| Hotline: 0983.970.780

An Giang mở rộng canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP

Thứ Ba 31/05/2022 , 09:45 (GMT+7)

Tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) đang được An Giang đặc biệt chú trọng mở rộng, bởi đây là xu hướng tất yếu để lúa gạo hội nhập quốc tế.

Lợi nhuận vượt trội

SRP (Sustainable Rice Platform) là bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận. Khi canh tác theo tiêu chuẩn SRP, lúa gạo vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vừa tăng hiệu quả sản xuất, đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho chính nông dân và người tiêu dùng.

Lúa sản xuất theo tiêu chuẩn SRP giúp gạo đạt yêu cầu về chất lượng xuất khẩu, đem lại sự an toàn cho sức khỏe con người, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa sản xuất theo tiêu chuẩn SRP giúp gạo đạt yêu cầu về chất lượng xuất khẩu, đem lại sự an toàn cho sức khỏe con người, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vốn lâu nay canh tác lúa theo cách truyền thống nên khi được Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn (An Giang) chọn triển khai mô hình canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, nông dân Lê Văn Phước ở ấp Tân Thuận, xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) lúc đầu có phần bỡ ngỡ. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn, ông Phước dần quen với lối canh tác mới.

Trên diện tích 2ha, ông được hỗ trợ giống lúa OM18, hỗ trợ phân, thuốc BVTV, được tập huấn quy trình canh tác “1 phải 5 giảm” cùng các kỹ thuật làm đất, quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn ghi chép nhật ký đồng ruộng. Ông Phước áp dụng quy trình sạ thưa (mật độ 120 kg/ha), sử dụng thuốc BVTV hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc và đúng cách).

Kết quả vụ đông xuân 2022 cho thấy, ruộng lúa mô hình SRP của ông Phước nhờ bón phân cân đối nên sâu lá và bệnh đạo ôn, cháy bìa lá ít hơn ruộng đối chứng, chi phí thấp hơn so với  bên ngoài. Nhờ sử dụng giống tốt, giúp cây lúa khỏe ngay từ đầu vụ nên giảm được áp lực sâu bệnh hại; sử dụng phân bón hợp lý cân đối hơn nên lúa hạn chế đổ ngã, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng gần 4 triệu đồng/ha.

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp An Giang đẩy mạnh hướng dẫn, tập huấn và trình diễn mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP cho hàng trăm nông dân trong tỉnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều năm qua, ngành nông nghiệp An Giang đẩy mạnh hướng dẫn, tập huấn và trình diễn mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP cho hàng trăm nông dân trong tỉnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Văn Phước phấn khởi chia sẻ: “Sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, mình giảm được lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch mà năng suất, lợi nhuận lại tăng lên rất nhiều so với cách làm truyền thống trước đây. Thấy được hiệu quả rõ rệt, tôi tiếp tục áp dụng SRP trong vụ hè thu năm nay và nhiều nông dân trong vùng cũng áp dụng theo”.

Tại HTX Nông nghiệp An Bình, huyện Thoại Sơn (An Giang), đây là một trong những HTX đầu tiên được thành lập với sự góp vốn, nhân sự của Tập đoàn Lộc Trời nên rất thuận lợi cho việc triển khai sản xuất lúa theo tiểu chuẩn SRP. Với giống lúa Lộc Trời 18 và Lộc Trời 28, khi canh tác đạt tiêu chuẩn SRP, được Lộc Trời cộng thêm 1.000 đồng/kg so với giá bao tiêu cố định từ đầu vụ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp An Bình Trịnh Công Minh cho biết, trên cơ sở giống OM18 canh tác theo tiêu chuẩn SRP, HTX đã tạo ra thương hiệu “Gạo an toàn An Bình 1”, được UBND tỉnh trao chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang). HTX luôn mong muốn tạo ra sản phẩm gạo ngon, an toàn, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng để phục vụ cho chính người tiêu dùng trong nước chứ không phải chỉ để xuất khẩu.

Nông dân nắm vững 41 tiêu chí của SRP

Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, nhiều năm qua, Trung tâm đã hướng dẫn, tập huấn và trình diễn mô hình canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP cho hàng trăm nông dân trong tỉnh. Qua đó, nông dân nắm được cơ bản nội dung thực hiện theo 41 tiêu chí của bộ tiêu chuẩn SRP. Kết quả trình diễn mang lại hiệu quả khả quan khi giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 1,1 - 2,4 triệu đồng/ha, năng suất trung bình đạt 8,4 tấn/ha, tăng hơn 0,3 tấn/ha so với mô hình đối chứng (sản xuất theo tập quán cũ).

Tại HTX Nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn, An Giang), nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP cuối vụ được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu với giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tại HTX Nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn, An Giang), nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP cuối vụ được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu với giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ áp dụng các phương pháp giảm lượng giống gieo sạ, bón phân cân đối và áp dụng công nghệ sinh thái nên nông dân ít phải sử dụng thuốc BVTV, từ đó giảm chi phí, lợi nhuận tăng so với ngoài mô hình khoảng 3,3 triệu đồng/ha.

Đồi với HTX Nông nghiệp Vọng Đông (huyện Thoại Sơn), từ vụ hè thu 2019 đến nay đã được tiếp cận sản xuất theo tiêu chuẩn SRP từ Dự án Sáng kiến lúa gạo Châu Á, được Tổ chức hợp tác Đức, Công ty OLAM, Sở NN-PTNT An Giang hỗ trợ triển khai, đạt hiệu quả tốt. Sản xuất lúa theo SRP giúp giảm rất nhiều chi phí cho nông dân, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu ngay từ đầu vụ nên nông dân rất an tâm. 

Bà Huỳnh Đào Nguyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang cho biết, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm đã từng bước thực hiện tập huấn, trình diễn theo yêu cầu tiêu chí SRP trải đều ở 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bình quân mỗi mô hình 15ha để nông dân thấy được quy trình canh tác cũng như hiệu quả của SRP. Dự án sẽ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa, từ khâu làm đất, gieo sạ đến khâu thu hoạch như: Sử dụng máy cấy, máy gieo hạt theo cụm, thiết bị phun thuốc BVTV máy bay không người lái, máy gặt đập liên hợp…

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.