| Hotline: 0983.970.780

Phối hợp với FAO đánh thức tiềm năng ngành chăn nuôi trong nước

Thứ Năm 22/06/2023 , 16:14 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đồng ý với đại diện của FAO về việc triển khai, tổ chức thực hiện các sáng kiến phát triển chăn nuôi bền vững thời gian tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ NN-PTNT tiếp đoàn công tác của FAO. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo các đơn vị của Bộ NN-PTNT tiếp đoàn công tác của FAO. Ảnh: Bảo Thắng.

Tăng cường hợp tác Nam - Nam

Sáng 22/6, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Vụ Hợp tác quốc tế cùng một số đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tiếp đoàn lãnh đạo cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Tại buổi gặp, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO Thanawat Tiensin đánh giá cao sự phát triển cũng như kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh. Ông coi Việt Nam là tấm gương tiêu biểu trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm thời gian qua.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Tiensin cùng Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam Remi Nono Womdim mong muốn thúc đẩy đầu tư và hợp tác phát triển trong lĩnh vực chăn nuôi. Phía FAO cho biết, bên cạnh nguồn vốn, những dự án hợp tác còn giúp Việt Nam hưởng lợi từ kinh nghiệm và công nghệ.

"Xu hướng chăn nuôi tại châu Âu đang trên đà giảm, trong khi châu Á, châu Phi duy trì được đà tăng trưởng. Dự báo, sản lượng chăn nuôi ở khu vực này sẽ tăng 20% trong thời gian tới", ông Tiensin chia sẻ.

Để đánh thức tiềm năng ngành chăn nuôi của châu Á, châu Phi, bao gồm Việt Nam, Giám đốc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO đã phối hợp Bộ NN-PTNT, với đầu mối là Cục Thú y để tổ chức Hội nghị tư vấn quốc tế hỗ trợ triển khai Đề án ngành Thú y vào sáng 23/6.

FAO nhìn nhận, hội nghị sẽ mở ra không gian phát triển mới giữa họ và Bộ NN-PTNT, đặc biệt trong vấn đề chuyển đổi, phát triển bền vững ngành chăn nuôi. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và FAO thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn đẩy mạnh hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và FAO thời gian tới. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Thanawat Tiensin đồng thời chia sẻ một số sáng kiến, cách tiếp cận mới của FAO trong hợp tác Nam - Nam. Theo đó, vào đầu tháng 6/2023, FAO và Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển sản xuất lúa gạo ở Sierra Leone. Dự án có ngân sách ước tính 5 triệu USD và được thực hiện thông qua Quỹ ủy thác đơn phương (UTF) từ quốc gia châu Phi.

Trong thời gian 4 năm thực hiện dự án, Việt Nam sẽ cung cấp kiến thức chuyên môn về phát triển chuỗi giá trị lúa gạo cho Sierra Leone. Các chuyên gia và kỹ thuật viên chuyên ngành lúa gạo, thủy lợi, giống, cơ giới hóa và quản lý sau thu hoạch sẽ được triển khai đến nhiều địa điểm, bao gồm cả các trạm nghiên cứu.

Ngoài ra, các sáng kiến xây dựng năng lực như tham quan học tập, đào tạo thực địa và đào tạo giảng viên sẽ được Việt Nam triển khai để trao quyền cho các bên liên quan tại địa phương.

Tiến tới hội nghị toàn cầu vào tháng 9

Chia sẻ quan điểm của FAO, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trong khoảng 5 - 6 năm vừa qua, ngành chăn nuôi Việt Nam duy trì đà tăng trưởng và hiện đóng góp hơn 25% vào GDP nông nghiệp. Cùng với thủy sản, lĩnh vực này còn dư địa rất lớn.

Cùng với định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Việt Nam chủ trương chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ sang quy mô trang trại lớn, đồng thời mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài như C.P. của Thái Lan, Japfa của Indonesia, nhằm kiến tạo động lực phát triển mới cho chăn nuôi.

Tại Đại hội đồng lần thứ 90 của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) vừa tổ chức tại Paris vào cuối tháng 3/2023, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến các mối quan của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay, gồm cách tiếp cận một sức khỏe và vấn đề kháng kháng sinh trên đàn vật nuôi. 

Cảm ơn FAO đã phối hợp, tài trợ cho Bộ NN-PTNT tổ chức thành công Hội nghị Lương thực thực phẩm toàn cầu hồi tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ: "Chúng tôi coi các chuyên gia, cán bộ cấp cao của FAO như đồng nghiệp thuộc Bộ. Sự tích cực, hỗ trợ và đồng hành của FAO luôn rất nhanh chóng. Nhờ đó, Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt đối tác và cộng đồng quốc tế".

Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác của FAO. Ảnh: Bảo Thắng.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác của FAO. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 28/3/2023, Thủ tướng ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Kế hoạch này được Bộ NN-PTNT chủ trì thực hiện. Ngoài ra, Bộ còn chủ trì và quản lý Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) và Mạng lưới đổi mới lương thực Việt Nam (FIHV) - hai sáng kiến hàng đầu tập trung vào việc liên kết và hỗ trợ các chủ thể trong lĩnh vực nông sản.

Thế mạnh của FAO là lương thực và thực phẩm. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, hai bên tiếp tục hợp tác, tăng cường thảo luận, trao đổi cấp kỹ thuật, đề ra kế hoạch hành động nhằm kêu gọi nguồn lực triển khai kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Cảm ơn sự tiếp đón của Thứ trưởng, FAO trân trọng mời lãnh đạo Bộ NN-PTNT tham dự Hội nghị Toàn cầu về Chuyển đổi chăn nuôi bền vững, dự kiến tổ chức tại trụ sở chính của FAO - Rome, Italia vào 25-27/9.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến vui vẻ nhận lời và sẵn sàng đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận tại các phiên kỹ thuật. Ông cũng giao Vụ Hợp tác quốc tế là kênh liên lạc để cập nhật nội dung kỹ thuật và hậu cần về việc này.

Tại Việt Nam, Trung tâm Khẩn cấp về các bệnh động vật xuyên biên giới (ECTAD) thuộc FAO là cơ quan phối hợp chính với Bộ NN-PTNT trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y. Cùng với Phòng thí nghiệm chính sách chăn nuôi thuộc Ban Chăn nuôi và Thú y FAO, ECTAD hợp tác với Bộ NN-PTNT để phát triển năng lực phân tích và thực hiện chính sách, hướng tới nền chăn nuôi bền vững, giàu tính cạnh tranh.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.