| Hotline: 0983.970.780

Bệnh vàng lá cây có múi đang đe dọa nghiêm trọng:

100% mẫu đất và rễ cây trong vùng vàng lá ở Hòa Bình nhiễm nấm Fusarium

Thứ Hai 14/09/2020 , 06:49 (GMT+7)

Đây cũng là nguồn nấm tìm thấy ở hầu hết các vùng đất mà Viện Bảo vệ Thực vật kiểm tra, đặc biệt là vùng cam ở huyện Cao Phong của tỉnh này.

TS Lê Xuân Vị - Bộ môn Chẩn đoán Giám định Dịch hại và Thiên địch, Viện Bảo vệ Thực vật cho biết.

TS Lê Xuân Vị - Bộ môn Chẩn đoán Giám định Dịch hại và Thiên địch, Viện Bảo vệ Thực vật. Ảnh: Dương Đình Tường.

TS Lê Xuân Vị - Bộ môn Chẩn đoán Giám định Dịch hại và Thiên địch, Viện Bảo vệ Thực vật. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều vùng cam ở phía Bắc đều bị

Ông có thể nói một chút về tình hình của bệnh vàng lá trên cây có múi hiện nay?

Hiện tượng vàng lá cây cam, quýt có nhiều nguyên nhân, ít nhiều đều có liên quan đến dinh dưỡng. Thứ nhất nếu do bệnh vàng lá thối rễ bởi nấm gây hại trong đất như nấm Fusarium, Phytophthora… làm cho bộ rễ bị thối, cây không hút được dinh dưỡng nên vàng lá, bị nặng sẽ rụng lá hàng loạt và chết. Thứ hai là vàng do thiếu dinh dưỡng, thiếu vi lượng. Thứ ba là bệnh vàng lá gân xanh Greening. Nhiều vườn trồng ở khu vực đất trũng thoát nước kém dễ bị úng vào mùa mưa cũng dẫn đến hiện tượng thối rễ, cây biến vàng…

Bên cạnh đó, tình trạng người dân khai thác quá mức nhằm thu được năng suất tối đa cũng dẫn đến tình trạng suy kiện của cây. Điển hình là thực hiện biện pháp khoanh vỏ hàng năm đối với cây cam Canh để kích thích ra hoa, tăng năng suất, chu kỳ khai thác của cây bị rút ngắn đáng kể.

Triệu chứng điển hình của bệnh vàng lá. Ảnh: Tư liệu.

Triệu chứng điển hình của bệnh vàng lá. Ảnh: Tư liệu.

Một nguyên nhân rất quan trọng nữa là nhiều nông dân mới trồng cam chưa nắm được kỹ thuật ngay từ khâu chọn giống, thiết kế vườn trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Thứ nhất là sử dụng giống nhiễm bệnh, kết hợp với nguồn bệnh sẵn có trong đất là một trong những nguyên nhân mà cây cam trồng năm thứ 2, thứ 3 đã bắt đầu bị. Thứ hai là nhiều hộ đã dần chuyển đổi từ đất trồng mía sang trồng cam ở những vùng thoát nước kém, cây chỉ cần ngập nước trong thời gian ngắn cũng gây ra hiện tượng thối rễ, rụng lá và chết. Thứ ba là kỹ thuật sử dụng phân bón, nhiều hộ thường chỉ bón phân khi thấy cây có biểu hiện vàng lá hoặc bón rải rác thành nhiều đợt dẫn đến hiện tượng cây ra lộc rải rác, đây là điều kiện thuận lợi cho các loài chính hút gây hại lại khó phòng trừ. Kỹ thuật được khuyến cáo là bón tập trung vào 4 đợt chính/năm theo từng giai đoạn cụ thể.

Tôi từng đi khảo sát nhiều vùng cam ở phía Bắc, ở đâu cũng bị bệnh vàng lá cả từ Bắc Kạn, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình…

Xác định rõ bệnh rồi mới quyết định chữa hay không

Một vườn cam non ở thị trấn Cao Phong bị vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một vườn cam non ở thị trấn Cao Phong bị vàng lá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vàng lá thường có triệu chứng khá rõ vào giai đoạn mùa khô, trước và sau thu hoạch khi không được bón phân hay gặp khô hạn. Bệnh vàng lá cần phải kiểm tra xác định rõ lý do gì và khả năng phục hồi đến đâu. Nếu vàng lá Greening thì cần tiêu hủy ngay vì không chữa được, tránh lây lan. Vàng lá do thối rễ có thể chữa nếu bệnh giai đoạn nhẹ.

Để kiểm tra có phải là bệnh vàng lá thối rễ hay không, rất đơn giản, chỉ cuốc lên kiểm tra bộ rễ, nếu có màu thâm đen, dùng tay tuốt nhẹ mà lớp vỏ tuột ra khỏi lõi, đầu rễ tơ không có màu vàng óng thì rễ đã thối. Bệnh vàng lá thối rễ hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách áp dụng các biện pháp canh tác và phòng trừ tùy thuộc vào mức độ bị hại. Với những trường hợp bị nặng quá, bộ rễ cây bị thối hỏng hoàn toàn, lá vàng và rụng thì buộc phải tiêu hủy bằng cách đào và loại bỏ toàn bộ gốc và rễ, sau đó xử lý bằng vôi bột. Lưu ý chỉ trồng dặm ngay sau khi tiêu hủy từ 6-12 tháng.

Vậy trong 3 năm qua Viện đã làm được những gì ở Hòa Bình?

Từ tháng 10/2017 chúng tôi thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp sinh học phòng trừ một số loại sâu bệnh hại chính vùng rễ trên cây cam, quýt tại tỉnh Hòa Bình” theo đặt hàng của Bộ Khoa học Công nghệ và sẽ kết thúc trong tháng 10 năm 2020. Tại tỉnh này tỷ lệ cây bị bệnh vàng lá thối rễ trung bình vào khoảng 20% và ở các mức độ khác nhau, cục bộ một số vườn tỷ lệ bị bệnh lên đến 30% thậm chí cao hơn. Kiểm tra 95 mẫu đất và rễ cây ở vùng có biểu hiện vàng lá thì 100% đều xuất hiện nấm Fusarium.

Một vườn cam đang ngả bệnh. Ảnh: Tư liệu.

Một vườn cam đang ngả bệnh. Ảnh: Tư liệu.

Qua điều tra, chúng tôi thấy bệnh vàng lá thối rễ do phức hợp tác nhân gồm nhóm nấm (nấm Fusarium, Phytophthora) và tuyến trùng do đó đã tập trung nghiên cứu nhóm tác nhân này theo hướng phòng trừ sinh học vì chỉ nó mới có hiệu quả bền vững, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Mục tiêu chính là nghiên cứu phương pháp phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ của một số chế phẩm sinh học đang có trên thị trường để xác định loại nào hiệu quả và phù hợp. Thu thập và tuyển chọn các chủng vi sinh vật có ích tại chỗ để phát triển chế phẩm sinh học.

Đề tài đã xác định được một số chế phẩm sinh học có hiệu lực phòng trừ bệnh như Tri cô ĐHCT, Ketomium, SH-Lifu… Chế phẩm Biocam là sản phẩm của đề tài đang được đánh giá và cho hiệu quả phòng trừ đạt trên 65%. Từ đầu năm 2019, chúng tôi đã tiến hành thử nghiệm chế phẩm này ở 2 mô hình với tổng diện tích 4 ha trên đất chu kỳ 1 và đất tái canh chu kỳ 2.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn xây dựng quy trình quản lý cây trồng tổng hợp có sử dụng chế phẩm sinh học với cây cam, quýt thời kỳ kinh doanh. Vì thời gian thực hiện chỉ có 3 năm lại vừa nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu ứng dụng kịp thời đáp ứng cho sản xuất do đó vừa làm vừa hoàn thiện quy trình. Hiện nay, tỷ lệ bệnh vàng lá thối rễ của các vườn này chỉ còn mức dưới 5% so với trước khi áp dụng là 30%. 

Hòa chế phẩm sinh học để chuẩn bị tưới. Ảnh: Tư liệu.

Hòa chế phẩm sinh học để chuẩn bị tưới. Ảnh: Tư liệu.

Cách chữa cụ thể ra sao thưa ông?

Trước đây người dân hay sử dụng thuốc hóa học để phun hoặc tưới trực tiếp vào gốc nhưng sau nhiều năm làm như thế rất nguy hiểm vì gây ô nhiễm, để lại tồn dư trong đất. Phương pháp hiện nay của chúng tôi là sử dụng các chế phẩm sinh học từ nấm đối kháng vào trong đất 3-4 lần/năm, với lần đầu tiên kết hợp với sử dụng phân chuồng, các lần tiếp theo cách nhau 3-4 tháng.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh để xác định số lần bón/năm và thời gian duy trì. Nếu vườn bị nhẹ hoặc chưa bị bệnh vàng lá thối rễ cũng nên bón từ ít nhất 2 lần/năm với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nghĩa là chúng ta bổ sung các vi sinh vật có ích vào trong đất, chúng sẽ tồn tại và nhân lên, luôn là nguồn để đối kháng với nấm gây bệnh, hạn chế sự nhân lên của nấm gây bệnh, giữ chúng ở mật độ thấp, không gây hại. Trường hợp khi vườn bị bệnh mới sử dụng sẽ rất tốn công, tốn của…

Thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vấn đề

Theo ông, đề tài này có áp dụng được trên diện rộng sau này không?

Các kết quả của đề tài rất có ý nghĩa và cần cho thực tiễn sản xuất, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong phòng trừ sâu bệnh hại nói chung, bệnh vàng lá thối rễ nói riêng, không chỉ cho Hòa Bình mà còn nhiều tỉnh khác. Tuy nhiên, việc áp dụng thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề.

Người dân tham quan mô hình của chúng tôi, đánh giá rất cao nhưng nói thật là về họ có áp dụng hay không thì không rõ. Không có gì khó cả nhưng đôi khi họ cứ theo kinh nghiệm mà làm. Các nhà khoa học từng về vùng cam Cao Phong rất nhiều lần nhưng tình trạng bệnh vàng lá không giải quyết được triệt để xuất phát từ người dân là chính.

Một chủ vườn ở xã Hợp Phong huyện Cao Phong đang xem cây bị bệnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một chủ vườn ở xã Hợp Phong huyện Cao Phong đang xem cây bị bệnh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vườn cam đang bị bệnh, nếu có cách cứu chữa hiệu quả thì dân khác nào “chết đuối với phải cọc” tại sao lại có chuyện không theo?

Sử dụng thuốc hóa học vẫn đang là ưu tiên của dân vì có tác dụng nhanh, nhìn thấy ngay không như chế phẩm sinh học, tác dụng chậm do đó cần phải kiên trì. Hiện nay thói quen của dân đã được thay đổi nhiều, đã bắt đầu sử dụng nấm Trichoderma bón vào đất. Tuy nhiên để phát huy được hiệu quả cần phải tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật, điều này thì còn hạn chế do đó các chế phẩm sinh học chưa phát huy được hiệu quả, người dân còn hời hợt hoặc hoài nghi.

Cần phải có thêm thời gian, đẩy mạnh khâu tuyên truyền và tập huấn. Xây dựng các mô hình trình diễn về sử dụng chế phẩm sinh học làm điểm tham quan, học tập. Dân chỉ tin khi chính họ nhìn thấy, nghe thấy chứ không chỉ nghe thông tin…

Đối với bệnh vàng lá thối rễ, biện pháp hiệu quả, bền vững nhất vẫn là sử dụng chế phẩm sinh học bón vào đất, tính ra chi phí cho 1 ha khoảng 10 – 15 triệu/năm tùy vào tình trạng của cây. So với thuốc hóa học sẽ tốn kém hơn, nhưng bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe. Nếu mà các vườn cây cứ sử dụng thuốc hóa học tưới vào đất hoặc phun lên cây thì hậu quả khôn lường với mạch nước ngầm của vùng trồng cam.

Nếu như chỉ vài hộ làm còn nhiều hộ khác không theo sẽ không có ý nghĩa. Do đó, thứ nhất là cần phải có sự vào cuộc của chính quyền trong việc tuyên truyền, có các cơ chế chính sách hỗ trợ để dân dần thay thế thuốc hóa học bằng thuốc sinh học, chế phẩm sinh học. Thứ hai, cần phải có các cơ chế thuận lợi nhất cho việc đăng ký chế phẩm sinh học. Thứ ba là phải kiểm soát các chế phẩm sinh học trên thị trường bởi hiện nay người dân vẫn chưa thể nhận biết được đâu là các sản phẩm có hiệu quả với cây cam, quýt.

Những đồi cam màu xanh thẫm, bạt ngàn ở Cao Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những đồi cam màu xanh thẫm, bạt ngàn ở Cao Phong. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bây giờ người dân muốn áp dụng chế phẩm này thì Viện có sẵn sàng ký bảo hành, chuyển giao không?

Biocam mới chỉ là sản phẩm của đề tài, đang trong quá trình nghiên cứu do đó hiện tại việc đến tay được người tiêu dùng hay không còn phải tuân theo các quy định. Tuy nhiên, có hai phương thức là đăng ký thông qua đầu mối Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp của huyện Cao Phong và đặt hàng trực tiếp với Viện. Hiện ngoài Hòa Bình chúng tôi cũng đã khảo nghiệm quy mô nhỏ ở Bắc Giang và Hưng Yên cũng cho kết quả khả quan.

Trung bình 1 năm dân vùng cam Cao Phong phun bao nhiêu lần thuốc và thuốc hóa học hay sinh học là chính?

Theo kết quả điều tra của chúng tôi họ phun mỗi năm trung bình 15-16 lần và chủ yếu là thuốc hóa học, thường phối trộn thuốc trừ sâu với trừ bệnh rồi cả phân bón lá. 

Việc nhiều người dân đang truyền thuốc cho cam thì kỹ thuật này có nguồn gốc từ đâu, có hiệu quả không?

Phương pháp này do giáo sư người Đài Loan tên Hong Ji Su đã từng thử nghiệm ở Hòa Bình trước đây để chữa greening, nhưng để chữa vàng lá thối rễ thì chưa thấy.  

Đa phần vùng cam Cao Phong là trên đất dốc nên phải thiết kế hàng, luống dốc từ trên xuống dưới cho dễ thoát nước, đào hố càng rộng càng tốt, bỏ nhiều phân chuồng, kết hợp với chế phẩm sinh học từ nấm Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces… Xử lý hố bằng vôi bột trước khi trồng 6-12 tháng, đặc biệt là trên đất tái canh chu kỳ 2,3.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm