm, UBND huyện Trảng Bàng cũng đã kiến nghị hủy Dự án KCN Gia Bình ở xã Gia Bình. KCN Gia Bình có diện tích 200 ha, toàn bộ là đất lúa 2 vụ với năng suất bình quân 5,5 - 6 tấn/vụ. Ông Nguyễn Quốc Quân, PCT UBND xã Gia Bình cho hay do Dự án này mới chỉ làm ranh quy hoạch, chỉnh địa giới mà chưa định giá đất, hứa hẹn bồi thường… nên nhìn chung những hộ dân có đất bị quy hoạch vào KCN Gia Bình chưa bị thiệt hại như bên KCN Bàu Hai Năm ở xã Gia Lộc.

Ông Kê tính, chỗ tiền gia đình tích cóp được đủ để xây phần thô. Còn phần hoàn thiện, sẽ dùng số tiền bồi thường. Vì sợ để sang năm 2011 hay những năm sau đó sẽ không được tuổi xây nhà, ông Kê đã không đợi đến khi nhận tiền bồi thường mà cho xây dựng luôn. Nào ngờ khi nhà đã xong phần thô thì tiền bồi thường lại chưa có, và đến giờ cũng chưa thấy đồng nào. Không muốn vay mượn ngân hàng hay người thân quen, ông Kê đành phải dừng việc xây dựng ngôi nhà mới suốt từ năm 2010 đến giờ, và cả nhà vẫn phải tiếp tục ở trong căn nhà cũ.

Ông Dương Văn Cu, trưởng ấp Lộc Khê, dù rất tán thành chủ trương xóa Dự án Bàu Hai Năm, nhưng vẫn chưa hết bức xúc về việc nhiều hộ dân trong ấp đã gặp nhiều khốn khổ với dự án này. Ông Cu nói: “Khi dự án được công bố, nhiều hộ dân đang cầm sổ đỏ trên ngân hàng, đã phải tới ngân hàng xin phô tô sổ đỏ với khoản phí mấy chục ngàn đồng. Rồi còn phải mất tiền phô tô CMND, hộ khẩu để làm thủ tục bồi thường đất. Giờ hủy dự án, những khoản phí đó coi như người dân bị mất không. Bực nhất là dù mới chỉ đo đạc, định giá đền bù mà chưa tiến hành bồi thường, thu hồi đất, nhưng nhiều hộ dân không thể tiến hành chuyển nhượng đất, sang tên chủ sở hữu đất. Nhất là những hộ đang vay nợ ngân hàng, đến kỳ đáo nợ, không có tiền trả, đành phải tính tới việc bán đất để trả nợ thì đều không thể bán được do đã là đất quy hoạch. Nhiều hộ chưa nhận tiền đền bù đã vội vay mượn tiền để mua đất nơi khác hay xây sửa nhà cửa, đến giờ vẫn phải ôm nợ bởi không có tiền bồi thường để trả”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm