Thông tin tại Hội nghị tư vấn hỗ trợ triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 ngày 23/6, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau hơn 2 năm bắt đầu triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”, công tác thú y bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Cụ thể, về công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp tại địa phương, đến hết tháng 5/2023, tổng cộng đã có 56 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai Đề án ngành Thú y.
Đã có 13/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các ngành nông nghiệp khác.
33/63 tỉnh, thành phố đã sáp nhập Trạm Thú y cấp huyện (trực thuộc Chi cục cấp tỉnh) với các ngành nông nghiệp khác và chuyển thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp/Phòng kinh tế do UBND cấp huyện quản lý.
1 tỉnh đã thành lập lại Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cấp tỉnh; 5 tỉnh đã thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y/ Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cấp huyện; 9 tỉnh đã có đề án thành lập lại Trạm Chăn nuôi Thú y/Trạm Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cấp huyện.
Cả nước có hơn 16.000 người làm công tác thú y tại các địa phương, bao gồm: hơn 3.000 người làm tại các cơ quan thú y cấp tỉnh, hơn 4.000 người làm tại các cơ quan thú y cấp huyện và hơn 9.000 nhân viên thú y cấp xã.
Đặc biệt, thời gian qua ngành thú y đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Cụ thể về tình hình dịch bệnh năm 2022 so với năm 2021, số ổ dịch Cúm gia cầm giảm 60%, số gia cầm bị dịch phải tiêu hủy giảm hơn 78%; số động vật mắc bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) giảm trên 75%; đặc biệt số ổ dịch VDNC giảm gần 95% và số gia súc mắc bệnh giảm gần 99%; số ổ dịch DTLCP giảm 60%, số lợn bị phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm gần 80%; số tỉnh bị dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) giảm 55,55%, số ổ dịch giảm 79,77%, số gia súc mắc bệnh giảm 83,26%; không để tái phát bệnh trên cá (IHNV trên cá hồi, bệnh VNN trên cá biển, bệnh do TiLV trên cá rô phi...) và một số bệnh trên tôm hùm, ngao nghêu…
Đã có 2.230 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Trong đó có các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với nhiều loài động vật, nhiều bệnh, bao gồm: 922 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.133 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 175 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác.
Về công tác kiểm dịch, hiện nay, ngành thú y đang tiến hành rà soát thực trạng công tác kiểm dịch vận chuyển lưu thông trong nước, công tác kiểm soát vận chuyển tại các trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông. Hiện nay, cả nước có tổng cộng 60 Trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông tại 30 tỉnh, thành phố.
Về hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, đối với cơ sở dữ liệu kiểm dịch xuất nhập khẩu, Cục Thú y đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm dịch xuất nhập khẩu trên cơ sở dữ liệu nhập thủ công và dữ liệu trích xuất từ hệ thống hải quan một cửa. Dự kiến đầu tháng 7/2023 sẽ chạy thử nghiệm phần mềm trên môi trường mạng. Dự kiến phần mềm sẽ giúp cán bộ rút ngắn 90% thời gian nhập số liệu, hạn chế tối đa việc nhập nhầm thông tin.
Trong công tác quản lý thuốc thú y, hằng năm, Cục Thú y đều rà soát, cập nhật Danh mục thuốc thú y đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam để đăng lên website Cục.
Hiện Cục cũng đang hoàn thiện phần mềm về quản lý thuốc thú y để công bố, cập nhật Danh mục thuốc thú y tại Việt Nam; báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y trong từng thời kỳ phục vụ quản lý, điều hành. Dự kiến trong quý II/2023 sẽ đưa phần mềm vào hoạt động chính thức.
Năm 2021, Cục đã tổ chức lấy 2.450 mẫu giám sát kháng thuốc trên gà và lợn đối với vi khuẩn Ecoli, Salmonella cho 19 loại kháng sinh tại 15 tỉnh, thành phố. Năm 2022, Cục tổ chức lấy 2.004 mẫu giám sát kháng thuốc trên gà và lợn đối với vi khuẩn Ecoli, Salmonella và Campylobacter cho 19 loại kháng sinh tại 10 tỉnh, thành phố với sự hỗ trợ của Quỹ Fleming Fund, Vương quốc Anh.
Hiện nay dự thảo “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030” đã được hoàn thiện và chuẩn bị được Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt, triển khai.
Để tổ chức triển khai thành công, đạt kết quả và đạt mục tiêu của Đề án ngành Thú y, giai đoạn 2021 - 2030, tại Hội nghị, Bộ NN-PTNT đề nghị các tổ chức quốc tế, các nước và các nhà tài trợ xem xét hỗ trợ cả về kỹ thuật, chuyên gia và kinh phí để triển khai một số nhiệm vụ như: Hỗ trợ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp; Hỗ trợ nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh động vật; Hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, quản lý an toàn thực phẩm đối với động vật và sản phẩm có nguồn gốc động vật; Nâng cao năng lực quản lý thuốc thú y; Hỗ trợ tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật; Hỗ trợ nâng cao năng lực nghiên cứu thú y.