| Hotline: 0983.970.780

8 năm miệt mài 'con đường' hồ tiêu hữu cơ

Thứ Ba 28/09/2021 , 12:26 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Từ bờ vực tàn lụi, qua 8 năm kiên trì, Bình Phước đã xây dựng được nền móng vững chắc cho cây hồ tiêu phát triển theo hướng hữu cơ, bền vững.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước đã trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về hành trình vực dậy cây hồ tiêu bằng con đường lan tỏa sản xuất bền vững theo hướng hữu cơ, giúp nông dân trụ vững với cây hồ tiêu qua giai đoạn khó khăn.

Những năm gần đây, giá hồ tiêu giảm ở mức thấp. Nhiều nơi, nông dân bỏ bê, dịch bệnh tàn phá cây tiêu. Bình Phước đã đối mặt với những thách thức nào trong những năm qua, thưa bà?

Hồ tiêu là một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Phước, với diện tích gần 15.900 ha, năng suất khoảng 19,5 tạ/ha, sản lượng trên 28.500 tấn/năm.

Thời gian qua, có thời điểm giá tiêu xuống còn dưới 40 ngàn đồng/kg, thu nhập từ việc bán tiêu không đủ để tái đầu tư chăm sóc lại vườn, dẫn đến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Một số hộ dân bỏ vườn không chăm sóc nên cây suy kiệt và bị sâu bệnh chết nhiều, vì vậy, diện tích và sản lượng tiêu có xu hướng giảm.

Người dân Bình Phước thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Trần Trung.

Người dân Bình Phước thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay, giá hạt tiêu có xu hướng tăng trở lại, đạt từ 70 - 72 ngàn đồng/kg đã phần nào kích thích người dân quan tâm đầu tư bón phân, thoát nước, phòng trừ sâu bệnh và chăm bón cho cây trong giai đoạn cho trái.

Bài liên quan

Sở NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật để người dân quan tâm thực hiện quy trình phòng chống và kiểm soát sâu bệnh, tập trung chăm sóc cây tiêu trong mùa mưa, hi vọng mùa vụ năm 2022 có kết quả tốt hơn.

Về công tác quy hoạch phát triển hồ tiêu, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, định hướng đến năm 2025 ổn định diện tích khoảng 13.000 ha, năng suất 2,98 tấn/ha và đến năm 2030 ổn định diện tích 14.500 ha, năng suất 3,2 tấn/ha, bố trí hợp lý ở những vùng có điều kiện thuận lợi, áp dụng biện pháp canh tác theo hướng GAP, tập trung phòng trừ sâu bệnh... 

Là thủ phủ hồ tiêu của vùng Đông Nam bộ, Bình Phước đã rút ra được bài học gì từ việc "phát triển nóng" hồ tiêu giai đoạn trước?

Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên và đông bắc Campuchia. Tỉnh có điều kiện thời tiết, đất đai phì nhiêu như đất đen, đất đỏ bazan, đất phù sa… chiếm 61,13% tổng diện tích tự nhiên, là điều kiện tốt cho việc phát triển các loại cây trồng có thế mạnh, nhất là các cây công nghiệp như cao su, điều, tiêu, cà phê...

Cán bộ khuyến nông địa phương ở Bình Phước hướng dẫn người dân canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ khuyến nông địa phương ở Bình Phước hướng dẫn người dân canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.

Về kỹ thuật trồng trọt, người dân có bề dày kinh nghiệm trồng tiêu. Trước đây, tỉnh có thương hiệu tiêu Lộc Ninh và có giống tiêu Lộc Ninh được Bộ NN-PTNT đưa vào danh mục cho sản xuất. Hồ tiêu Bình Phước được đánh giá là có chất lượng thơm ngon, vị cay đặc trưng.

Tuy nhiên, do tập quán canh tác của người dân còn chạy theo giá và năng suất nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hồ tiêu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sản xuất không bền vững. Đã xảy ra tình trạng sản xuất theo phong trào làm cho diện tích tăng nhanh chóng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến thiệt hại đáng kể về kinh tế.

Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, hầu hết các nông dân trông tiêu đã nhận thức được sản xuất tiêu theo hướng an toàn, sử dụng phần lớn phân hữu cơ và thuốc BVTV từ các chế phẩm sinh học để nâng cao chất lượng hạt tiêu và canh tác tiêu theo hướng bền vững, đặc biệt là từ những kết quả mà Dự án Chuỗi cung ứng tiêu bền vững liên kết với Công ty TNHH Gia vị Nedspice Việt Nam mang lại.

Phần lớn sản lượng tiêu của Bình Phước đã được nâng lên về chất lượng, trong đó có khoảng 30% hạt tiêu được Công ty Gia vị Nedspice Việt Nam đánh giá là không có dư lượng hóa chất, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, 70% còn lại đạt tiêu chuẩn Châu Âu, số lượng mà Công ty đã thu mua khoảng ½ sản lượng tiêu toàn tỉnh. 

Bền bỉ thay đổi nhận thức nông dân

Từ 2013 đến nay, Sở NN-PTNT Bình Phước đã phối hợp với Công ty TNHH Gia vị Nedspice Việt Nam liên kết phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn R.A (Rainforest Alliance) và phát triển sự hợp tác lâu dài giữa nông dân và nhà chế biến xuất khẩu Nedspice.

Chuyên gia Hà Lan của Công ty TNHH Gia vị Nedspice Việt Nam kiểm tra, khảo sát vườn hồ tiêu theo hướng hữu tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Chuyên gia Hà Lan của Công ty TNHH Gia vị Nedspice Việt Nam kiểm tra, khảo sát vườn hồ tiêu theo hướng hữu tại Bình Phước. Ảnh: Trần Trung.

Từ đó, đã thành lập được 65 câu lạc bộ với tổng số gần 2.000 nông hộ tham gia, diện tích khoảng 2.000 ha và sản lượng đạt 3.500 - 4.000 tấn. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ đào tạo tập huấn về kỹ thuật canh tác tiêu bền vững, an toàn lao động, bộ nguyên tắc RA và tập huấn về thu hoạch, phơi sấy, bảo quản hồ tiêu...

Bài liên quan

Mục tiêu hỗ trợ để các hộ dân sản xuất đáp ứng các tiêu chí của tiêu chuẩn RA và được chứng nhận chất lượng RA. Công ty đã thu mua được hơn 4.000 tấn sản phẩm hồ tiêu của các CLB tham gia dự án. Ngoài ra, công ty còn thu mua sản phẩm hồ tiêu cho các nông hộ ngoài dự án sản xuất hồ tiêu đạt yêu cầu chất lượng của công ty với tổng sản lượng đạt khoảng 12.000 tấn/năm.

Qua hơn 8 năm thực hiện dự án cho thấy, có sự đồng thuận và hợp tác tích cực của người dân trồng tiêu trong thay đổi nhận thức canh tác, từ sản xuất theo kinh nghiệm sang sản xuất theo chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng khoa học kỹ thuật và quan tâm đến chất lượng sản phẩm đầu ra từ những chính sách thu mua và hỗ trợ kỹ thuật, cũng như đặt hàng của doanh nghiệp.

Mặt khác, Công ty TNHH gia vị Nedspice Việt Nam rất tích cực, chủ động trong các hoạt động của dự án, đặc biệt có đội ngũ nhân viên rất am hiểu kỹ thuật và gắn bó với sản xuất của người dân. Công tác liên kết được thực hiện minh bạch, công khai và có hiệu quả, hỗ trợ kỹ thuật và cam kết thu mua bao tiêu 100% sản phẩm hạt sản xuất tiêu theo quy trình kỹ thuật và lợi ích theo cam kết với người dân.

Một vườn hồ tiêu hữu cơ tại huyện Bù Đốp (Bình Phước). Ảnh: Trần Trung.

Một vườn hồ tiêu hữu cơ tại huyện Bù Đốp (Bình Phước). Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Phước rất quan tâm đến các hoạt động của dự án. Sở NN-PTNT, các cấp chính quyền đã hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho dự án hoạt động và phát triển.

Từ những kết quả đáng khích lệ của dự án, hiện nay bà con trồng tiêu rất muốn được tham gia dự án để có những bước thay đổi căn bản về nhận thức trong canh tác, đây cũng là tín hiệu đáng mừng và là một trong những yếu tố giúp cho việc sản xuất tiêu của tỉnh mang tính bền vững và hướng đến chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của những thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ.

"Sở NN-PTNT hiện đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao và định hướng xuất khẩu, cùng với Đề án "nông nghiệp sạch", xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường, các chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp công nghệ cao...

Với thế mạnh là phát triển cây công nghiệp, hồ tiêu là một trong những cây trồng được tỉnh ưu tiên đầu tư, dành chính sách phát triển theo hướng sạch, an toàn và định hướng xuất khẩu.

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, Bình Phước tiếp tục phối hợp với phối hợp với Công ty TNHH gia vị Nedspice Việt Nam liên kết phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn R.A (Rainforest Alliance) và phát triển sự hợp tác lâu dài giữa nông dân và nhà chế biến xuất khẩu Nedspice.

Đồng thời, tuyên truyền và tổ chức thực hiện sản xuất theo hướng bền vững, hữu cơ, VietGAP, thực hành nông nghiệp tốt trên cây tiêu. Về lâu dài, sẽ triển khai liên kết với quy mô lớn hơn, rộng hơn và bền vững hơn...".

(Bà Lê Thị Ánh Tuyết)

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.