Tự hào truyền thống
Từ hàng nghìn năm lịch sử, vấn đề xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai đã được các triều vua phong kiến chăm lo để khai khẩn đất hoang. Đặc biệt, sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân “vượt nắng, thắng mưa”, ra sức chỉnh trị các dòng sông, đắp đập, xây hồ, đào kênh dẫn nước để khai khẩn đất hoang, tăng gia sản xuất.
Tháng 9/1955, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá I thành lập Bộ Thủy lợi tách ra từ Bộ Giao thông Công chính, trong Bộ Thủy lợi có Cục Công trình Thủy lợi. Sau đó, Cục Công trình Thủy lợi đổi tên thành Cục Kiến thiết xây dựng, Cục Xây dựng cơ bản.
Nhiều hệ thống công trình thủy lợi mới được đầu tư xây dựng, như hệ thống 6 trạm bơm Nam Hà, hồ Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên), hồ Cấm Sơn (tỉnh Bắc Giang), hồ Đồng Mô (tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội) hồ Sông Mực, Núi Một (tỉnh Thanh Hóa), kênh tiêu Vách Bắc (tỉnh Nghệ An), Hồ Trung Thuần (tỉnh Quảng Bình).
Bên cạnh đó ngành thủy lợi xây dựng những công trình vừa làm nhiệm vụ phát điện, vừa giải quyết nước tưới, tiêu úng, chống lũ cho đồng bằng Bắc bộ.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ năm 1976, Cục Xây dựng cơ bản đổi tên thành Vụ Xây dựng cơ bản. Trong giai đoạn này, Vụ đã tham mưu giúp Bộ thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, củng cố và xây dựng mới nhiều công trình thuỷ lợi lớn. Trong đó phải kể đến hệ thống công trình Thạch Nham ở tỉnh Quảng Ngãi (Năm 1985), hồ Sông Quao tỉnh Bình Thuận (năm 1988); hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng (năm 1982) và đặc biệt hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh năm 1981), công trình có dung tích chứa lớn nhất Việt Nam với gần 1,6 tỷ mét khối nước để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và chống xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu…
Tháng 11/1995, khi sáp nhập 3 Bộ (Nông nghiệp, Thủy lợi, Lâm nghiệp), Vụ Xây dựng cơ bản đổi tên tên là Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản với nhiệm vụ chính tham mưu giúp Bộ quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành NN-PTNT trên phạm vi cả nước (gồm công trình thủy lợi, công trình nông nghiệp, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, diêm nghiệp).
Thành công nhất trong giai đoạn 1976 – 2003 là ngành thủy lợi không chỉ đầu tư được nhiều công trình hồ chứa, trạm bơm lớn ở miền Bắc và miền Trung mà đã cải tạo chua phèn, biến ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Nhờ tư duy phát triển thủy lợi và hạ tầng phục vụ sản xuất lúa, Việt Nam từ quốc gia đói ăn, phải nhập khẩu lương thực đã trở thành cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới.
Tuy nhiên, bước sang giai đoạn mới, hòa nhập với nền kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới, Đảng, Nhà nước chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp để từng bước phá thế “độc canh cây lúa”, chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn quả, cây lâu năm giá trị kinh tế cao và phát triển nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, xây dựng các mô hình canh tác đa tầng, đa giá trị.
Vụ Đầu tư xây dựng cơ bản được tổ chức lại thành Cục Quản lý Xây dựng công trình theo Quyết định số 95/2003/QĐ-BNN-TCCB của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT ngày 04/9/2023 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Quản lý xây dựng công trình.
Hiện nay, chức năng của Cục là tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, diêm nghiệp và phát triển nông thôn thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng. Đồng thời Cục cũng là cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ NN-PTNT đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn trên phạm vi cả nước.
Góp phần dựng xây những công trình kì vĩ, phục vụ đa mục tiêu
Thật khó có thể thống kê đầy đủ những công trình mà Cục đã quản lý đầu tư trong suốt 20 năm qua, nhưng chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, cả nước đã hình thành thêm những công trình thủy lợi chuyển dịch sang hướng đa mục tiêu như Bản Lải (Lạng Sơn), hồ Bản Mồng (Nghệ An), hồ Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), cống âu thuyền Ninh Quới tại Bạc Liêu và đặc biệt là sự thay đổi trong tư duy kiểm soát triều, kiểm soát mặn, ngọt, lợ phục vụ sản xuất. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được coi là "siêu cống” lớn nhất Việt Nam.
Tiếp nối thành quả, kế thừa kinh nghiệm từ giai đoạn trước cùng với những học hỏi và đầu tư các công nghệ hiện đại tiên tiến trên cả nước, Cục đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT xây dựng hàng trăm công trình thủy lợi, góp phần điều tiết nguồn nước, cắt lũ và chống hạn cho vùng hạ du.
Đến nay có trên 300 dự án công trình thủy lợi trên phạm vi cả nước và trên 200 dự án công trình nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, diêm nghiệp và phát triển nông thôn đã hoàn thành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo ở nhiều địa phương. Đặc biệt, thông qua đầu tư xây dựng các dự án trong lĩnh vực thủy lợi giai đoạn 2016 – 2020, dung tích hồ chứa tăng thêm gần 1,400 tỷ m3; diện tích tưới tăng thêm khoảng 80.500ha; tạo nguồn, nâng cao năng lực tưới khoảng 319.000ha; nâng cao năng lực tiêu khoảng 402.500ha; kiểm soát mặn, giữ ngọt cho khoảng 1,1 triệu ha; cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, dịch vụ, mang lại niềm vui cho người dân khắp mọi miền đất nước.
Để có được thành quả đó, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động của Cục không ngừng đổi mới sáng tạo, chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản lý hành chính phục vụ, gắn kết với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của Bộ để xây dựng được 148 tiêu chuẩn TCVN; 04 quy chuẩn quốc gia QCVN; 22 định mức kinh tế kỹ thuật... Qua đó, đã áp dụng nhiều giải pháp về kết cấu công trình, công nghệ xây dựng và vật liệu mới để giảm chi phí, nâng cao chất lượng công trình xây dựng. Xây dựng được 850 bộ mã định mức dự toán dựa trên các định mức kinh tế, kỹ thuật chuyên ngành phù hợp với nhu cầu thực tế.
Trong công tác quản lý xây dựng công trình, Cục luôn chú trọng đến thiết kế mỹ thuật các công trình. Điển hình là nhiều loại đập được xây dựng như: đập tràn hình zích-zắc Phước Hòa; đập tràn hình phím đàn Piano (đập Văn Phong); đập đá đổ bản mặt bê tông (Cửa Đạt); hàng loạt đập ứng dụng bê tông đầm lăn (Đồng Mít, đập hồ chứa nước Sông Cái (hệ thống thủy lợi Tân Mỹ), Bản Lải...)... Bộ NN-PTNT cũng là cơ quan đầu tiên của Chính phủ ban hành tiêu chuẩn sử dụng tro bay trong bê tông khối lớn cho công trình thủy lợi.
Đặc biệt, việc chuyển đổi tư duy đầu tư hệ thống kênh sang hệ thống dẫn nước đã thúc đẩy áp dụng hàng loạt công nghệ mới, như công nghệ đường ống thép cỡ lớn, đường ống cốt sợi thủy tinh, đường ống HDPE để luân chuyển nước qua các địa hình phức tạp như đồi núi, sườn dốc…
Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là công trình đầu tiên của Việt Nam được đầu tư hệ thống dẫn nước bằng ống kín để phục vụ tưới cho vùng hạ du, có thể chuyển nước qua nhiều địa hình phức tập đến các vùng khô hạn như Cam Ranh (Khánh Hòa). Đến nay, đã có khoảng 20 công trình áp dụng mô hình này trên cả.
Vững bước tương lai
Hiện nay, nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước. Thứ nhất, hầu hết vị trí thuận lợi để xây dựng các hồ chứa nước đã được đầu tư xây dựng. Do đó, để đảm bảo nguồn nước cho các vùng miền, cần thay đổi từ tư duy đầu tư các công trình, hệ thống thủy lợi đơn lập sang tư duy đầu tư công trình chuyển nước lưu vực thông qua đường ống. Đồng thời tạo các hồ chứa nước nhân tạo dọc đường ống với các quy mô khác nhau để nâng cao hiệu quả trữ nước.
Thứ hai, nhiều hệ thống sông đang bị hạ thấp lòng dẫn, sạt lở. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các giải pháp đầu tư chỉnh trị các con sông, chống xói lở, gây bồi, bảo vệ bờ sông, dịch chuyển dòng chủ lưu...
Thứ ba, với tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh, nhiều diện tích đất nông nghiệp được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp và các khu - cụm công nghiệp, do đó cần đầu tư để phát triển các hệ thống tiêu cho khu dân cư, khu công nghiệp.
Thứ tư, cần đầu tư khép kín, hoàn chỉnh hệ thống công trình thuỷ lợi; hoàn thành sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, chưa đủ khả năng thoát lũ theo thiết kế; nâng dung tích trữ nước các hồ chứa hiện hữu; đầu tư các công trình giải quyết ô nhiễm nguồn nước trong các hệ thống thủy lợi...
Nhân dịp Kỷ niệm 20 năm thành lập, Cục Quản lý Xây dựng công trình vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Sự ghi nhận, động viên khích lệ của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ NN-PTNT, cùng sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp là động lực, là hành trang vững chắc để Cục Quản lý Xây dựng công trình vượt qua khó khăn, thử thách, vững bước trong tương lai.