| Hotline: 0983.970.780

14 năm chưa xử được vì thiếu căn cứ kết tội, sao không đình chỉ vụ án?

Thứ Hai 27/03/2017 , 08:27 (GMT+7)

Chưa từng có vụ án nào mà đến 4 lần Viện KSND ra cáo trạng truy tố các bị cáo, nhưng rồi vụ án vẫn không được đưa ra xét xử. 

Theo lời trình bày của Quản Đắc Thúy, thì ngày 15/3/2016, Thúy và em là Quản Đắc Quý (cùng ở xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cùng là bị cáo trong vụ án “cố ý gây thương tích...) nhận được giấy triệu tập của TAND huyện Hoài Đức, do thẩm phán Nguyễn Anh Huy ký, yêu cầu đúng 8 giờ ngày 16/3/2016 phải có mặt tại tòa để giải quyết vụ án.

16-17-19_qun-dc-thuy-v-qun-dc-quy
Quản Đắc Thúy và Quản Đắc Quý
 

Đúng hẹn, Thúy có mặt, và được thư ký tòa là bà Nguyễn Thị Mai Oanh đưa cho tờ “biên bản giao quyết định đưa vụ án ra xét xử” bảo ký.

Nhưng ký xong thì bà Oanh lại không giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Thúy. Thúy lên hỏi thẩm phán Nguyễn Anh Huy, thì được trả lời “mùng 5/4 mở tòa”. Ngày 20/3, Quản Đắc Quý đến tòa, và cũng được giao tờ biên bản như trên, bảo ký, nhưng vẫn không nhận được quyết định. Nếu lời trình bày trên là đúng, thì đây quả là một việc làm khó hiểu.

Vụ án xảy ra đến nay đã được 14 năm. Ông Quản Đắc Họp (thương binh,mất 75% sức khỏe) bố của Quý và Thúy, có nhận thầu của thôn Vân Côn một thửa đất sát đất thổ cư của ông, thời hạn thầu đến năm 2007. Ngày 19/7/2003, ông Đỗ Đăng Chuyên và con trai là Đỗ Đăng Của đã xây tường chiếm thửa đất thầu trên, và chiếm luôn một phần thổ cư của ông Họp. Thấy đất của mình bị cướp đoạt trắng trợn, ông Họp ra ngăn giữ, hai bên xô sát.

Ngày 15/12/2003, Thúy và Quý bị công an huyện Hoài Đức khởi tố bị can vì đã “gây thương tích cho Đỗ Đăng Của 34,16% và cho ông Đỗ Đăng Chuyên 21%”, theo khoản 3 điều 104 Bộ luật Hình sự. Tiếp theo, ông Quản Đắc Họp cũng bị khởi tố bị can cũng với hành vi trên. Vụ án, sau đó được chuyển cho CA tỉnh Hà Tây cũ, và nay là CATP Hà Nội, điều tra theo thẩm quyền.

Cho đến nay, đã có hơn một chục bản kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung, 4 lần Viện KSND tỉnh Hà Tây(cũ) và Viện KSND huyện Hoài Đức (Hà Nội) ra cáo trạng. Nhưng vụ án chưa một lần được đưa ra xét xử. Bởi có những điều hết sức vô lý và lạ lùng.

Thứ nhất, tất cả những “nhân chứng” nhìn thấy 3 bố con ông Quản Đắc Họp gây thương tích cho bố con ông Chuyên đều là ruột thịt của ông Chuyên, như Nguyễn Đình Sự là con rể, Nguyễn Công Long là con nuôi, Đỗ Đăng Chắt là cháu ruột. Những lời làm chứng của họ không bảo đảm tính khách quan.

Nhưng chính những lời khai của họ cũng đầy mâu thuẫn. Chẳng hạn lời khai của Nguyễn Công Long. Tại bản kết luận điều tra bổ sung ngày 8/6/2012, Long khai “nhìn thấy Quý dùng dao rựa chém anh Của”. Nhưng tại bản kết luận điều tra bổ sung ngày 8/4/2014, Long lại khai “không nhìn thấy Quý chém Của. Sở dĩ trước đây khai nhìn thấy Quý chém Của, là do Của bắt tôi phải khai như vậy”.

Bản thân lời khai của hai bị hại cũng đầy mâu thuẫn. Cùng một vết thương ở trán, một vết thương ở tay, nhưng lúc thì Của khai do bị ông Họp chém, lúc lại khai do bị Quý chém.

Với Quản Đắc Thúy, việc truy tố của Viện KSND huyện Hoài Đức mới thật hài hước. Cáo trạng số 71/CT-VKS ngày 12/8/2015 của Viện KSND huyện Hòa Đức ghi: “Quản Đắc Thúy cầm một đoạn tuýp sắt đuổi vụt về phía anh Của, trúng vào đầu ngón trỏ bàn tay phải của anh Của”.

Chỉ vậy thôi, ngoài ra bản cáo trạng không ghi thêm bất cứ một hành vi nào khác của Thúy. Bản kết luận giám định pháp y của Đỗ Đăng Của không ghi vết thương trên. Không biết căn cứ nào để Viện KSND huyện Hoài Đức truy tố Thúy theo khoản 3 điều 104 Bộ luật Hình sự, có khung hình phạt từ 5 đến 15 năm tù, chỉ với một nhát vụt không gây thương tích như vậy?

Thứ hai, hai bản giám định pháp y kết luận Đỗ Đăng Của bị thương tích 34,16% và Đỗ Đăng Chuyên 21% là do CA xã Vân Côn nộp cho CA huyện Hoài Đức. CA xã không có thẩm quyền trưng cầu giám định. Vậy hai bản giám định đó ở đâu ra?

Theo LS Lương Quang Tuấn (Văn phòng Luật sư An Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho 3 bố con ông Họp), thì sau đó, CA huyện Hoài Đức ra quyết định trưng cầu giám định, chỉ là để “hợp thức hóa” hai bản kết luận giám định đó mà thôi. Việc làm này của CA huyện Hoài Đức đã vi phạm các điều 64 và 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Và cũng vì vậy mà hai bản kết luận điều tra trên là bất hợp pháp, không thể dùng làm căn cứ để khởi tố bị can.

Thứ ba, dao rựa, tuýp sắt, được cơ quan điều tra cho là những công cụ mà bố con ông Họp dùng để gây thương tích cho bố con ông Chuyên, lại không được thu giữ, bảo quản theo quy định tại điều 74, 75 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Không có vật chứng là công cụ phạm tội, thì tại sao các bị can lại bị khởi tố, truy tố theo khoản 3 điều 104 Bộ luật Hình sự?

Còn rất nhiều điều vô lý và lạ lùng khác nữa trong vụ án này. Theo quy định tại điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì thời hạn điều tra của vụ án này đã hết từ lâu.

Chưa từng có vụ án nào lại nhiều kết luận điều tra bổ sung như vậy. Chưa từng có vụ án nào mà đến 4 lần Viện KSND ra cáo trạng truy tố các bị cáo, nhưng rồi vụ án vẫn không được đưa ra xét xử. Và cũng chưa từng có vụ án nào lại có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng đến như vậy. Cho đến nay, những căn cứ để kết tội các bị cáo vẫn chưa vững.

Câu hỏi đặt ra là: Chưa đủ căn cứ để kết tội các bị cáo, thì tại sao lại không đình chỉ vụ án?

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.