Bản tin buồn của bệnh viện tỉnh
“Tuần từ ngày 15/6 - 19/6 tiếp nhận hai trường hợp dị tật thai nhi, một là thai phụ 20 tuổi thai 17 tuần nhưng vô sọ, một là bé Quách Văn D, 3 ngày tuổi đẻ non, đa dị tật. Cả hai trường hợp (một chưa sinh và một đã chào đời) đều rất đáng tiếc và không có cơ hội tiếp tục cuộc sống”. Đó là phần đầu bản tin của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhằm khuyến cáo việc cần làm sàng lọc trước sinh.
Bác sĩ Đinh Thị Chiên - Phó Khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - người đã công tác trong ngành được 25 năm bảo với tôi rằng đây là lần đầu tiên siêu âm phát hiện ra trường hợp thai nhi dị dạng có 4 chân nên mới phải phá.
Thường những trường hợp thai chết lưu, dị dạng mà nhỏ thì người ta phá ở bên ngoài, chỉ to, khó xử lý mới vào bệnh viện. Theo tôi ước lượng mỗi năm số ca như vậy đến đây khoảng trên dưới 200 chưa kể các ca dọa đẻ non...
Bác sĩ Đinh Thị Chiên
Còn bác sĩ Trần Thị Vân - Phụ trách khoa thì thông tin cụ thể hơn: “Thai dị dạng, chết lưu, đẻ non có thể xử lý ở tuyến huyện, tỉnh hoặc nếu có tiền thì về trung ương để tìm nguyên nhân chứ ở đây chưa có điều kiện để tìm.
Chúng tôi chỉ nghiên cứu mối liên quan giữa thai chết lưu với những bất thường nhiễm sắc thể, với bệnh cúm chứ chưa có nghiên cứu để tìm mối liên quan với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay ô nhiễm môi trường vì hiểu biết về vấn đề này vẫn còn hạn chế.
Theo chủ quan của tôi chắc chỉ khoảng 10 - 20%, thuộc về những ca khó vượt khả năng xử lý mới được chuyển lên đây. Với những ca thai chết lưu, dị dạng, chết không rõ nguyên nhân tôi hay hỏi ở nhà có phun thuốc trừ sâu hoặc tiếp xúc với chúng hay không. Thường 10 người thì khoảng 6 trả lời rằng có”.
Chuyện ở Trung tâm Y tế huyện
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng - Trưởng Khoa sản, Trung tâm Y tế huyện Cao Phong thống kê 6 tháng đầu năm nay có 20 trường hợp thai chết lưu còn sảy thì không tính (thực tế khi tôi hỏi điều dưỡng Tô Thị Hương Quế phụ trách vấn đề này thì được biết là thống kê từ tháng 10/2019 đến tháng 7 năm nay - PV).
Cụ thể trong năm 2020, tháng 1 có 2 trường hợp, tháng 2 có 2 trường hợp, tháng 3 có 6 trường hợp, tháng 4 có 1 trường hợp…
“20 trường hợp này sẽ không thể sinh được trong năm nay mà phải kiêng ít nhất là 6 tháng nên tỷ lệ đẻ năm nay sẽ ít đi. Đó là chưa kể đến các trường hợp thai lưu đến phòng khám tư, vượt tuyến hay những người ở thị trấn cùng hai xã Thung Nai và Bình Thanh thường không lên đây điều trị, tổng cộng cũng ít nhất khoảng 20 trường người nữa. Các trường hợp vào đây đều có bảo hiểm y tế 100%”.
Với kinh nghiệm trên 20 năm trong nghề, bác sĩ Hồng khẳng định trong vòng khoảng 5 năm gần đây tỷ lệ thai chết lưu dưới 12 tuần tuổi gặp rất nhiều.
“Hồi trước không có mấy ca thai chết lưu đâu mà chỉ có sảy thai từ 22 tuần tuổi còn giờ là chết lưu rồi mới sảy.
Cứ ra tết tầm từ tháng 1 đến 4 có rất nhiều ca như thế đến đây, cao điểm nhất là tháng 2 và tháng 3 sau đó tháng 4, 5 bắt đầu giảm, hết tháng 5 thì ít thấy, cứ đậu thai là giữ được.
Đó cũng là trùng với thời gian thu hoạch hết cam, ăn tết xong nông dân đầu tư phun một loạt thuốc BVTV để xử lý ra hoa và đậu quả. Phụ nữ thường không tiếp xúc trực tiếp với thuốc BVTV, có chăng là sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh.
Gia đình nào ở đây hầu như cũng có vườn. Cam bao quanh nhà. Không chỉ dân ở đây mà nhiều người ở Hà Nội cũng tìm về thuê đất, mua đất để làm những trang trại rất lớn.
Người nào không có cam thì lại đi làm thuê, thường họ không phun một loại thuốc mà kết hợp nhiều loại cùng một lúc, ngay cả cỏ mọc sát nhà cũng phun để diệt chứ không mấy khi chịu phát như trước.
Khi phun một lượng rất lớn như thế, đi trên đường thuốc xộc vào còn cảm thấy chóng mặt. Vườn cam ở đỉnh đồi này mà phun thuốc thì ngay Trung tâm chúng tôi cũng ngửi thấy mùi, không thể mở cửa được vì rất đau đầu, nhất là khoa nội gần đó. Ở Cao Phong kể cả không làm vườn nhưng không có nhà nào không tiếp xúc với thuốc sâu bởi vì mở cửa ra là thấy rồi”, bác sĩ Hồng chia sẻ.
Trước câu hỏi của tôi về có nghi ngờ chuyện phun thuốc BVTV là nguyên nhân của những dị thường về thai sản gần đây không, bác sĩ Hồng trả lời: “Chúng tôi chỉ nghĩ đến có sự trùng lặp giữa việc phun thuốc với việc sảy thai nhưng không biết nó có ảnh hưởng gì hay không vì không làm xét nghiệm”.
Những đứa trẻ dị thường và bệnh ung thư của một loạt Chủ tịch xã
Tôi xuống Hợp Phong - xã vừa mới sáp nhập từ Đông Phong, Xuân Phong và Tân Phong - một trong những vùng trồng nhiều cam của huyện Cao Phong. Tuy sáp nhập như vậy nhưng đội quân y tế của ba xã đâu vẫn ở đấy, theo dõi địa bàn cũ với trung bình hơn 2.000 nhân khẩu.
Chị Bùi Thúy Tình là nữ hộ sinh của Trạm y tế xã Đông Phong cũ, ước tính mỗi năm trên địa bàn mình quản lý có trung bình 2 - 3 ca thai chết lưu, cao điểm có khi 5 - 6 ca, riêng từ đầu năm đến nay đã có 2 ca.
B.T.N. (xin được giấu tên) ở xóm Chằng Ngoài là một trường hợp như thế. Hồi đó, nhà tuy không trồng cam nhưng chồng N. hành nghề phun thuốc thuê và hàng xóm cũng nhiều nhà có vườn, phải dùng thuốc. Chửa đã gần ngày đẻ, một buổi chị bỗng thấy đứa con trong bụng mình thôi không còn đạp nữa, siêu âm thì mới biết nó đã chết rồi…
Nhiều hộ trong xóm do không có vốn nên mới kết hợp với những ông chủ đầu tư ngoài thị trấn vào theo kiểu người góp đất, góp công người bỏ tiền, bỏ kỹ thuật rồi ăn chia 50/50. Thuốc sâu, thuốc cỏ tưới đẫm từ đỉnh đồi xuống dưới nương khiến cho các mó nước bị ô nhiễm dân không dám dùng nữa mà phải đào giếng hết lượt.
B.T.H. (xin được giấu tên) nhà ở ngay trung tâm xã khi tôi đến bụng đã to lùm lùm nhưng trước đó từng có thai 3 tháng rồi sảy không rõ nguyên nhân. Điển hình nhất là một trường hợp trong xóm ở chính quê nữ hộ sinh Tình, người này hơn 10 năm trước tiên phong trong việc trồng cam và khi mang thai chết lưu đến 3 lần. Chồng chị vốn chuyên đi phun thuốc cho công ty cam ngoài thị trấn nên học mót được ít kỹ thuật về cũng trồng một vườn cam rồi cất ngay nhà ở giữa.
Chửa đứa đầu, đứa thứ hai siêu âm thấy bất thường chị phải ra bệnh viện tỉnh đẻ nhưng vẫn không giữ được, đến đứa thứ ba thì chính tay Tình đỡ tại nhà. Một đứa bé bụng to như bụng cóc, mũi tẹt, mắt không mở được, không thấy khóc cựa quậy trong chốc lát rồi chết. Một cỗ quan tài con con được mang về thay cho bữa liên hoan mừng đón nhà có thành viên mới.
Bà mẹ trẻ kể từ đó bị trầm cảm, gần như không nói không cười khiến cho gia đình sợ quá phải chuyển nhà vào trong xóm. Lạ thay từ lúc ở nhà mới chị đẻ sòn sòn một mạch hai đứa con đều khỏe mạnh, bình thường. Chỉ cách vườn cam của chị có 1 con đường là nhà người hàng xóm, sau đó mấy năm cũng bị thai chết lưu...
Ông Bùi Quang Bệ - Chủ tịch xã Hợp Phong trầm ngâm: “Trên đồi trồng ngô họ phun thuốc trừ cỏ, dưới vườn trồng cam thì phun cả trừ cỏ lẫn trừ sâu. Theo thống kê diện tích cây có múi của xã hiện có 331ha trong đó phần nhiều là cam nhưng đa số thuộc về những ông chủ ở nơi khác, họ không trực tiếp phun thuốc sâu mà toàn thuê dân địa phương.
Vòi phun bằng máy rất mạnh, dù có đeo khẩu trang, mặc quần áo bảo hộ nhưng hơi thuốc vẫn trùm kín thân, ngay cả người đi đường còn bị ảnh hưởng.
Chẳng biết có phải do phun thuốc sâu hay không mà trong vòng 10 năm nay ung thư ở trong vùng thấy rất nhiều, cả dân lẫn cán bộ như các ông cựu Chủ tịch xã, Chủ tịch xã Đông Phong ông Bùi Đức H, xã Xuân Phong ông Bùi Ngọc Tr, xã Tân Phong ông Bùi Văn Y, xã Tây Phong ông Bùi Văn T…”.
Thực tế này rất cần có một đề tài nghiên cứu xem có mối liên hệ nào giữa chuyện phun thuốc BVTV với các ca đẻ non, thai lưu, ung thư trên địa bàn Hòa Bình hay không. Nếu có thì phải có biện pháp để bảo vệ cho người dân, hướng dẫn họ dùng thuốc một cách an toàn mà nếu không thì phải giải oan cho cây cam cũng như một số cây trồng chủ lực khác đang trở thành mũi nhọn kinh tế ở tỉnh.