| Hotline: 0983.970.780

19 tỉnh thành phía Nam hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thứ Ba 27/07/2021 , 19:56 (GMT+7)

19 tỉnh thành phía Nam đã chủ động tổ chức triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, hỗ trợ người lao động cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đối với những người dân phải giãn cách xã hội thời gian dài, cần có giải pháp tăng cường hỗ trợ. Ảnh: Bích Ngân.

Đối với những người dân phải giãn cách xã hội thời gian dài, cần có giải pháp tăng cường hỗ trợ. Ảnh: Bích Ngân.

Tại Hội nghị giao ban Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho rằng chủng virus Delta tuy rất nguy hiểm nhưng các địa phương không nên mất tinh thần.

"Với kinh nghiệm chống dịch tích lũy từ năm 2020 và kinh nghiệm học hỏi từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương thì chắc chắn các tỉnh phía Nam cũng có thể dập dịch thành công", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Hồi cho rằng vấn đề hiện nay là phải tìm ra được giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. 19 tỉnh đang phải giãn cách xã hội, đặc biệt là TP. HCM cần phải học hỏi kinh nghiệm làm sao để kiểm soát tình hình, phục hồi sản xuất như Bắc Ninh và Bắc Giang.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị tăng cường trao đổi, thảo luận hướng đến mục tiêu đầu tiên là chống dịch, thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Mặc dù đang phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng 19 tỉnh thành phía Nam đã rất chủ động tổ chức triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, triển khai gói an sinh xã hội cho người lao động cũng như các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sau 2 tuần, 19 tỉnh đều ban hành kế hoạch và triển khai cơ bản 2 gói hỗ trợ cho người lao động tự do, miễn giảm đóng góp cho các doanh nghiệp về các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 32 khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai đang bị suy giảm việc làm từ 600.000 lao động xuống còn 130.000 lao động. Chỉ 1.000 doanh nghiệp thực hiện được “3 tại chỗ” mới duy trì được việc làm cho người lao động. Qua đó có thể thấy vấn đề an sinh xã hội đang suy giảm rất nhanh và cần có giải pháp khắc phục kịp thời.

Mục tiêu đầu tiên của các tỉnh thành phía Nam là chống dịch, thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Ảnh: Nguyễn Nga.

Mục tiêu đầu tiên của các tỉnh thành phía Nam là chống dịch, thứ hai là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Ảnh: Nguyễn Nga.

Trước đó, Sở LĐ-TB&XH TP. HCM đã báo cáo với UBND TP. HCM về đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (người lao động tự do) bị mất việc làm, gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM.

Theo đó, tiêu chí đối tượng được đề xuất hỗ trợ là người lao động tự do, vốn đa phần là người lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, làm việc thuộc khu vực kinh tế phi chính thức, có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, thường không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội.

Ngoài ra, người lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập hoặc không có thu nhập trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cũng nằm trong đối tượng được đề xuất.

Những người được nhận hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo thành phố trong thời gian giãn cách xã hội; cư trú hợp pháp tại địa phương (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú, được cơ quan công an xác nhận).

Đồng thời, người nhận hỗ trợ làm trong 6 nhóm công việc, gồm: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Bán lẻ vé số lưu động; Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); Làm việc tại một số địa điểm phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TP. HCM ngày 30/5 (như tại các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc, trung tâm nhà hàng tiệc cưới; tại các di tích, bảo tàng; phố đi bộ, công viên...).

Sở LĐ-TB&XH TP. HCM đề xuất mức hỗ trợ một lần là 1 triệu đồng/người. Người lao động thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được nhận 1 lần hỗ trợ.

"Hiện nay nhiều người lao động bị thất nghiệp đang muốn trở về quê. Chúng ta nên có những giải pháp hỗ trợ họ. Việc người dân tự đi về quê sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn; dư luận xã hội và công tác phòng chống dịch. Về vấn đề mai táng cho người dân, chúng ta cần xây dựng kế hoạch, kịch bản tổng thể. Chúng ta phải có sự chuẩn bị, đi trước một bước, tránh để bị động.", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi.

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.