| Hotline: 0983.970.780

8 "lỗ hổng" thị trường thuốc BVTV

Thứ Hai 23/09/2013 , 10:11 (GMT+7)

Việc thành lập các công ty thuốc BVTV quá dễ dãi. Mỗi công ty đều có thể dễ dàng tách làm nhiều công ty con...

(Khảo sát của PV NNVN từ chủ cửa hàng, đại lý, DN)

1. Việc thành lập các công ty thuốc BVTV quá dễ dãi. Mỗi công ty đều có thể dễ dàng tách làm nhiều công ty con. Ví dụ, theo nhiều đại lý, cao điểm Cty Hòa Bình có tới 9 công ty, Việt Trung có tới 6 công ty, ADC có 3 công ty… Từ 1 sản phẩm ban đầu nhưng mỗi công ty con lại đăng ký một tên thương hiệu khác nhau. Đấy là chưa kể một công ty nhập thuốc thành phẩm về có thể bán lại cho một vài công ty khác, và mỗi công ty cũng lại đăng ký một vài tên thương hiệu khác nhau. Ví dụ Việt Thắng nhập thuốc cỏ về có thể bán cho Hòa Bình, và nhiều công ty nhỏ lẻ khác. Do đó dù chỉ có một số sản phẩm nhất định nhưng trong danh sách đăng ký thì có trên 3.000 sản phẩm.

2. Hầu hết các công ty thuốc BVTV, ngoại trừ một số công ty lớn, đều đăng ký rất nhiều nồng độ khác nhau cho một sản phẩm. Mỗi nồng độ là một loại bao bì, ví dụ Aremec 18EC (nồng độ 18% hoạt chất) một bao bì, Aremec 36EC (36% hoạt chất) một bao bì, Aremec 45EC một bao bì khác. Tương tự New sodan 2.0, 4.0, 5.0, 5.3, 4.4 với 5 loại bao bì, Silsau 1.8EC, 3.6EC, 4EC, 4.3EC, 4.5EC, 4.7EC, 5EC, 5.3EC, 5.5EC, 6EC, 6.5EC, 8EC, 10WP với 13 loại bao bì khác nhau. Vô hình chung từ 1 sản phẩm công ty đăng ký với Cục BVTV được “hô biến” thành rất nhiều loại sản phẩm khác nhau.

Mỗi sản phẩm lại để cho 1 đại lý bán độc quyền và do đó đại lý định giá tùy thích và từ hơn 3.000 sản phẩm thuốc BVTV đăng ký tại Cục BVTV được các công ty cho biến thành rất nhiều nghìn sản phẩm (nhân lên theo số lượng các nồng độ được công ty đăng ký). Với số lượng như vậy đại lý bán hàng cũng không thể chọn lựa và phân biệt chất lượng chứ chưa nói đến nông dân. Điều đặc biệt hơn nữa là theo các đại lý bán hàng thì tuy bao bì khác nhau, nồng độ ghi trên bao bì khác nhau nhưng… chất lượng thì lại như nhau, đều ở mức trung bình kém và chỉ để đánh kèm. Thậm chí theo một số đại lý, có lần kiểm tra ở Hà Nội cơ quan chức năng kiểm tra bao bì gói Newsodan 5.0EC nhưng nồng độ thực chất chỉ 2.0EC.

 3. Như đã nói, có quá nhiều loại sản phẩm thuốc BVTV được đăng ký, hơn 3.000 loại, và nhiều nghìn loại bao bì trên thị trường với rất nhiều tên na ná nhau, bao bì cũng chỉ khác biệt tý chút làm cho nông dân không thể phân biệt. Ví dụ Factac, Antac, Fentac, Fortac, Fortox, Pytac, Supertac. Hay Amista top, Amyta Top, Athuoc Top. Các công ty làm hàng ăn theo chỉ cần đổi 1 ký tự trong tên sản phẩm thương hiệu, uy tín được nông dân ưa chuộng là đã có thể có sản phẩm nhái gần giống mà không lo vi phạm luật. Nông dân nghe nói Factac tốt hỏi mua Factac nhưng đại lý đưa Fentac hay Factax để lấy lãi lớn nông dân cũng chịu không thể phân biệt. Do có nhiều sản phẩm nên vụ này đại lý kinh doanh sản phẩm này, vụ sau có thể đổi sang sản phẩm khác. Bán kèm bán cộng đủ kiểu, 2-3 sản phẩm cho 1 đối tượng sâu bệnh, nông dân chưa kịp nhớ mình dùng sản phẩm gì thì vụ sau đã lại bị đại lý đổi qua sản phẩm khác. Hậu quả là hầu hết nông dân không thể nhớ mình đã dùng sản phẩm thuốc BVTV gì và phó thác hoàn toàn cho đại lý.

4. Việc đăng ký quá dễ dãi nên một số công ty đăng ký được quá nhiều tên sản phẩm, thay vì dùng để sản xuất các công ty này bán lại tên cho các công ty khác, ví dụ Cty A, B đăng ký rất nhiều sản phẩm và bán lại cho nhiều công ty. Các công ty này mua tên sản phẩm về cứ việc đàm phán với đối tác Trung Quốc để có sản phẩm với hoạt chất giống như tên mua về sau đó đóng gói với tên mua được là thành một sản phẩm mới. Do đó khi khảo nghiệm thuốc A là thuốc A, nhưng khi đến tay người dân thuốc A đã thành thuốc B hoặc thuốc C, bao bì, hoạt chất vẫn vậy nhưng ruột và phụ gia thì đã khác hoàn toàn.

5. Việc quản lý mẫu mã bao bì thuốc không chặt chẽ. Các công ty sau khi đăng ký một sản phẩm với rất nhiều nồng độ khác nhau đã bán độc quyền cho các đại lý. Mẫu mã bao bì do đại lý lựa chọn, muốn hình gì được hình nấy, chỉ cần đặt lượng và yêu cầu, chưa đầy một tháng đã có thể có sản phẩm với bao bì mình mong muốn. Năm nay có thể để trên bao bì hình quả vải, năm sau nếu thích có thể đổi sang bao bì hình quả nhãn.

6. Việc quản lý thông tin về đối tượng phòng trừ được khảo nghiệm và đăng ký trên bao bì thuốc không chặt chẽ. Một sản phẩm như F16 600EC của công ty TNHH DV Tấn Hưng chỉ đăng ký phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đục thân nhưng lại ghi thêm rằng hoạt chất thuốc đã được đăng ký trừ rầy nâu, bọ cánh tơ, bọ trĩ, bọ xít cho lúa, cho chè… Và khi đọc bao bì thuốc nông dân vô hình chung sẽ hiểu sản phẩm này đã được đăng ký để trừ rất nhiều loại sâu bệnh trên nhiều loại cây trồng chứ không phải chỉ có cuốn lá, đục thân. Thực tế ngoài thị trường thì hầu hết các công ty siêu nhỏ đều lách luật và in bao bì kiểu này để đánh lừa dân.

7. Nếu muốn kiểm tra đánh giá nồng độ thuốc có đúng hay không các Chi cục BVTV lại phải tự bỏ tiền thuê Cục BVTV khảo nghiệm do đó không có tỉnh nào có khả năng kiểm tra được hết các thuốc nghi vấn không đảm bảo chất lượng.

8. Chế tài xử lý việc làm giả và buôn bán thuốc lậu, thuốc không đủ nồng độ, thuốc không đảm bảo chất lượng quá nhẹ, chỉ phạt tiền với lượng không bõ gì so với tiền lãi do kinh doanh một lô hàng lậu, hàng giả trót lọt.

Xem thêm
Lưu ý khi bón phân cho cây mía ở vùng đất phụ thuộc vào ‘nước trời’

Miền Trung và khu vực giáp ranh đã bắt đầu vào vụ mía mới 2023 - 2024, giá mía khởi sắc khiến bà con nơi đây thêm phần phấn khởi với loài cây lắm 'truân chuyên' này...

Bộ đôi Advance và Advance Pro: Định nghĩa mới về độ đạm chuẩn cho tôm

Advance và Advance Pro là bộ đôi thức ăn hàng ngày từ Grobest Việt Nam, giúp người nuôi đối phó với tình hình giá tôm giảm mạnh và chi phí nuôi tăng cao hiện nay.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.

Bình luận mới nhất