Giá thành và giá bán điện của EVN lâu nay vẫn được đưa ra "mổ xẻ", với nhiều ý kiến khác nhau
1. Rẻ nhất thế giới
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá điện ở nước ta hiện nay bình quân là 1.700 đ/KWh, tương đương 8 cents USD. Còn giá điện ở nước ngoài bình quân là 20 cents USD, nghĩa là giá điện Việt Nam rẻ hơn 2,5 lần thế giới.
Dĩ nhiên là người Việt Nam, ai cũng muốn mua được giá điện rẻ. Nhưng nếu phân tích trên thực tế, thì rõ ràng giá điện Việt Nam lẽ ra phải đắt hơn giá điện thế giới. Vì sao?
Đầu tiên, thiết bị chủ chốt của ngành điện Việt Nam (như turbin, máy phát, thiết bị tự động hóa, …) đều là hàng nhập khẩu, đắt hơn nhiều so với nước ngoài. Giá thiết bị cao hơn, dẫn đến giá điện Việt Nam buộc phải cao hơn.
Hơn nữa, trình độ quản lý của Việt Nam (quản lý thiết bị, quản lý kinh tế, quản lý vận hành …), đều kém xa nước ngoài, cũng là nguyên nhân khiến giá điện Việt Nam cao hơn.
Đặc biệt, tổn hao kỹ thuật và thất thoát quản lý của hệ thống điện năng Việt Nam đều cao hơn tổn hao và thất thoát của nước ngoài, cũng là lý do không thể chối cãi.
2. Quá rẻ so với mặt bằng giá hàng tiêu dùng
Mỗi lần giá điện, giá xăng tăng, dân chúng cũng như báo chí đều "giật mình". Nhưng thực tế bao nhiêu mặt hàng khác tăng giá thì không ai nói gì.
Khi EVN còn chưa minh bạch giá thành sản xuất điện “thật”, thì không có con số để so sánh giá điện Việt Nam hiện nay với mặt bằng giá hàng tiêu dùng.
Nhưng cũng có thể nhận xét như sau: 15 năm trở lại đây, mặt bằng giá hàng tiêu dùng ở nước ta (nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, lương...) đã tăng thêm từ 6 đến 7 lần, trong khi giá điện chỉ tăng 2 lần. Từ đây có thể suy ra giá điện hiện nay rẻ hơn so với mặt bằng giá hàng tiêu dùng ở Việt Nam từ 3 đến 3,5 lần.
3. Tù mù, không minh bạch
Đã có nhiều tiếng nói của giới khoa học, giới kinh tế, yêu cầu EVN phải minh bạch giá điện, nghĩa là EVN phải công khai phương pháp tính giá điện của mình.
Tính toán giá bán sản phẩm của mình là chuyện hàng ngày của người kinh doanh, từ cô bán ốc luộc ở vỉa hè, giá bao nhiêu một đĩa, đến đại tập đoàn sản xuất ô tô, giá bao nhiêu 1 chiếc ô tô. EVN cũng là một đơn vị kinh doanh, tất yếu phải thường xuyên tính giá bán sản phẩm.
Tại sao EVN lại bán sản phẩm của mình với giá rẻ hơn giá thực tới hơn 3 lần? Đó là bí mật của EVN. Đó cũng chính là lý do giải thích tại sao EVN không dám minh bạch giá thành sản xuất điện.
Chúng tôi đã nghiên cứu và thiết lập một Chương trình phần mềm tính toán giá điện tổng quát, có thể tính giá điện cho mỗi nước, mỗi địa phương, ở mọi thời điểm, tính đủ, tính đúng tất cả những yếu tố thành phần, tính theo thời giá của của các thành phần đó.
Chương trình này chính là luận văn Thạc sĩ, của Thạc sĩ Nguyễn Xuân Dương, đã được bảo vệ thành công vào tháng 10/2015 ở Hội đồng của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Dùng chương trình này, tính giá điện ở Việt Nam năm 2015 sẽ được kết quả là 5.600 đ/KWh, tương đương 25 cents USD/KWh.
4. Nhà nước bù tiền điện cho dân
Cả thế giới chỉ duy nhất ở Việt Nam có chuyện nhà nước bù tiền điện cho dân. Mọi người chúng ta đều tâm niệm rằng đó là ân huệ của nhà nước, thương dân, lo cho dân. Dân ta nói chung còn khổ, được bù tiền điện là rất mừng, rất cảm ơn.
Nhưng Bác Hồ dạy: "Cách mạng phải lo cho dân, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành", chứ Bác không dạy ai cũng phải được... bù tiền điện. Nếu chúng ta làm theo lời dạy của Bác thì phải lo bù giá gạo (cơm ăn), bù giá vải (áo mặc), bù học phí (học hành).
Còn nhiều thứ thiết yếu cho sự sống của người dân, như nước sạch, chỗ ở, thuốc, chữa bệnh, đi lại… bức xúc hơn nhiều so với điện, tại sao chúng ta không bù giá, bù tiền cho những thứ thiết yếu đó, mà lại đi bù cho điện, thứ hàng tiêu dùng cao cấp.
Xin nhớ rằng năm 1945 người Việt Nam không được dùng điện chiếm 95% dân số, năm 1954 là 90%, năm 1975 là 85%, cho đến hôm nay vẫn còn dăm ba % đồng bào chúng ta chưa được dùng điện. (Còn nữa)