| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái đang vùng vẫy chống chọi với lũ, ước tổng thiệt hại đến nay trên 210 tỷ

Chủ Nhật 21/08/2016 , 19:35 (GMT+7)

Nước sông Hồng đang rút, mặc dù vậy mặt sông vẫn phẳng lỳ rộng mênh mông lừ đừ chảy về xuôi. Những cánh đồng lúa chuẩn bị trỗ nằm dọc bờ sông ngập sâu trong nước, không biết đến bao giờ nước mới rút hết. Người dân Yên Bái đang vẫy vùng chống chọi với lũ...

17-08-08_h16
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái đến thăm hỏi và hỗ trợ người dân bị sập nhà

 

Suốt từ đêm 20/8 đến 9h sáng 21/8 nước mới rút được 83cm, vô cùng chậm chạm, nhiều tuyến phố của TP Yên Bái đang còn ngập sâu trong nước, người dân vẫn phải đi lại bằng thuyền.

Trời Yên Bái vẫn ẩm xì, lúc mưa lúc nắng, tuyến phố Trần Hưng Đạo, Trần Nguyên Hãn nước đã rút, đường Thanh Niên thì vẫn ngập sâu trong nước, việc di chuyển của người dân vẫn phải đi lại bằng thuyền.

Trước cửa bến xe Yên Bái cũ nước vẫn ngập lưng bắp chân, người ta phải lấy hai chiếc xe con và dùng dây chắn ngang đường không cho các phương tiện đi lại vì đoạn đường này còn nhiều nước nếu xe ô tô đi qua nước sẽ tràn vào nhà dân.

17-08-08_h1
Ngăn xe qua lại do ngập úng TP Yên Bái

 

Chỉ huy trưởng TP Yên Bái, thượng tá Phạm Văn Huấn đang điều bộ đội xuống giúp dân dọn dẹp đường phố, nhà cửa. Ông cho biết: Quân khu II sẽ điều một đại đội cộng với quân số của thành đội khoảng 180 chiến sĩ tỏa xuống các phố giúp dân.

Ga Yên Bái nước ngập suốt đêm qua, sáng mới rút bùn còn lệt sệt ngập lưng mắt cá chân đang là nơi đổ quân của sư đoàn 316 xuống giúp dân. Trước cửa rạp Bạch Đằng các chiến sĩ thuộc thành đội TP Yên Bái đã đến từ sớm đang gạt bùn đất từ vỉa hè xuống. Đường Trần Nguyên Hãn nước rút được ba phần tư, người dân ở đây từ sáng sớm thấy nước rút tới đâu dùng chổi quét bùn rác tới đó, nên đường sạch bóng.

17-08-08_h2
Đường Thanh Niên vẫn ngập sâu trong nước hồi 10h ngày 21/8

 

17-08-08_h3
Sân ga Yên Bái

Chợ trung tâm Yên Bái nước vẫn lênh láng, người dân không thể họp chợ được nên kéo nhau lên đường ngang nối với đường Nguyễn Thái Học giáp công viên Yên Hòa.

Một chị bán hàng rau cho biết: Nước ngập tứ tung, chẳng còn chỗ nào đứng chúng tôi phải lên đây bán hàng tạm. Mưa gió thế này chẳng biết bao giờ ngớt. Ruộng lúa sắp trỗ thì ngập hết rồi, chắc trắng tay thôi bác ạ, còn mấy luống rau phải cắt vội đi bán, mong giời đừng mưa nữa, con dân chúng tôi khổ hết đường nói rồi…

17-08-08_h4
Chợ Yên Bái ngập bùn đất

 

17-08-08_h5
Người dân di chuyển bằng thuyền trên nhiều tuyến phố

 

17-08-08_h6
Quét bùn trên đường

 

Thành phố Yên Bái là thế còn TX Nghĩa Lộ suốt đêm 19 rạng sáng 20/8 nước suối Thia đổ như thác, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ mưa như trút trên thượng nguồn, nhiều khu rừng bị sạt lở đã kéo xuống không biết cơ man nào cây cối quăng từ trên các sườn núi xuống gãy đổ ầm ầm như động đất.

Nhiều cây to bằng cả người ôm lao qua các thác nước bị bẻ gãy như bẻ củi, trôi từng mảng băng băng trên dòng suối đục ngàu như bát đất. Những cây gỗ nặng cả tấn cùng với dòng nước hung dữ thúc vào các bờ kè dọc bờ suối Thia khiến từng đoạn đổ ầm ầm. Những mảng bê tông cốt sắt từ các kè suối nặng hàng chục tấn bị nước cuốn đi xa cả trăm mét giờ nằm trơ giữa những bãi sỏi cát.

 

Ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch TX Nghĩa Lộ trên đường đưa đoàn công tác PCTT-TKCN của tỉnh Yên Bái cho biết: Suốt đêm 19 rạng sáng ngày 20/8 các tổ 1 và 2 phường Cầu Thia và bản Sang Đốm xã Nghĩa Lợi dường như không ai ngủ nổi, nước ngập con đường chạy dọc bờ suối, bẻ gãy từng đoạn kè và đường bê tông đổ ầm ầm xuống suối.

Thị xã phải huy động 324 người, gồm dân quân, bộ đội, công an giúp dân di chuyển 101 hộ ngay trong đêm. Vì nhiều chỗ nước đã tràn vào nhà dân ngập tới lưng cầu thang, nhất là khu vực bản Sang Đốm nằm dưới chân cầu treo…

Theo ông Tuấn, nước lũ tràn về rất nhanh, cầu Thia chỉ còn khoảng một mét nữa là nước ngập mặt cầu, mấy chục mét kè dưới chân cầu đã đổ sập, nếu lũ tiếp tục kéo dài thêm mấy tiếng đồng hồ nữa thì cây cầu khó chống đỡ nổi.

17-08-08_h9
Cả bụi tre mắc dưới chân cầu suối Thia

 

Trận lũ lịch sử tháng 9/2005 làm dòng suối đổi dòng chọc thẳng vào chân cầu khoét sâu vào lòng đất, mố cầu treo lơ lửng giữa suối, người ta phải nối thêm một nhịp nữa. Nhìn những búi tre bị lũ cuốn vắt ngang trụ cầu như những búi rác mới hình dung ra dòng thác lũ vừa qua khủng khiếp đến mức nào.

Thống kê sơ bộ có 1.400m kè kết hợp đường bê tông bị đổ sập. Khi chúng tôi đến dòng suối vẫn hung dữ thúc vào bờ kè, ông Tuấn chỉ dòng nước cho biết: Nếu đoạn kè kia không nhanh chóng khắc phục thì cánh đồng giáp suối Thia và suối Lung sẽ bị xóa sổ… Số thiệt hại tính sơ sơ sau trận lũ khoảng trên 70 tỷ.

Ngay cạnh chân suối hình thành các bãi gỗ rộng cả ngàn mét vuông từ trên thượng nguồn trôi về, hàng trăm người dân ra suối đào cát lấy gỗ. Ngoài cuốc xẻng người ta còn huy động cả máy xúc để đào gỗ. Thế mới biết trận lũ ghê gớm đến mức nào.

17-08-08_h10
Kè suối Thia bị vỡ từng mảng uy hiếp nhiều nhà dân

 

Nhìn sang bờ suối huyện Văn Chấn, chiếc máy ủi không di chuyển kịp bị mắc kẹt giữa bụi cây ven suối. Cách đó không xa, là chiếc ô tô bị mắc dưới gốc cây xoan bốn bánh chổng lên trời.

Huyện Văn Chấn thiệt hại sau trận lũ cũng không kém, 400m kè thuộc xã Phù Nham, Thạch Lương, Thanh Lương cũng bị dòng nước cuốn trôi cùng 3 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 152 nhà bị ngập, 122 nhà phải di dời, 10 nhà buộc phải dỡ, 157,12ha lúa, 72ha hoa màu bị lũ cuốn trôi… thiệt hại gần 10 tỷ đồng.

17-08-08_h11
Bãi cây cối tấp dọc bờ suối Thia

 

Ông Hồ Đức Hợp, Chủ tịch huyện Văn Chấn, dẫn chúng tôi tới thăm  gia đình ông Hoàng Anh Huấn ở thôn Phiêng 2 xã Sơn Thịnh. Nhà ông Huấn nằm trên đường lên xã Suối Giàng bị sập đất lúc 1 giờ đêm ngày 20/8.

Ông Huấn kể: Đêm ấy ở đây mưa to lắm, mưa như đổ nước. Khoảng 9 giờ đêm tôi thấy nước chảy từ trên đồi qua nhà, tôi mới soi đèn xem phía sau thấy nước đục ngầ, nên tôi mới nhờ anh em di chuyển đồ đạc ra khỏi nhà. Đến khoảng một giờ thì một khối đất lớn đổ ập xuống vùi kín ngôi nhà…

Cách nhà ông Huấn không xa là gia đình ông Lê Văn Hưng ở thôn Văn Thi 3 bị một khối đất đổ sụp xuống chọc thủng bức tường ngôi nhà mái bằng và chiếc bếp bên cạnh không còn nhìn thấy gì.

Ông Hưng lắc đầu: Khoảng hơn 9 giờ tối tôi đi lên giúp mấy nhà hàng xóm nước tràn vào nhà, ngửi thấy mùi tanh như mùi bùn nên điện về nhà bảo vợ con đi ra khỏi nhà ngay. Nói xong tôi chạy về ngay, khi đó mấy đứa trẻ con đang chơi trên giường xem ti vi, tôi cùng vợ ôm chúng xuống chiếc quán dưới đường, chỉ một lúc sau nghe tiếng rầm một cái bức từng phía sau đổ ập vào nhà… Nhìn vào nhà ông Hưng lúc này là một khối đất ngập tận mái. Ông cùng vợ dọn dẹp mấy thứ còn sót lại nét mặt buồn rượi.

Cũng đêm 19 rạng sáng 20/8 tại xã Làng Nhì huyện Trạm Tấu vụ sập đất làm hai vợ chồng ông Hờ Sông Dinh 72 tuổi và vợ là là Sùng Thị Mỷ bị chết.

Thống kê sơ bộ tỉnh Yên Bái bị thiệt hại sau cơn bão số 3: Có 2 người chết, 1 người bị thương; 1.172 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó sập đổ hoàn toàn 14 nhà, lũ cuốn trôi 2 nhà, sạt ta luy hỏng 76 nhà, phải di dời 66 nhà;

1.252ha lúa, 74,09ha ngô, 180ha hoa màu bị lũ cuốn trôi, ngập úng, vùi lấp; 5 con trâu, 1 con ngựa, 12 con lợn bị lũ cuốn trôi và chết do ngập nước;

1.800m kè suối Thia của TX Nghĩa Lộ và Văn Chấn và 1.000 đường bê tông bị sập đổ lũ cuốn trôi; vỡ cánh cửa cống ngăn lũ đê Cầu Đất, thị trấn Cổ Phúc, sập gẫy 3 công trình thủy lợi Trầm Bấc, Phai Đàm và Đồng Chuổm thuộc xã Hưng Khánh, vỡ bể lắng Cty Khoáng sản Tây Bắc tại xã Hưng Thịnh thuộc huyện Trấn Yên;

3 cột điện 110KV bị đổ, xã Mỏ Vàng mất điện toàn bộ, lũ phá hủy chân khay cầu treo Khe Hóp đi Khe Lóng xã Mỏ Vàng huyện Văn Yên có nguy cơ mất an toàn cao…

Tổng thiệt hại tính đến 16h ngày 21/8 ước trên 210 tỷ.

Một số hình ảnh do PV NNVN ghi lại:

17-08-08_h7
Bộ đội giúp dân vệ sinh đường phố

 

17-08-08_h8
Chợ họp tạm trên đường

 

17-08-08_h12
Gỗ người dân nhặt sau lũ

 

17-08-08_h14
Nhà ông Hoàng Anh Huấn bị sập đổ

 

17-08-08_h15
Vợ chồng ông Lê Văn Hưng nhặt nhạnh đồ đạc khi ngôi nhà bị vùi lấp

 

17-08-08_h17
Cánh đồng xã Tuy Lộc, TP Yên Bái ngập sâu trong nước

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm