| Hotline: 0983.970.780

Bóc trần mạng lưới cung cấp vacxin, thuốc thú y lậu

Thứ Tư 21/06/2023 , 16:09 (GMT+7)

Mạng lưới cung ứng vacxin, thuốc thú y lậu giống như ‘thế giới ngầm’, phạm vi rộng khắp, nhiều đối tượng với đủ loại mánh khóe, chiêu trò qua mặt lực lượng chức năng.

1.

Đầu năm 2022, tôi quyết định xóa sạch thông tin cá nhân trên Zalo để đăng tải loạt hình ảnh, dòng trạng thái về hoạt động chăn gà, nuôi lợn. Bạn bè tôi khá sững sờ. Có người còn đặt mua vài con gà quê để thưởng thức. Đó cũng là thời điểm tôi khởi động hành trình điều tra vấn nạn mua bán vacxin, thuốc thú y, kháng sinh nguyên liệu nhập lậu trên thị trường.

Trước đó, người cung cấp nguồn tin cho tôi dặn kỹ, nếu không thể hóa thân thành dân thú y chuyên nghiệp, tôi phải nhập vai thành người chăn nuôi chính hiệu. Chỉ một trong hai thân phận ấy mới có thể gia nhập các hội nhóm kín từ vài nghìn đến vài chục nghìn thành viên để trao đổi, mua bán vacxin lậu. Đồng thời tiếp cận các đối tượng để ghi hình, thu thập tang vật làm bằng chứng.

Cận cảnh một cơ sở cung ứng vịt giống tiêm kháng thể phòng bệnh rụt mỏ vịt Sinder nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Phúc.

Cận cảnh một cơ sở cung ứng vịt giống tiêm kháng thể phòng bệnh rụt mỏ vịt Sinder nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Minh Phúc.

Ngoài chất giọng “nhà quê” lơ lớ đặc trưng của vùng Thạch Thất, Phúc Thọ, Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ) được hình thành từ nhỏ (mãi sau này, khi vào đại học mới luyện giọng phổ thông), tôi còn có lợi thế là cả bố và mẹ đều được đào tạo chuyên ngành thú y và kinh doanh thuốc thú y. Mãi sau này, khi tôi học năm nhất Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mẹ tôi mới chuyển sang nghề khác.

Ngày trước, tôi học lỏm được từ mẹ khá nhiều bài thuốc đặc trị bệnh thường gặp trên gia súc, gia cầm. 10 năm làm việc tại Báo Nông nghiệp Việt Nam cũng giúp tôi tích lũy được vốn kiến thức không nhỏ về các loại vacxin, thuốc thú y, đặc biệt là hệ thống thuật ngữ chuyên ngành. Đó là lợi thế, giúp tôi tự tin hơn để đối mặt “bài kiểm tra” xác minh thân phận của các đối tượng buôn bán vacxin lậu.

Tuy nhiên, điểm bất lợi cũng không ít. Khi biết tôi nhập vai điều tra, một đồng nghiệp của tôi dọa: “Nhìn mặt ông thư sinh thế, chưa kịp giới thiệu là người nuôi gà thì đã lộ, còn mua bán vacxin lậu nỗi gì”.

Phóng viên Minh Phúc tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng.

Phóng viên Minh Phúc tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng.

Để bản thân trở nên bụi bặm, giống như những lần nhập vai trước đó để thực hiện các loạt bài điều tra về “tim lợn đông lạnh siêu bẩn” tại các chợ đầu mối tại thủ đô Hà Nội; “Rợn tóc gáy” công nghệ chế mỡ bẩn; thâm nhập hàng loạt thủ phủ hàng rởm;... tôi nuôi mái tóc xoăn rễ tre xõa kín trán, râu ria cả tuần không cạo tỉa và tích cực phơi nắng cho da ngả màu. Khi khoác lên người chiếc áo cũ rích và quần bò chằng chịt vết xước, tôi tin chắc nếu đeo khẩu trang, bạn thân của tôi cũng khó nhận ra.

2.

Với ngoại hình đó, tôi phóng xe máy lân la đến các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm của Hà Nội như Ba Vì, Ứng Hòa (Hà Nội) để... mua vacxin lậu. Đó cũng là tựa đề trong bài viết đầu tiên của loạt bài điều tra “Tràn lan thuốc thú y lậu (Bài 1): Tôi đi mua vacxin lậu".

Hàng loạt cảnh tiêm phòng vacxin không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ tiếng Việt, trên bao bì in chữ Trung Quốc lọt vào ống kính camera của phóng viên.

Hàng loạt cảnh tiêm phòng vacxin không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn phụ tiếng Việt, trên bao bì in chữ Trung Quốc lọt vào ống kính camera của phóng viên.

Tất nhiên, trước khi bài viết này khởi đăng, suốt hơn 2 tháng nhập vai điều tra, tôi đã thu thập được hàng chục loại vacxin nhập lậu được mua bán trên thị trường như: Cúm gia cầm chủng A/H5N1, H7N9, E.coli - bại huyết, cầu trùng, rụt mỏ vịt, tembusu trên vịt... (các mẫu vật này sau đó được phóng viên cung cấp cho cơ quan chức năng như: Cục Thú y, Cục An ninh Kinh tế, Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Thuốc thú y Việt Nam, đề nghị các đơn vị này phối hợp, xác minh thông tin).

Một số loại vacxin nhập lậu gồm: cúm gia cầm; cầu trùng, rụt mỏ vịt... được phóng viên thu thập trong quá trình điều tra.

Một số loại vacxin nhập lậu gồm: cúm gia cầm; cầu trùng, rụt mỏ vịt... được phóng viên thu thập trong quá trình điều tra.

Những đối tượng kinh doanh, chủ trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất, cung ứng giống mua bán, sử dụng vacxin, thuốc thú y, kháng sinh nguyên liệu trái phép tại Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội cũng đã được camera giấu kín của phóng viên ghi lại chân thực. Họ thừa nhận đó là vacxin nhập lậu từ Trung Quốc qua biên giới theo đường "xách tay”. Chứng kiến cận cảnh hàng nghìn con gà, vịt giống chỉ vài ngày tuổi bị tiêm vacxin không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng chất lượng, tôi thực sự bàng hoàng.

Thậm chí, tác giả còn có đầy đủ bằng chứng để dựng lên chân dung của “bà trùm” kinh doanh vacxin, kháng sinh nguyên liệu Trung Quốc P.K.A. Càng bất ngờ hơn khi nhân vật này từng công tác trong một cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tại địa phương. Với việc lập ra hàng loạt hội nhóm kinh doanh thuốc thú y có số lượng thành viên lên tới hàng nghìn đến vài chục nghìn người, P.K.A móc nối với các đại lý phân phối, nhân viên kinh doanh thuốc thú y và trang trại tại nhiều tỉnh, thành để đưa “thuốc lậu” đến tay người chăn nuôi.

Đặc biệt, ngay gần đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cách trụ sở của Cục Thú y không xa, chúng tôi vẫn có thể mua các loại kháng sinh nguyên liệu (theo quy định chỉ được phép sử dụng tại các nhà máy sản xuất thuốc thú y đạt tiêu chuẩn GMP, cấm bán trực tiếp cho người chăn nuôi với mục đích phòng, điều trị bệnh cho vật nuôi dưới mọi hình thức) đựng trong các hũ từ 1 - 5kg.

Nếu lạm dụng các hoạt chất kháng sinh để phối trộn trực tiếp vào thức ăn chăn nuôi hoặc nước uống phòng bệnh cho vật nuôi thường xuyên sẽ gây tồn dư kháng sinh trong thịt, trứng, sữa. Khi con người ăn phải lâu ngày có thể bị kháng kháng sinh đối với một số loại vi khuẩn. Đây là điều vô cùng nguy hiểm.

Chủ một cửa hàng thuốc thú y ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang bán 'vacxin Tàu' cho phóng viên.

Chủ một cửa hàng thuốc thú y ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang bán "vacxin Tàu" cho phóng viên.

Bên cạnh đó, tác giả còn phỏng vấn rất nhiều chuyên gia đầu ngành uy tín trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y – y tế trong nước và nước ngoài; lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Thanh tra Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp sản xuất vacxin, thuốc thú y uy tín và các cơ quan quản lý chuyên ngành tại địa phương để làm nổi bật vấn nạn mua bán, sử dụng vacxin, thuốc thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc

3.

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo vào khoảng năm 2050, mỗi năm kháng kháng sinh có thể cướp đi sinh mạng của 10 triệu người, tương đương với tần xuất cứ 3 giây lại có một người chết do vi khuẩn kháng thuốc, lớn hơn số bệnh nhân ung thư hiện nay. WHO cũng nhấn mạnh, “khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật”. “Rất nhiều hoạt chất kháng sinh được sử dụng chung để phòng và điều trị bệnh trên cả người và vật nuôi”.

Đặc biệt, việc sử dụng vacxin nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không được kiểm chứng chất lượng, không phù hợp với tình hình dịch tễ (lưu hành của các chủng virus gây bệnh) dẫn đến hiện tượng đột biến gen, hình thành các chủng virus mới ngày càng nguy hiểm khiến dịch bệnh bùng phát.

Ngành chăn nuôi nước ta đã trải qua những đại dịch lớn, đặc biệt là đại dịch cúm gia cầm với chủng cúm A/H5N1. Kể từ khi xuất hiện từ cuối năm 2013, Việt Nam đã có 106 trường hợp được xác định nhiễm cúm A.H5N1 trên người, trong đó 52 ca tử vong.

Các dịch hại nguy hiểm khác trên gia súc như Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả lợn châu Phi, Viêm da nổi cục… hàng năm gây thiệt hại cho người chăn nuôi hàng nghìn tỷ đồng.

Một đất nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thể không có nguồn thực phẩm an toàn. Bởi đây là yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam. Và muốn có ngành chăn nuôi an toàn sinh học thì việc kiểm soát vật tư, thuốc thú y đầu vào vô cùng quan trọng.

4.

Sau khi đọc bài viết đầu tiên trong loạt bài “Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu” (9 kỳ) ngày 20/5/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan lập tức chỉ đạo Cục trưởng Cục Thú y liên hệ và khẩn trương phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam; Chi cục Thú y các địa phương được phản ánh trong bài viết kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm Báo nêu và báo cáo Bộ.

Đồng thời, ngày 24/5/2022, Bộ NN-PTNT có văn bản số 3209/BNN-TY đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vacxin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Thanh tra Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội phát hiện, thu giữ nhiều lọ vacxin không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ nước ngoài tại một đại lý kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn huyện Ứng Hòa sau phản ánh của Báo NNVN.

Thanh tra Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hà Nội phát hiện, thu giữ nhiều lọ vacxin không rõ nguồn gốc, nhập lậu từ nước ngoài tại một đại lý kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn huyện Ứng Hòa sau phản ánh của Báo NNVN.

Theo đó, đối với những tổ chức, cá nhân buôn bán hàng lậu với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ NN-PTNT cần chuyển sang cơ quan điều tra, xử lý hình sự và truy tố trước pháp luật theo quy định của pháp luật. Bộ cũng giao Cục Thú y thành lập các đoàn công tác và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thú y từ Trung ương đến địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, buôn bán thuốc thú y theo quy định.

Cũng từ thông tin trong loạt bài “Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu”, từ ngày 23/5/2022 đến ngày 30/5/2022, Thanh tra Cục Thú y phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam; Chi cục Thú y Hà Nội; Thanh tra Sở NN-PTNT và các lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ hàng nghìn chai vacxin, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam tại các đại lý trên địa bàn huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

Chi cục Chăn nuôi – Thú y và thuỷ sản Bắc Ninh cũng lập đoàn kiểm tra và ra quyết định rút giấy phép hoạt động đối với Nhà phân phối Thuốc thú y – thuỷ sản – thức ăn chăn nuôi Kim Tuấn (địa chỉ tại xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) do Thạc sỹ P.K.A điều hành.

Tháng 7/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các đơn vị chức năng của huyện Chi Lăng phát hiện, thu giữ và tiêu hủy 320 đơn vị sản phẩm thuốc thú y nhập lậu, không đảm bao an toàn sử dụng.

Tiếp đến, UBND 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành văn bản yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường chỉ đạo công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc thú y thủy sản.

Đặc biệt, loạt bài điều tra cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc buông lỏng quản lý hoạt động mua bán, sử dụng thuốc thú y thời gian vừa qua do hệ thống thú y bị đứt gãy, thú y viên bị cắt phụ cấp hỗ trợ hoặc sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Sau loạt bài điều tra, Bộ NN-PTNT liên tục có các văn bản đề nghị các địa phương tổ chức kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y theo kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, nhiều địa phương đã kiện toàn lại hệ thống thú y cấp cơ sở.

Có thể khẳng định, loạt bài điều tra “Tràn lan vacxin, thuốc thú y lậu” đã góp phần thay đổi nhận thức về công tác quản lý mua bán, lưu hành, sử dụng thuốc thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Người chăn nuôi cũng hiểu rõ hơn về tác hại của việc sử dụng các loại vacxin, thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ để phòng bệnh cho vật nuôi, từ đó thay đổi nhận thức và hành động.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Gần 4.800 ca ngộ độc thực phẩm trong 11 tháng năm 2024

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 ca tử vong.