| Hotline: 0983.970.780

Nơi chúng tôi đến

30 năm miệt mài 'thay áo mới' cho ruộng đồng

Thứ Tư 19/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Năm 2012, có dịp về để thăm lại cây mía ở Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định), tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự 'lột xác' của cánh đồng mía...

Cánh đồng lớn 100ha sản xuất lúa giống

Trước năm 1996, xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã hình thành 2 HTX nông nghiệp. Thế nhưng hoạt động của các HTX nông nghiệp ở Nhơn Thọ khi ấy “có cũng như không”, chẳng giúp gì được cho nông dân trong sản xuất. Năm 1998, UBND xã Nhơn Thọ quyết định vực dậy hoạt động của các HTX nông nghiệp nên cử cán bộ xã về đứng chân địa bàn. Lứa cán bộ trẻ về phụ trách các HTX nông nghiệp khi ấy như lọt thỏm vào mớ bòng bong, rối rắm tứ bề.

HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ thu hoạch dưa lê vỏ vàng. Ảnh: V.Đ.T.

HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ thu hoạch dưa lê vỏ vàng. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX nông ngiệp II Nhơn Thọ nhớ lại: Đơn vị ông về đứng chân là HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ có hơn 500ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 300ha canh tác cây lúa và khoảng 200ha canh tác chủ yếu cây mía và một ít diện tích trồng rau màu. Lúc ấy, nông dân còn sản xuất 3 vụ lúa/năm, năng suất rất bấp bênh, lúa vụ 3 ít khi nông dân được hưởng vì thường bị mưa lũ “ăn hớt” mất, năng suất bình quân chỉ đạt hơn 30 tạ/ha.

Khi ấy bà con còn canh tác theo tập quán cũ, mật độ gieo sạ lên đến 14 - 15kg giống/sào (500m2), lúa thương phẩm được lấy làm lúa giống. Trước thực tế này, điều HTX thực hiện đầu tiên là thay đổi tập quán sản xuất của bà con.

"Chúng tôi vào Viện Lúa ĐBSCL, lúc ấy TS Bùi Bá Bổng (nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) là Viện trưởng, được TS Bổng cho gần 20kg bộ giống lúa Ô Môn để mang về sản xuất khảo nghiệm. Những giống lúa nói trên được chúng tôi chọn ra 2 giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, từ đó tập quán về mật độ sạ dày của bà con được cải thiện. Tới nay, bà con chỉ gieo sạ 5 - 6kg giống/sào”, ông Phạm Văn Tân kể.

Vùng rau an toàn canh tác theo hướng VietGAP của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ. Ảnh: V.Đ.T.

Vùng rau an toàn canh tác theo hướng VietGAP của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ. Ảnh: V.Đ.T.

Tiếp đến, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ xây dựng nhiều mô hình trình diễn chuyển giao kỹ thuật sạ giống thay cho cấy mạ như trước đây. Sau đó, HTX đầu tư mua máy kéo sạ hàng cho bà con mượn sử dụng để vừa cải thiện mật độ sạ, vừa thuận lợi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Càng về sau, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ càng ứng dụng mạnh cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu gieo sạ đến thu hoạch. Hiện HTX đang hợp đồng với Tập đoàn Lộc Trời phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái để giảm sử dụng lao động.

Từ năm 2009, để nâng cao thu nhập cho nông dân, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ đã liên kết với 2 tập đoàn lớn về giống cây trồng là ThaiBinh Seed và Vinaseed xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa giống. Mỗi năm 2 vụ, HTX sản xuất gần 200ha lúa giống. Mô hình này đã nâng cao thu nhập cho nông dân vì lúa giống được các doanh nghiệp bao tiêu với phương thức thu mua 1kg lúa giống trả tiền bằng 1,3kg lúa thương phẩm.

“Hiện nay, năng suất lúa của HTX đạt bình quân 71 tạ/ha, riêng diện tích sản xuất giống đạt đến 75 tạ/ha. Từ năm 2009 đến nay, HTX tiêu thụ của nông dân gần 10.000 tấn lúa giống, phần chênh lệch nông dân được hưởng lên tới cả tỷ đồng. Thời gian tới, HTX sẽ liên kết chặt chẽ hơn với ThaiBinh Seed và Vinaseed, quy hoạch vùng để tăng diện tích sản xuất lúa giống. Năm 2023, HTX được tỉnh hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa giống với diện tích ít nhất 100ha, dự án này được thực hiện trong năm 2024. Phấn đấu trong thời gian tới, HTX sẽ tiêu thụ 50% sản lượng lúa của bà con”, ông Phạm Văn Tân chia sẻ.

Diện tích sản xuất lúa giống của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ đạt năng suất 75 tạ/ha. Ảnh: V.Đ.T.

Diện tích sản xuất lúa giống của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ đạt năng suất 75 tạ/ha. Ảnh: V.Đ.T.

Hành trình dài tìm cây trồng mới

Không chỉ xóa được tập quán canh tác xưa cũ và chuyển giao quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất lúa, thời gian qua, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ còn chuyển đổi hiệu quả gần 200ha đất trồng mía cho thu nhập kém. Cánh đồng Gò Me trước đây là cánh đồng mía mênh mông, bây giờ thay vào đó là bát ngát ruộng sen và những mô hình sản xuất rau quả an toàn theo hướng VietGAP có giá trị kinh tế cao.

Trong ký ức của ông Phạm Văn Tân vẫn còn nguyên hình ảnh èo uột của cây mía Nhơn Thọ thời ấy. Khi ấy, cây mía ở Nhơn Thọ được bà con trồng các giống địa phương, trồng xong phó mặc cho trời chứ chẳng màng chăm sóc. Đến thời điểm thu hoạch, các “ông che” trong làng bắt đầu được lũ bò kéo rầm rập để ép mía, bên cạnh đó là những chảo nấu đường sôi sùng sục. Cây mía trồng lên chủ yếu phục vụ cho việc nấu đường thủ công.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX nông ngiệp II Nhơn Thọ giới thiệu vùng rau an toàn tại cánh đồng Gò Me. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX nông ngiệp II Nhơn Thọ giới thiệu vùng rau an toàn tại cánh đồng Gò Me. Ảnh: V.Đ.T.

Khi trên địa bàn huyện Tây Sơn mọc lên Nhà máy đường Bình Định, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ lập tức chuyển đổi giống để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía. Những giống cũ kém chất lượng được loại bỏ, thay vào đó là giống mới K84-200 cho năng suất, chất lượng cao. Càng về sau, nhiều giống mía mới vừa chịu hạn vừa cho năng suất vượt trội liên tục được đưa vào thay thế.

Năm 2012, tôi có dịp về cánh đồng Gò Me để thăm lại cây mía Nhơn Thọ. Khi ấy, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự “đổi đời” của cánh đồng mía. Được tỉnh giao thực hiện dự án Cạnh tranh nông nghiệp, từ nguồn hỗ trợ của dự án, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ đã xây dựng bài bản hạ tầng vùng mía. Con đường nội đồng dài 2,5km được bê tông kiên cố dẫn đến tận đồng mía. Đến kỳ thu hoạch, xe tải bon bon vào cánh đồng Gò Me để vận chuyển mía.

Ngoài ra, HTX còn xây dựng được trên 2km kênh mương nội đồng phục vụ nước tưới cho cây mía, nhờ đó năng suất mía tăng lên rõ rệt. Cũng từ nguồn dự án Cạnh tranh nông nghiệp, nông dân được hỗ trợ vốn mua giống mía, phân bón, máy móc thiết bị, đặc biệt HTX sắm được hơn 10 máy cày lớn để phục vụ làm đất cho cánh đồng mía.

Khách du lịch trải nghiệm ruộng sen của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ. Ảnh: V.Đ.T.

Khách du lịch trải nghiệm ruộng sen của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ. Ảnh: V.Đ.T.

Khi cây mía lên ngôi, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ thuê hơn 6ha đất dự phòng của UBND xã để xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất mía, sau đó trở thành vùng sản xuất giống mía để cung ứng cho Nhà máy đường Bình Định.

Được chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, gần 200ha mía của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ trở thành vùng nguyên liệu chính của Nhà máy đường Bình Định. Khi ấy thu nhập từ cây mía được đánh giá cho cao hơn nhiều so với các cây trồng khác.

Năm 2018, Nhà máy đường Bình Định dừng hoạt động, theo đó, cây mía bị thất sủng. Không để nông dân “chết” theo cây mía, HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ lập tức ký hợp đồng bán mía cho Nhà máy đường An Khê (Gia Lai). Từ đó, vùng mía Nhơn Thọ được nhà máy tập trung đầu tư cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng đến thu hoạch để giảm chi phí đầu vào cho cây mía. Thế nhưng do cự ly vận chuyển quá xa nên cây mía giảm hiệu quả, HTX phải chuyển từ sản xuất mía sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn.

“Khi bắt đầu chuyển đổi đất mía, chúng tôi hướng dẫn nông dân trồng cỏ Seedmix cung cấp cho Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn). Trồng loại cỏ này đầu tư lớn mà lợi nhuận chẳng bao nhiêu, lúc này diện tích hàng trăm ha đất lại trở nên hoang phí. Sau đó bà con chuyển sang trồng mì (sắn), nhưng cây mì cũng chẳng lời lãi gì mà còn làm suy thoái đất. Khi ấy HTX mới xây dựng phương án sản xuất các loại rau quả an toàn theo hướng VietGAP”, ông Phạm Văn Tân chia sẻ.

HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ sơ chế hạt sen. Ảnh: V.Đ.T.

HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ sơ chế hạt sen. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Tân, diện tích sản xuất rau quả VietGAP ban đầu của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ khoảng 3,4ha, riêng dưa lê vỏ vàng của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Càng về sau, diện tích rau quả VietGAP càng được nhân rộng, đến nay đã tăng lên hơn 10ha. Hiện HTX đã xây dựng được nhà sơ chế rau quả và các thiết bị sơ chế như máy sấy, máy sục rửa để phục vụ vùng rau an toàn.

“Sản phẩm rau quả của HTX nông nghiệp II Nhơn Thọ được Hội Nông dân Bình Định đánh giá đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, dự thi các HTX tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức đạt giải A. HTX được tỉnh Bình Định chọn là một trong 5 HTX thực hiện đề án HTX kiểu mới giai đoạn 2021 - 2025, chúng tôi chọn hướng đi sản xuất các sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch trải nghiệm. Hiện HTX có vùng sen 1ha vừa để phục vụ du lịch vừa thu hoạch hạt sen sơ chế ra thành phẩm đưa ra thị trường và chế biến nhiều sản phẩm khác. Năm 2024, HTX đăng ký OCOP 3 sao đối với sản phẩm sen…”, ông Pham Văn Tân chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi thay đổi để tồn tại: [Bài 4] Mỗi cơ sở chăn nuôi là một 'ốc đảo'

Thanh Hóa chủ trương giảm chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ trong khu dân cư, phát triển hợp lý các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung xa khu dân cư.

Nức tiếng vịt suối Tân Sơn

Tôi gốc Vân Đình, từ nhỏ đã biết chế biến các món từ vịt cỏ, lớn lên đi khắp nơi, ăn nhiều loại vịt nhưng vịt suối Tân Sơn vẫn ở một đẳng cấp khác.

Hà Nội đứng top đầu cả nước về công nghệ thông tin

Đó là nhận xét của lãnh đạo Bộ TT-TT tại hội nghị triển khai 'Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2025'

Bình luận mới nhất