| Hotline: 0983.970.780

2020 là năm bản lề hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp

Thứ Sáu 10/01/2020 , 10:22 (GMT+7)

Ngày 10/1, tại Phú Thọ, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Kế hoạch hành động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị, năm 2020 lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cần tiếp tục đổi mới, hoạt động có trọng điểm, trọng tâm, có điểm nhấn.


100% xã nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí ATTP

Hội nghị nhằm đánh giá các kết quả đã đạt được, nhận diện rõ các tồn tại, hạn chế của năm 2019, các khó khăn thách thức trong năm 2020 để thống nhất triển khai kế hoạch ngay từ đầu năm.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2019 ngành nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do xâm nhập mặn, dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động và chỉ đạo kịp thời, thường xuyên, sát sao, ngành nông nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 41 tỷ USD.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2019 hàng loạt Luật, Nghị định trong lĩnh vực nông nghiệp chính thức được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu hiệu lực từ đầu năm 2020 với những chế tài xử phạt rất nghiêm minh, răn đe trong lĩnh vực ATTP. Do đó, năm 2020 được coi là năm bản lề quan trọng để hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, qua đó từng bước đưa ATTP đi vào quy củ, ổn định, bền vững.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, năm 2020 vẫn còn rất nhiều thách thức về quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi khiến mặt hàng thịt lợn thiếu nên đây là lĩnh vực mà các cơ quan, ban ngành phải chú ý và tăng cường quản lý trong năm 2020.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đa phần quy mô vẫn còn nhỏ, chủ yếu là nông dân, hạ tầng còn kém, chế biến sâu còn yếu, đây chính là hạn chế khiến nông sản Việt chưa hội nhập được sâu rộng với thế giới. Do đó, Thứ trưởng Tiến đề nghị năm 2020 cần được coi là năm bản lề để thực hiện các kế hoạch, chiến lược, đề án bài bản trong lĩnh vực ATTP xuyên suốt cho các năm tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), tính đến nay cả nước đã có 1.950 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tương đương với diện tích 38,6 nghìn ha cây trồng, tăng gấp đôi diện tích giai đoạn 2016. Với chăn nuôi là 11.521 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP, tăng 1,6 lần giai đoạn 2016. Với thủy sản, có 624 vùng/cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 5.174 ha, tăng gấp ba diện tích giai đoạn 2016.

Năm 2019 cũng có 11 khu/vùng nông nghiệp và 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, 59 tỉnh, thành phê duyệt Đề án/Kế hoạch OCOP trong đó 12 tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận 604 sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, trong tổng số 4.806 xã (54%) đạt chuẩn NTM,100% các xã NTM đều đạt tiêu chí “Tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP”.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 1.514 chuỗi (tăng 418 chuỗi so với năm 2018), 2.381 sản phẩm (tăng 955 sản phẩm so với năm 2018) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi (tăng 93 địa điểm so với năm 2018) với sự tham gia của một số tập đoàn lớn (Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà....).

Cục trưởng Nafiqad Nguyễn Như Tiệp cho biết, hiện chế tài xử phạt trong lĩnh vực ATTP đã rất cao và nghiêm minh, lên tới cả trăm triệu đồng.


Phấn đấu cơ sở xếp loại A, B tăng lên 98% năm 2020

Trong năm 2019, trước yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường thông qua việc ban hành các quy định nhập khẩu mới, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát ATTP tương đương với Hoa Kỳ để được tiếp tục xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này.

Bộ cũng chỉ đạo quyết liệt các biện pháp tháo gỡ thẻ vàng duy trì xuất khẩu thủy sản sang EU. Tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản tại các thị trường EU, Philippine, Hồng Kông, Ba Lan,... đồng thời tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo phổ biến quy định mới, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc.

Kết quả, Việt Nam đã xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc, gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga. Có 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ.

Trong năm 2019, Việt Nam cũng mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới như: xuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc; thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông... đưa kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD (tăng 3,5% so với 2018) đến 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với kết quả đạt được năm 2019, năm 2020 Nafiqad tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, ATTP. Giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Hội nghị có sự tham dự của trên100 đại biểu đến từ các địa phương và doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Cụ thể, kết quả và chỉ số cần đạt năm 2020 là 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo đúng kế hoạch và chỉ đạo đột xuất của Bộ, Chính phủ. 100% nhiệm vụ kế hoạch của Bộ về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được thực hiện.

Tỷ lệ các cơ cở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại A, B tăng lên 98% so với 97% năm 2019, xếp loại C được nâng hạng A/B tăng lên 90% so với 86% năm 2019. Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 75% so với 65% năm 2019. Tỷ lệ sản phẩm thực phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao, đang có nhiều bức xúc về ATTP được kiểm soát ATTP theo chuỗi đạt 50%.

Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản giám sát trên diện rộng vi phạm qui định về ô nhiễm sinh học, tạp chất, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh giảm 10% so với năm 2019.

Năm 2019, toàn ngành nông nghiệp đã thanh, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 4.701 cơ sở/67.080 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản (chiếm 7%, giảm so với 7,3% năm 2018 do các doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn các quy định về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm) với tổng số tiền phạt tương đương năm 2018 (33 tỷ đồng, bình quân 7,02 triệu/cơ sở vi phạm).

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Trồng cây nêu ngày Tết, 5 người bị bỏng nặng do điện giật

HUẾ 5 người đang tiến hành trồng cây nêu ngày Tết không may sơ ý vướng phải nguồn điện dẫn đến bị bỏng nặng.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất