Ông Kim Jong-un khi đó đã được Đảng Lao động Triều Tiên đưa lên đảm nhận chức vụ chỉ huy tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, chỉ 13 ngày sau cái chết đột ngột của cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il sau một con đau tim.
Tuy nhiên đến nay là tròn một thập kỷ, dường như rất ít người đặt câu hỏi về khả năng nắm giữ quyền lực của ông Kim bất chấp hàng loạt thách thức, như nền kinh tế lâm vào suy thoái trong bối cảnh các lệnh trừng phạt do Liên hợp quốc và Mỹ chủ xị nhắm vào chế độ của ông.
Theo giới quan sát Triều Tiên, trong 10 năm qua, ông Kim Jong-un đã thiết lập một phong cách lãnh đạo của riêng mình, bằng cách sử dụng nhiều chiến lược khác nhau, từ việc xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo quan tâm đến cuộc sống của người dân cho đến những hành động âm thầm của mình...
Đến tháng 4 năm 2012, nhà lãnh đạo trẻ tuổi được tôn lên nắm giữ chức vụ "Bí thư thứ nhất" trong đảng. Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng, những nỗ lực để chuẩn bị cho ông Kim trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Triều Tiên đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng do ông vẫn còn non kinh nghiệm chính trường và thiếu những trợ lý thân cận cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ và giúp củng cố vai trò lãnh đạo của mình.
Cơ sở cho nhận định này là cha ông, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã từng phải chuẩn bị trong hai thập kỷ để nắm quyền lãnh đạo đất nước từ người cha mình vào năm 1974 - người dựng nền móng quốc gia, cố lãnh tụ Kim Nhật Thành hồi năm 1994.
Một trong những việc đầu tiên ông Kim quyết định khi trở thành lãnh đạo đất nước là khôi phục hệ thống trong đảng để nắm giữ quân đội, theo chính sách ưu tiên quân đội giống như cha ông.
Đến năm 2016, Triều Tiên tổ chức đại hội đảng toàn quốc kéo dài 4 ngày, lần đầu tiên thuộc loại này trong vòng 36 năm, và công bố chính sách chính sách “Byongjin” - thúc đẩy đồng thời cả năng lực hạt nhân lẫn phát triển kinh tế của Triều Tiên, và củng cố hơn nữa quyền lực của nhà lãnh đạo trẻ.
Chính sách Byongjin sẽ tiếp nối chính sách “Songun” của cha ông, tức là đặt quân sự lên hàng đầu trong định hướng điều hành đất nước.
Vào tháng Giêng năm nay, Triều Tiên đã tổ chức một đại hội đảng nhiệm kỳ mới và ông Kim Jong-un đã được bầu làm "Tổng bí thư", tiếp tục củng cố cho vị trí quyền lực tuyệt đối của mình.
Trên mặt trận tuyên truyền, ông Kim đã sử dụng các cơ quan tuyên truyền của nhà nước được kiểm soát chặt chẽ để thể hiện mình là một nhà lãnh đạo tận tâm cải thiện cuộc sống của người dân bình thường trên toàn quốc trong khi tìm cách biến hình ảnh của quốc gia thành một "đất nước bình thường".
Về đời tư, khác với cha mình, ông Kim đã đưa vợ mình, Ri Sol-ju xuất hiện trước công chúng, và thậm chí còn công khai những hình ảnh ông uống bia và hút thuốc với các quan chức trong đảng.
Trên mặt trận ngoại giao, ông Kim đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử đầu tiên với Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump và gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ba lần trong năm 2018.
Mặc dù các cuộc đàm phán hạt nhân và trao đổi liên Triều đều đang đi vào bế tắc, nhưng những cuộc gặp như vậy, đặc biệt là với một nhà lãnh đạo Mỹ được coi là một thành tựu lớn của nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên.
Cheong Seong-chang, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong cho biết: "Sau khi giành được những thành tựu về ngoại giao, ông Kim như đã thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của người cha và ông nội mình. Ông ấy đã sửa đổi hiến pháp năm 2019, bằng cách chỉnh sửa lại tất cả các cụm từ liên quan đến chính sách ưu tiên quân đội của cha mình".
Các nguồn tin tình báo từ Hàn Quốc cho biết, chính quyền Bình Nhưỡng đã dỡ bỏ chân dung của các cựu lãnh đạo ra khỏi các phông nền của các cuộc họp chính thức vốn vẫn tồn tại suốt hàng chục năm qua.
Các nhà lập pháp cho biết, ông Kim Jong-un đã bắt đầu thiết lập một hệ thống tư tưởng của riêng mình để khẳng định vị trí và tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, giới phân tích nhìn nhận, những gì phía trước còn cần phải chờ đợi xem tài xoay xở của ông Kim ra sao để vực dậy nền kinh tế đang đối mặt cùng lúc cả đị dịch Covid-19 lẫn thời tiết xấu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, về phát triển kinh tế nếu như ông Kim tiếp tục chỉ dựa vào khả năng tự lực và giao thương với Trung Quốc, thì sẽ không dễ dàng để Triều Tiên thoát ra khỏi khó khăn.
Giáo sư Lim Eul-chul tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông cho biết: “Triều Tiên rõ ràng muốn, hoặc ít nhất là cần đàm phán với Mỹ, nhưng hiện tại họ không thấy họ có thể thu được gì từ các cuộc đàm phán. Và đặc biệt là với những lo ngại kéo dài về đại dịch Covid-19, tình hình đang có vẻ như không quá thuận lợi cho miền Bắc".