Ngày 21/11, tại Sóc Trăng, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), phối hợp với Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tổ chức tọa đàm “Chia sẻ và học hỏi về xây dựng và phổ biến thông tin dịch vụ khí hậu trong nông nghiệp tại Việt Nam”. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến AMD - Hợp phần 3 của CGIAR.
Một trong những mục tiêu chính của chương trình là giới thiệu bản tin thời tiết nông vụ - một dịch vụ khí hậu công do CIAT và Cục Trồng trọt đồng phát triển và đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật.
Bản tin thời tiết nông vụ được khởi xướng và thí điểm tại các địa phương vùng ĐBSCL từ năm 2020. Quá trình sản xuất bản tin có sự tham gia đóng góp của các chuyên gia nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, nhân viên khí tượng thủy văn và dựa trên những phản hồi của người nông dân.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh, dịch vụ khí hậu là một đổi mới quan trọng trong ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh bà con nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị nông nghiệp đang gặp phải những khó khăn do thay đổi thời tiết, khí hậu.
Thông qua các thông tin dự báo về thời tiết và khuyến cáo về thời hạn mùa, cảnh báo sớm thiên tai, sâu bệnh, dự đoán thời tiết… đã giúp bà con nông dân đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất và cải thiện thu nhập.
Tính đến tháng 10/2024, bản tin thời tiết nông vụ đã tiếp cận hơn 291.000 nông dân tại 71 huyện và 714 xã ở ĐBSCL, thông qua nhiều kênh khác nhau như truyền thông số, loa truyền thanh, áp phích và ứng dụng Zalo. Đặc biệt, trên 219 hợp tác xã đã tham gia chia sẻ, phổ biến bản tin.
Một kết quả khảo sát trong nông dân do nhóm dự án thực hiện cho thấy, trên 90% nông dân tham khảo thông tin từ bản tin thời tiết nông vụ và 72% nông dân điều chỉnh chăm sóc cây trồng sau khi sử dụng bản tin.
Ngoài ra, thông qua việc sử dụng bản tin thời tiết nông vụ vào sản xuất nông nghiệp, 73 - 82% nông dân giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; 63 - 86% nông dân giảm sử dụng phân bón. Đặc biệt, 44 - 85% nông dân tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất cây trồng.
Tuy nhiên, theo ông Kees Swaans, Trưởng nhóm Hành động Khí hậu khu vực châu Á của CIAT, việc phát triển và sử dụng dịch vụ khí hậu số tại Việt Nam vẫn gặp một số thách thức.
Báo cáo gần đây của CIAT cho thấy, mức độ sử dụng các ứng dụng nông nghiệp của người nông dân còn thấp, bà con còn ngần ngại khi đưa ra các quyết định canh tác dựa trên thông tin trực tuyến.
Ngoài ra, việc phát triển dịch vụ khí hậu cũng đang đối mặt với những trở ngại như thiếu dữ liệu nông học về chất lượng đất, thiệt hại thiên tai và dự báo thị trường…
Do đó, thông qua việc giới thiệu bản tin thời tiết nông vụ và trao đổi kinh nghiệm với các nhà cung cấp dịch vụ khác, ông Kees Swaans mong muốn tạo ra các cơ hội hợp tác, góp phần nâng cao tính hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
AMD là sáng kiến về bảo vệ hệ thống lương thực tại các vùng đồng bằng lớn châu Á, giúp đảm bảo sinh kế và thích ứng với khí hậu. Đồng thời hỗ trợ các vùng đồng bằng có khả năng phục hồi một cách toàn diện và hiệu quả.
Hợp phần 3 của Sáng kiến AMD là “Giảm thiểu rủi ro chuỗi giá trị hướng đến đồng bằng” nhằm mục đích giảm rủi ro khí hậu giữa các hộ sản xuất nhỏ và tạo điều kiện đầu tư vào chuỗi giá trị, thông qua các dịch vụ bổ sung và tư vấn khí hậu kỹ thuật số (DCAS+).