| Hotline: 0983.970.780

Đảm bảo an toàn thực phẩm cuối năm

Thứ Tư 18/12/2019 , 15:21 (GMT+7)

Những tháng cuối năm, tỉnh Hà Nam đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) ra thị trường.

Xử phạt nhiều cơ sở vi phạm

Ông Trương Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, Chi cục thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở Công thương, Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường thanh, kiểm tra các cơ sở SX, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản và nhiều mặt hàng khác.

nh105513194
Lực lượng chức năng kiểm tra các cơ sở SX, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, đơn vị đã xử lý các hành vi vi phạm về an ATTP bằng hình thức phạt tiền 7 cơ sở. Tổng số tiền xử phạt hành chính 25.500.000 đồng. Đồng thời, cử 2 cán bộ tham gia 2 đoàn liên ngành 01 và 03 do Sở Y tế và Sở Công thương chủ trì, kết quả thanh kiểm tra được 46 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 7 cơ sở có dấu hiệu vi phạm, tổng số tiền nộp kho bạc 38.000.000 đồng.

Cùng với đó, đoàn kiểm tra của Chi cục đã kiểm tra, xếp loại được 162 cơ sở sản SX, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó 6 cơ sở xếp loại A (đạt 3,7%), 156 cơ sở xếp loại B (đạt 96,3%).

Theo ông Hưng, bên cạnh việc thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch, khi tiếp nhận thông tin cơ sở có dấu hiệu vi phạm ATTP trong quá trình SX chế biến kinh doanh nông sản thực phẩm, Chi cục đã phối hợp với lực lượng chức năng các cấp tiến hành kiểm tra đột xuất ngay các cơ sở này không kể thời gian ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ tết.

Đến thời điểm hiện tại, Chi cục đã kiểm tra đột xuất 12 cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Xử lý vi phạm hành chính 11 cơ sở. Tổng số tiền phạt nộp vào nhà nước 110.750.000 đồng.

“Thời gian qua, cơ sở SX giò chả Hoàng Văn Hùng (xã Liêm Tuyền, TP. Phủ Lý) liên tục có dấu hiệu vi phạm hình sự, đơn vị đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật”, ông Hưng thông tin.

Cũng theo ông Hưng, thực hiện công tác lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu về ATTP, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã lấy 1.037 mẫu trong đó có 958 mẫu đạt chiếm tỷ lệ 92,8% (test nhanh 920 mẫu có 874 mẫu đạt; gửi Labo 117 mẫu có 101 mẫu đạt).

Còn lại là số lượng mẫu không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Sản phẩm rau, quả vẫn còn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và có hàn the trong giò, chả.
 

Siết chặt quản lý

Ngoài nhiệm vụ thanh kiểm tra, xử phạt các sơ sở, Chi cục Chất lượng NLTS Hà Nam cũng thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tới người tiêu dùng những cơ sở SX, kinh doanh đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh. Và, đăng, công bố những cơ sở vi phạm, không đảm bảo ATTP trên Cổng thông tin của Sở NN-PTNT Hà Nam.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã cấp 96 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện SX, kinh doanh thực phẩm an toàn, tập huấn xác nhận kiến thức cho hơn 950 người trực tiếp và gián tiếp SX, kinh doanh nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Chi cục cũng tổ chức các lớp tập huấn, treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền tới người dân về công tác quản lý ATTP. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng, công bố rộng rãi tại các xã, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề như tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Hướng dẫn lựa chọn thực phẩm an toàn trong dịp lễ, tết…

Ông Hưng nhấn mạnh, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở đã tuân thủ nghiêm túc quy định của Nhà nước về đảm bảo ATTP trong SX, kinh doanh. Nhận thức của chủ cơ sở và người lao động về ATTP đã được chuyển biến.

Tuy nhiên, một số đối tượng vì lợi nhuận trước mắt, lạm dụng các chất chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng trong SX, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Hoặc, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trà trộn sản phẩm an toàn và sản phẩm trôi nổi tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP.

Ông Hưng cho hay, để đảm bảo ATTP trong, trước và sau các dịp lễ, tết, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường, rà soát các cơ sở SX, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản và nhiều mặt hàng khác.

“Trong quá trình thanh, kiểm tra, nếu cơ sở nào tiếp tục tái phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng thì nhất quyết đơn vị rút giấy phép, cấm hoạt động trở lại, đồng thời nhắc nhở, xử phạt hành chính những cơ sở vi phạm lần đầu”, ông Hưng khẳng định.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.