| Hotline: 0983.970.780

'Tiếp sức' mở rộng canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP

Thứ Ba 22/03/2022 , 10:35 (GMT+7)

AN GIANG Dự án VnSAT đã 'tiếp sức' rất lớn giúp nông dân An Giang canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP, vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, vừa tăng hiệu quả sản xuất.

Xây dựng thương hiệu Gạo an toàn An Bình 1

SRP (Sustainable Rice Platform) là Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế được nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận. Tại An Giang, việc triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP dựa trên nền sản xuất theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” thời gian qua còn được sự tiếp sức từ Dự án VnSAT thông qua việc hỗ trợ thêm trang thiết bị máy móc và cơ sở hạ tầng tốt hơn.

Bên cạnh đó, Dự án còn tập huấn các biện pháp khoa học kỹ thuật mới cho nông dân và các tổ hợp tác/HTX, từ đó góp phần giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng cũng như đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp lúa gạo, hướng đến sản xuất bền vững.

Dự án VnSAT đã hỗ trợ rất lớn cho nông dân An Giang trong việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự án VnSAT đã hỗ trợ rất lớn cho nông dân An Giang trong việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhiều năm nay, nông dân An Giang đã nhận thức về việc cần sản xuất "sạch", giảm chi phí, giúp năng suất ổn định. Đồng thời, đầu ra luôn có doanh nghiệp bao tiêu, sản phẩm làm ra phải đáp ứng được thị hiếu thị trường trong và ngoài nước. 

Điển hình như HTX Nông nghiệp An Bình (xã An Bình, huyện Thoại Sơn, An Giang) là một trong những HTX của tiên phong trong việc sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn SRP.

Ông Trịnh Công Minh, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp An Bình cho biết, ngoài sự hỗ trợ của doanh nghiệp, Dự án VanSAT đã đóng góp lớn giúp HTX sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, HTX đã nhận được đầu tư trụ sở, phòng làm việc, cửa hàng, kho chứa, các máy móc phục vụ sản xuất lúa giống… Ngoài ra, HTX còn được đầu tư tuyến đường nội đồng khoảng 5 km.

Các xã viên HTX được Dự án VnSAT tập huấn kỹ thuật, từ đó giúp thay đổi cách làm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Thông qua Dự án VnSAT, hiện trình độ sản xuất lúa của bà con xã viên trong HTX đã được nâng lên rất nhiều. Toàn bộ diện tích lúa của HTX đã được bà con áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến để làm ra gạo an toàn theo phương thức quản lý vi lượng (cuối vụ sẽ lấy mẫu phân tích).

HTX Nông nghiệp An Bình đã xây dựng thương hiệu 'Gạo an toàn An Bình 1', được UBND tỉnh An Giang trao chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Văn Vũ.

HTX Nông nghiệp An Bình đã xây dựng thương hiệu “Gạo an toàn An Bình 1”, được UBND tỉnh An Giang trao chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Văn Vũ.

Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp An Bình, ông Trịnh Công Minh vui mừng cho biết thêm, trên cơ sở canh tác lúa theo tiêu chuẩn SRP, nông dân trong HTX được doanh nghiệp đến bao tiêu lúa với giá cao và được cộng thêm 1.000 đồng/kg so với giá bao tiêu cố định từ đầu vụ. Nhờ đó, giúp HTX có động lực xây dựng ra thương hiệu “Gạo an toàn An Bình 1”, được UBND tỉnh trao chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm tỉnh An Giang). HTX luôn muốn tạo ra sản phẩm gạo, ngon, an toàn, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng để phục vụ cho chính người tiêu dùng trong nước chứ không phải chỉ để xuất khẩu.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh An Giang cho biết, quá trình triển khai Dự án, Ban Quản lý tỉnh An Giang đã phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh chọn HTX Nông nghiệp An Bình làm mô hình cải thiện và mở rộng quy mô cánh đồng lớn, cơ giới hóa đồng bộ gắn với nâng cao năng lực chế biến sau thu hoạch và phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Truyền thông Tầm Nhìn hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm chế biến gạo cho HTX mang thương hiệu “Gạo an toàn An Bình 1”. Qua đó, đã giúp đơn vị làm tốt thương hiệu gạo, tạo đầu ra ổn định.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành

Trước thực trạng giá phân bón và thuốc BVTV tăng cao, gây khó khăn cho nông dân canh tác lúa ở ĐBSCL, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương trong vùng hiện đang đẩy mạnh thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo xuất khẩu, tập trung ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với các quy trình như “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”, áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa như ướt - khô xen kẽ, nông lộ phơi...

Dự án VnSAT hỗ trợ nhiều thiết bị máy móc, giúp cải thiện hạ tầng và nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dự án VnSAT hỗ trợ nhiều thiết bị máy móc, giúp cải thiện hạ tầng và nâng cao năng lực cho các HTX nông nghiệp ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đồng thời, chú trọng giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ. Trước đây, theo tập quán cũ nông dân gieo từ 150 - 200 kg giống/ha, nay đã giảm còn 100 – 120 kg/ha. Từ việc giảm lượng giống lúa gieo sạ, đã giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư về giống, phân bón và thuốc BVTV khoảng 2 – 3 triệu đồng/ha/vụ tùy từng vùng sản xuất.

Việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng trên 75% đã giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng, chí phí sản xuất giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Theo số liệu công bố của Sở Tài chính An Giang, giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2021 tại tỉnh là 4.197 đồng/kg và vụ thu đông là 4.017 đồng/kg. Trong đó, giá thành sản xuất chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ giá phân bón. Do đó, trong vụ đông xuân 2022, giá vật tư nông nghiệp tiếp tục tăng cao thì giá thành sản xuất/kg lúa cũng sẽ tăng theo.

Vụ đông xuân 2021 - 2022, An Giang có 230 nghìn ha lúa. Thời điểm xuống giống vụ đông xuân ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19 và giá vật tư nông nghiệp tăng cao, gây áp lực lớn cho nông dân. Vì vậy ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật để khuyến cáo nông dân giảm chi phí đầu tư nhằm đảm bảo có lợi nhuận.

Trước nhất là giảm các yếu tố đầu vào có tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất bao gồm chi phí phân bón, thuốc BVTV, giống và chi phí thu hoạch bằng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến hiện nay như áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc và bón phân

'3 giảm, 3 tăng' và '1 phải, 5 giảm' là biện pháp tối ưu để giảm chi phí trong canh tác lúa. Ảnh: Văn Vũ.

“3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” là biện pháp tối ưu để giảm chi phí trong canh tác lúa. Ảnh: Văn Vũ.

Đặc biệt, Dự án VnSAT cũng đã kịp thời tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng chương trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” để khuyến khích nông dân giảm giốn; giảm phân bón, thuốc BVTV; áp dụng tưới nước tiết kiệm, khởi động lại chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp để sử dụng hiệu quả phân bón trong bối cảnh giá phân bón tăng cao. 

Bên cạnh đó, khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ để giảm áp lực lên nhu cầu phân bón vô cơ trong nước. Tuyên truyền mạnh mẽ vai trò của việc tưới ngập - khô xen kẽ giúp lúa ít bị đổ ngã và dễ dàng cho khâu thu hoạch, tiết kiệm chi phí thu hoạch và vận chuyển.

Dự án VnSAT cũng hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng và đưa công nghệ 4.0 trong sản xuất lúa, giúp giảm chi phí thuốc BVTV, đảm bảo chất lượng lúa phục vụ trong nước và xuất khẩu.

“Mong muốn của ngành nông nghiệp An Giang là phải tận dụng tối đa các biện pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa để giảm giá thành sản xuất hiệu quả nhất trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Ngành nông nghiệp cũng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp nông dân sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập thể như tổ hợp tác, HTX và giảm dần sản xuất mang tính cá nhân. Chỉ có như vậy nông dân mới tiếp cận nhanh những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và giúp giảm chi phí đầu tư từ 20 - 25%” ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết.

Xem thêm
Cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix

HÀ NỘI Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cái bắt tay lịch sử giữa De Heus, Hùng Nhơn và Olmix minh chứng cho câu chuyện hợp tác 'muốn đi xa phải đi cùng nhau'.

Gà đồi Phú Bình nức tiếng nhờ chăn nuôi an toàn sinh học

THÁI NGUYÊN Nhắc đến gà đồi Phú Bình là nhắc đến thương hiệu gà đẹp mã, khỏe mạnh, thịt rắn chắc, thơm ngon, trứng có tỷ lệ lòng đỏ cao.

Khuyến nông cộng đồng kết nối phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững

HẬU GIANG Khuyến nông cộng đồng là lực lượng nòng cốt, đồng thời là cánh tay đặc lực kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững.

Bình luận mới nhất