Cần giải pháp căn cơ cho ngành gỗ trước vụ kiện phòng vệ thương mại. Hải Phòng định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Giá tôm giảm dù xuất khẩu tăng gần 50%. Nông dân gặp khó khăn do công thu hái hồ tiêu cao.
CẦN GIẢI PHÁP CĂN CƠ CHO NGÀNH GỖ TRƯỚC VỤ KIỆN PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
Ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những thành tích ấn tượng. Năm vừa qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta, đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020. Ngoài ra, ngành gỗ cũng mang lại thặng dư xuất khẩu đứng thứ 3 trong những năm gần đây, đóng góp nguồn ngoại tệ quan trọng cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam.Tuy nhiên, trong nội tại của ngành vẫn còn những cản trở, yếu kém có thể thấy rõ thông qua việc nhiều nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ. Mới đây, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã công bố 4 sản phẩm gỗ của nước ta có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại tại MỹĐể nhận diện rõ những khó khăn và có giải pháp khắc phục hoàn thiện Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cùng các hiệp hội và doanh nghiệp trong ngành gỗ đã có cuộc họp tham vấn ý kiến để hoàn thiện báo cáo “Ngành gỗ Việt Nam: vấn đề và các giải pháp đảm bảo định hướng chiến lược đến 2030” trước khi trình lên Chính phủ.
HẢI PHÒNG ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG
Theo kế hoạch cơ cấu lại nền nông nghiệp Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân đạt 1,1%/năm, tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 0,93%/năm vào năm 2025.Tỷ lệ diện tích trồng trọt được ứng dụng công nghệ tiên tiến công nghệ cao đạt 62,4%. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 200.000 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác chiếm 60%; sản lượng nuôi trồng chiếm 40%.Do đó, “Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững”, được coi là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được đầu tư tương xứng, để xây dựng Hải Phòng phát triển cân bằng giữa nông thôn với thành thị, xây dựng nền nông nghiệp bền vững theo hướng sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân tri thức văn minh - xứng tầm với xu thế toàn cầu.
GIÁ TÔM GIẢM DÙ XUẤT KHẨU TĂNG GẦN 50%
Hiện nay nhiều hộ nuôi tôm nhỏ lẻ ở địa phương tại ĐBSCL chưa tái vụ vì chi phí đầu vào như: thức ăn, thuốc... tăng cao, trong khi giá tôm thương phẩm lại sụt giảm đáng kể.Cụ thể, tôm sú còn thở oxy có giá khoảng 220.000 đồng/kg, tôm thẻ loại 30 con/kg có giá khoảng 155.000 đồng/kg, loại 40 con/kg là 140.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu vụ thu hoạch, giá tôm sú giảm từ 30.000 - 50.000 đồng/kg; tôm thẻ giảm khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg.Tuy vậy, trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm của nước ta vẫn đạt gần 560 triệu USD, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Tạo ra nghịch lý lớn trong ngành, nếu không có giải pháp khắc phục, có khả năng tình trạng thiếu hụt nguồn cung xuất khẩu tôm sẽ diễn ra trong quý II tới.
NÔNG DÂN GẶP KHÓ KHĂN DO CÔNG THU HÁI HỒ TIÊU CAO
Với mức thu mua hồ tiêu hiện tại trong khoảng 77.500 - 80.000 đồng/kg, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cảnh báo, nông dân khó lòng có lợi nhuận khi chi phí nhân công tính theo ngày dao động ở mức rất cao từ 220.000 - 250.000 đồng, tính theo khoán từ 3.000-4.000 đồng/kg tiêu tươiChưa kể giá phân bón, xăng dầu,… cũng tăng chóng mặt từ khi căng thẳng Nga – Ukranie xảy ra.Mặc dù giá thuê cao hơn mọi năm nhưng tại Tây Nguyên và Nam Bộ vẫn xảy ra tình trạng thiếu công. Điều này khiến bà con vô cùng lo lắng khi lượng tiêu đã chín nếu không được thu hái kịp sẽ ảnh hưởng đến vụ tiêu năm sau.