| Hotline: 0983.970.780

224 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam

Thứ Sáu 16/12/2022 , 16:04 (GMT+7)

TP.HCM Số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Giai đoạn 2005-2010 (25 vụ), 2011-2015 (52); 2016-2021 (109), đến tháng 10/2022 (224 vụ).

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Thông tin trên được ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về các vụ việc đã xử lý phòng vệ thương mại do Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương tổ chức ngày 16/12.

Theo ông Trung, năm 2022, trong bối cảnh xung đột thương mại, chính trị giữa một số quốc gia; chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải tăng cao; chính sách tiền tệ có sự thay đổi; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các FTA đưa mức thuế nhập khẩu ưu đãi xuống thấp, nhiều dòng thuế ở mức 0%... đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về phòng vệ thương mại.

“Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Hoạt động của một số ngành sản xuất trong nước có sự biến động dẫn đến việc cần xem xét khả năng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Gia tăng các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam”, ông Trung cho hay.

Đối với hoạt động nhập khẩu, Bộ Công Thương không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới nhưng dựa trên kết quả điều tra theo quy định pháp luật đã quyết định áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại, ngừng áp dụng 2 biện pháp phòng vệ thương mại và tiến hành rà soát việc áp dụng 7 biện pháp phòng vệ thương mại khác.

"Tất cả những hoạt động này đều được tiến hành dựa trên nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến của tất cả các bên, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật như là phù hợp với các cam kết quốc tế mà chúng ta đang tham gia", ông Trung cho hay.

Ông Trung cho biết thêm, các nền kinh tế xuất khẩu lớn càng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại. Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua và trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 20 trên thế giới. Số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, giai đoạn 2005-2010 là 25 vụ, thì đến giai đoạn 2011-2015 tăng lên 52 vụ và giai đoạn 2016-2021 là 109 vụ. Đến tháng 10/2022, có tổng 224 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Riêng 11 tháng đầu năm 2022, các nước đã tiến hành điều tra 16 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng.

“Việt Nam đã xử lý đạt kết quả tích cực trong nhiều vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp như mặt hàng tôm, cá tra - basa, mật ong, một số sản phẩm thép..., góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada…”, ông Trung thông tin.

Về công tác điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam trong năm 2022, ông Trung cho hay, tháng 5/2022, Việt Nam chấm dứt áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ. Tháng 8/2022, Việt Nam đã áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm vật liệu hàn; tiếp tục áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm thép hình chữ H. Tháng 9/2022, Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bàn ghế nội thất và chấm dứt áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón DAP/MAP.

“Công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam trong thời gian qua đã được đẩy mạnh cả về phạm vi, quy mô, mức độ và đạt được kết quả tích cực, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không công bằng, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới", Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương Chu Thắng Trung khẳng định.

Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như đường mía, phân bón, sắt thép, sợi...

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.