| Hotline: 0983.970.780

24 mỏ cát không đáp ứng đủ nhu cầu dự án cao tốc Cần Thơ-Cà Mau

Thứ Sáu 03/02/2023 , 08:03 (GMT+7)

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần 18,5 triệu m3 cát, nhưng công suất khai thác mỏ cát ở ĐBSCL chỉ đạt 6,17 triệu m3/năm, chưa đáp ứng nhu cầu.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km. Bao gồm 3 tuyến cao tốc trục dọc dài 575km; 3 tuyến cao tốc trục ngang dài 591km, trong đó, có tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111km.

Ảnh 1

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, tại Dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Bộ Giao thông - Vận Tải (Bộ GT-VT) ước tính, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho các Dự án đường cao tốc ở khu vực ĐBSCL triển khai giai đoạn 2021 - 2025 rất lớn, với khoảng 47,81 triệu m3. Cơ bản các địa phương đã có kế hoạch bố trí đủ nguồn vật liệu cát đắp nền đối với các dự án do địa phương là cơ quan chủ quản.

Riêng với Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3. Cụ thể, năm 2023 dự án cần khoảng 11,1 triệu m3 cát và 7,4 triệu m3 trong năm 2024.

Theo Bộ GTVT, hiện tổng công suất khai thác 24 mỏ cát ở khu vực ĐBSCL đạt khoảng 6,17 triệu m3/năm. Nếu tăng công suất khai thác các mỏ cát này thêm 50% trong 2 năm, theo Nghị quyết 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ, tức tăng thêm khoảng 6,17 triệu m3. Như vậy, dành 100% phần cát khai thác tăng thêm này cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Hơn nữa, thực tế hầu hết các mỏ cát sử dụng cho Dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng được tiến độ thi công. Hiện nay duy nhất tỉnh An Giang dự kiến cung cấp khoảng 1,1 triệu m3 cát từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác. Các địa phương khác hiện nay chưa có kế hoạch phân bổ.

Ảnh 2

Tổng công suất khai thác ở 24 mỏ cát trong khu vực ĐBSCL đạt khoảng 6,17 triệu m3/năm. Nếu tăng công suất khai thác các mỏ cát này thêm 50% trong 2 năm và dành 100% phần cát khai thác tăng thêm này cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, báo cáo của đơn vị tư vấn và các địa phương vùng ĐBSCL cho thấy, tổng trữ lượng các mỏ cát trong quy hoạch khoảng 215,58 triệu m3, tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Thế nhưng, do nằm ở khu vực hạ lưu sông Tiền và sông Hậu, dẫn đến chất lượng các mỏ cát ở tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng bị kém, lẫn tạp chất, hàm lượng bùn sét lớn.

Hiện nay, Bộ TN-MT đang xây dựng Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL”. Dự kiến, cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc.

Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm trong vùng ĐBSCL, Bộ GT-VT đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long ưu tiên nguồn vật liệu cát cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau. Đồng thời, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoàn thiện các thủ tục mở mỏ cát mới, cấp cho các nhà thầu thi công dự án trong tháng 2 này để có thể khai thác, cung cấp phục vụ thi công.

Trong thời gian chờ đợi hoàn tất các thủ tục khai thác các mỏ cát mới, Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Sở, ngành liên quan của địa phương thực hiện tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác để cung cấp cho dự án.

Song song đó, Bộ GT-VT cũng đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL rà soát, nâng công suất các mỏ đã cấp phép khai thác theo Nghị định 18; rà soát các khu vực chưa cấp phép để bổ sung nguồn vật liệu san lấp cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà mau đoạn qua địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Việc phân bổ nguồn vật liệu cát cho các dự án cần căn cứ nhu cầu và tiến độ triển khai, theo nguyên tắc dự án nào khởi công trước, ưu tiên phân bổ trước.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài 110,873km, đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố gồm TP Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Với 4 gói thầu xây lắp gồm 1 gói thầu Cần Thơ - Hậu Giang và 3 gói thầu Hậu Giang - Cà Mau.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Đồng Xoài sẽ là đô thị 'hiện đại, sinh thái, thông minh'

Đó là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng, Chính quyền tỉnh Bình Phước tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước (26/12/1974 - 26/12/2024).