| Hotline: 0983.970.780

63 tỉnh, thành kết nối trực tuyến Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân

Thứ Bảy 30/12/2023 , 08:56 (GMT+7)

Dự kiến 300 đại biểu sẽ có mặt trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ, trong đó trên 70 nông dân tiêu biểu, đại diện cho hơn 10 triệu hội viên cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, công nhân viên tại nhà máy Doveco Sơn La hồi giữa năm 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi cán bộ, công nhân viên tại nhà máy Doveco Sơn La hồi giữa năm 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Vào chiều 30/12, Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân lần thứ năm được tổ chức, với chủ đề: "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Dự hội nghị có 300 đại biểu có mặt trực tiếp tại Văn phòng Chính phủ, trong đó trên 70 nông dân tiêu biểu, đại diện cho 10,2 triệu hội viên nông dân cả nước. Hội nghị năm nay cũng được kết nối trực tuyến tại điểm cầu của 63 địa phương, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị, cùng lãnh đạo các Bộ: NN-PTNT; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Tài chính; Tư pháp; Lao động - Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Y tế; Ngân hàng Nhà nước; Công an; Quốc phòng.

Ngoài ra, còn sự tham gia của lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Dân vận Trung ương; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân Việt Nam 2023 diễn ra ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46- NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng với yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới; Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028 cũng vừa kết thúc thành công, với bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá, Hội nghị chiều 30/12 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sự động viên, khuyến khích to lớn đối với cán bộ, hội viên nông dân cả nước.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân là hoạt động thường niên, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ NN-PTNT chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện. Ảnh: Bảo Thắng.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân là hoạt động thường niên, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ NN-PTNT chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ đầu năm 2023, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã lấy ý kiến rộng rãi tới toàn thể cán bộ, hội viên nông dân trên cả nước và nhận gần 2.000 đề xuất, nguyện vọng gửi gắm đến người đứng đầu Chính phủ. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, mong muốn Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ, đặc biệt các vấn đề liên quan tới kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.

Thứ hai, giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ ba, một số biện pháp hỗ trợ cụ thể thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp như trang bị thiết bị, hạ tầng mạng, viễn thông; đặc biệt là công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền.

Thứ tư, các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông dân, nhất là việc thực hiện các đề án về canh tác cà phê, sản xuất tôm theo chuỗi bền vững.

Thứ năm, quan tâm, tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn, nhất là ô nhiễm nguồn nước ở sông, kênh mương; tình trạng sử dụng thuốc BVTV; phát triển công nghiệp, làng nghề… để xây dựng nông thôn thực sự hiện đại, xanh và hình thành nhiều miền quê đáng sống.

Thứ sáu, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân như: việc làm tại chỗ sau khi dịch chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở khu công nghiệp...

Theo Ban Tổ chức, dự kiến có khoảng 20-30 ý kiến, vấn đề sẽ được đặt ra để đối thoại trực tiếp với Thủ tướng. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định các giải pháp, chỉ đạo tại hội nghị nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để người dân yên tâm sản xuất.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân là hoạt động thường niên, được tổ chức lần đầu vào 9/4/2018, tại tỉnh Hải Dương, với chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”.

Hội nghị lần hai được tổ chức tại Cần Thơ, vào 10/12/2019, với chủ đề: “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Hội nghị có 700 đại biểu tham dự, trong đó có 400 nông dân, với gần 1.500 câu hỏi được gửi tới Thủ tướng. 

Hội nghị lần ba được tổ chức tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, vào 28/9/2020, với chủ đề: “Cùng nỗ lực vượt thách thức, giữ vững đà tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Sau một năm gián đoạn vì Covid-19, Hội nghị lần thứ tư được tổ chức tại TP Sơn La vào 29/5/2022, với chủ đề: "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".  

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.