| Hotline: 0983.970.780

150.000 tấn lúa đạt chuẩn xuất khẩu sang châu Âu

Chủ Nhật 25/09/2022 , 22:49 (GMT+7)

150.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được sản xuất theo chuẩn SRP, tạo cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo sang các thị trường như châu Âu và Mỹ.

Empty

Ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ .

Cải thiện kỹ thuật mới trồng lúa cho 10.000 nông dân ở ĐBSCL

Ngày 21/9, tại TP Cần Thơ, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC) và sáng kiến lúa gạo châu Âu giai đoạn 2 (BRIA 2).

Dự án đã giúp hơn 10.000 nông hộ nhỏ ở ĐBSCL đã cải thiện quy trình canh tác và nâng cao chất lượng lúa khi tham gia dự án Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC). Dự án được  triển khai từ năm 2018-2022 tại các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và TP Cần Thơ. MSVC là một sáng kiến mới của Olam Agri, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Bộ NN-PTNT.

Sau 4 năm triển khai, thông qua dự án, 150.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế đã được sản xuất, tạo ra cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường như châu Âu và Mỹ. Hầu hết các nông hộ nhỏ tham gia dự án đã ghi nhận điểm đánh giá tăng hơn 50% theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), tiêu chuẩn bền vững tự nguyện đầu tiên trên thế giới cho sản xuất lúa gạo. Bên cạnh đó, một số nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón N-P-K khi chuyển từ tưới ngập liên tục theo phương pháp truyền thống sang kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ và tưới nhỏ giọt.

Empty

Dự án MSVC đã giúp hơn 10.000 nông hộ nhỏ ở ĐBSCL đã cải thiện quy trình canh tác và nâng cao chất lượng lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bà Nguyễn Thị Nhĩ, nông dân trồng 5ha lúa ở xã Tân Tiến, huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết: Trước đây khi chưa tham gia dự án MSVC, canh tác lúa cứ bón phân nhiều và phun xịt thuốc BVTV hóa học bừa bãi dẫn đến chi phí cao mà năng suất lại không cao. Rất mừng từ khi tham gia vào dự án MSVC sản xuất lúa của gia đình bắt đầu tiết kiệm được chi phí và ứng dụng  máy móc và các tiến bộ hoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Trước tiên giảm lượng giống gieo sạ, phân thuốc… từ đó bảo vệ được môi trường và sức khỏe cho mọi người, trong đó có cả gia đình của người trồng lúa. Lúa sản xuất đạt năng suất cao, chất lượng lúa cũng tốt. Nhiều người nông dân xung quanh cũng học hỏi làm theo đã giúp thay đổi được tư duy và sản xuất lúa theo hướng bền vững và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng cao năng suất, tăng giá trị của hạt gạo.

Empty

Nông dân TP Cần Thơ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP giúp tăng thu nhập và yên tâm đầu ra vì có doanh nghiệp đứng ra bao tiêu. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn tại HTX Nông Nghiệp Vĩnh Cường ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX chia sẻ: Việc tuân thủ sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP mà dự án MSVC triển khai cho nông dân trong HTX nhiều năm qua đã mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế, môi trường và sức khỏe. Hiện HTX có hơn 8 ngàn ha trồng lúa được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu toàn bộ, nên nông dân rất hào hứng và yên tâm mặt sản xuất.

Giảm chi phí sản xuất lúa từ 15-20%

Theo bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, SRP giúp bà con nông dân canh tác lúa bền vững hơn thông qua việc giảm giống, giảm phân đạm, tiết kiệm nước, quản lý dịch hại theo IPM, quản lý dư lượng thuốc BVTV và bảo vệ môi trường, từ đó giúp giảm chi phí từ 15-20% so với canh tác truyền thống. Theo đó, chất lượng hạt gạo được nâng cao để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU... Đặc biệt, SRP còn quan tâm đến quyền người lao động bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Trẻ em không được tham gia các công việc nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại. Trẻ em phải được đến trường.

Empty

Bộ NN-PTNT mong muốn dự án MSVC mở rộng sang nhiều tỉnh ở ĐBSCL và cả nước để áp dụng làm theo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Paul Nicholson, Phó Giám đốc Phụ trách Nghiên cứu và Bền vững Lúa gạo của Olam Agri cho biết: Sản xuất lúa bền vững mang lại lợi ích cho nông dân, cộng đồng và người tiêu dùng, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho 97 triệu người dân Việt Nam. Phù hợp với mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp vì một tương lai bền vững hơn, Olam Agri đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác để nâng cao chất lượng gạo sản xuất tại Việt Nam và cải thiện sinh kế của nông dân Việt Nam bằng cách tăng cường liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu, các thị trường có nhu cầu cao về gạo an toàn, chất lượng cao và sản xuất có trách nhiệm.

Olam Agri là một trong những tập đoàn kinh doanh lúa gạo lớn nhất thế giới và luôn ủng hộ mạnh mẽ việc trồng lúa bền vững. Trong dự án MSVC, Olam Agri đã triển khai hoạt động khuyến khích nông dân sản xuất và tạo ra liên kết thị trường giữa các HTX và nhà máy xay xát để mua lúa trực tiếp từ nông dân ở ĐBSCL. Với chuyên môn và kiến thức đã được kiểm chứng trong các thực hành canh tác hiệu quả, Olam Agri sẽ sản xuất và đóng gói gạo dán nhãn SRP từ các nông trại được chứng nhận SRP ở ĐBSCL.

Đánh giá cao những nỗ lực của các bên đối tác trong việc xây dựng bộ giải pháp toàn diện từ cải tiến kỹ thuật canh tác đến tiếp cận thị trường, trong đó phát triển năng lực của nông dân, các tổ chức SRP đảm bảo các tiêu chuẩn bền vững được tuân thủ cho nông dân trong việc nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NN-PTNT) nhận định: Những thành công và bài học từ dự án sẽ góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong quá trình chỉ đạo, xây dựng điều chỉnh chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản trong cả nước.

Empty

Nhiều nông dân ở ĐBSCL vui mừng vì tham gia trồng lúa theo SRP giúp giảm chi phí từ 15-20%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt, dự án mang lại đã góp phần nâng cao chuỗi sản xuất lúa ở ĐBSCL, từ đó tạo thương hiệu lúa gạo Việt Nam có thể cạnh tranh ở các thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản… Qua 4 năm triển khai dự án MSVC, cho thấy tầm quan trọng và dự án mang lại hiệu quả trong việc sản xuất lúa gạo bền vững, từ đó Bộ NN-PTNT mong muốn mở rộng sang nhiều tỉnh ở ĐBSCL và cả nước để áp dụng làm theo.

Trong dự án hợp tác công - tư này, Olam và GIZ đã hợp tác với các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương, HTX, tổ hợp tác, nhà cung cấp, các chuyên gia đánh giá chứng nhận và người nông dân triển khai các hoạt động dự án. Sự phối hợp này giúp dự án đảm bảo được sự thống nhất trong các hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tác nhân trong chuỗi giá trị. Hy vọng các nhân tố trong chuỗi giá trị lúa gạo tại ĐBSCL sẽ tiếp tục thúc đẩy và nhân rộng việc canh tác lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP, hướng tới mục đích cung cấp gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng và tăng thêm giá trị cho việc sản xuất lúa gạo.

Empty

Qua 4 năm triển khai dự án MSVC, đã đánh giá tầm quan trọng và dự án mang lại hiệu quả trong việc sản xuất lúa gạo bền vững ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 “Trong nỗ lực không ngừng nhằm thúc đẩy các hoạt động canh tác bền vững ở Việt Nam, Olam Agri, GIZ sẽ tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam để đào tạo nông dân về các kỹ thuật sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên đất và hỗ trợ phụ nữ trong nông nghiệp”, ông German Mueller, Quản lý dự án MSVC, GIZ, khẳng định.

10.000 nông dân ở ĐBSCL tăng 17% thu nhập thông qua các hỗ trợ của dự án hợp tác công tư giữa Olam Agri, GIZ và Bộ NN-PTNT. Các nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và tới 15% lượng phân bón N-P-K. Nâng cao chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế và mở ra thị trường mới tại EU, Mỹ và Nhật Bản.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.