Các phóng viên của AFP bao gồm Leo Ramirez - quay phim, Sebastien Ricci - phóng viên viết và Hector Retamal - phóng viên ảnh.
Cổ họng đang bị rát? Người đang sốt? Bị nhiễm nCoV rồi chăng? Đó là những câu hỏi luôn thường trực trong đầu Leo suốt 8 ngày tác nghiệp tại Vũ Hán.
Trước khi trở về Pháp và được cách ly, Leo và 2 đồng nghiệp là những người duy nhất của một hãng thông tấn nước ngoài còn trụ lại ở Vũ Hán. Leo chia sẻ rằng, những gì quay được trong 8 ngày đó là các thước phim 'mạnh mẽ' nhất mà anh từng thực hiện trong 10 năm làm việc ở AFP.
Máy quay của Leo đã ghi lại những khuôn mặt buồn nhất lẫn dũng cảm nhất, hàng trăm tình nguyện viên dũng cảm và các y bác sỹ làm việc không quản ngày đêm để chống lại dịch nCoV.
Những ngày ở Vũ Hán nhóm phóng viên này có 2 nhiệm vụ quan trọng, thứ nhất là thể hiện được tình hình dịch bệnh và thứ hai là không để mình trở thành nhân vật trong câu chuyện này.
Không có cách nào để phòng tránh virus một cách tuyệt đối nhưng có những biện pháp giúp giảm nguy cơ lây nhiễm. Họ đeo khẩu trang, kính bảo hộ và găng tay cả ngày, bên cạnh đó là liên tục rửa tay, ăn uống đầy đủ và thường xuyên bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.
Trước cửa khách sạn của nhóm phóng viên là khu vực kiểm tra thân nhiệt và họ chỉ được vào phòng nếu cơ thể dưới 37 độ C. Leo cho rằng đây là giai đoạn ám ảnh nhất đối với họ, cả 3 luôn cảm thấy tồi tệ khi về khách sạn và đi qua trạm kiểm tra thân nhiệt sau một ngày tác nghiệp ở những nơi nhạy cảm nhất.
Rồi điều Leo lo sợ nhất cũng tới, một ngày họ trở về khách sạn và nhiệt kế báo cơ thể anh đang ở mức 37.6 độ C, đo lại đến lần thứ 3 vẫn cho ra kết quả này. Tất cả mọi người cảm giác như chết đuối ngay trên cạn cho đến khi các nhân viên đổi một chiếc nhiệt kế khác và con số quay về 36,6 độ C.
Khi tác nghiệp, Leo luôn nhận thức rất rõ những gì đang xảy ra với cơ thể mình. Kể cả khi muốn ho cũng phải kìm lại để tránh bị chú ý, cả ngày anh luôn tự nhắc nhở không được ho, không được hắt xì và hy vọng găng tay không bị rách.
Mỗi ngày, nhóm phóng viên rời khách sạn với tay không rồi trở về với đầy ắp thông tin. Điều đó khiến họ cảm thấy không thoải mái khi phải rời đi. "Tôi thấy mình nên ở đó, nên ghi lại những gì đang xảy ra", Leo chia sẻ.
Còn với Sebastien Ricci, anh nói Vũ Hán chẳng khác gì một thành phố ma khi họ đến đây. Chuyến bay đến Vũ Hán chỉ có khoảng 30 người, đa số là công dân Trung Quốc trở về với gia đình và họ nhìn nhóm phóng viên với sự bàng hoàng.
Khi hạ cánh, sân bay vắng tanh, đường cao tốc cũng vậy gần như không có ai trên phố. Sự vắng vẻ còn nổi bật hơn khi đó là Tết Nguyên đán, thời điểm mà đáng ra đường phố phải đông đúc, náo nhiệt nhất trong năm.
Với 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Trung Quốc, điều khiến Sebastien cảm thấy mọi chuyện đang rất nghiêm trọng đó là các cảnh sát. Thay vì quan sát hoạt động của các phóng viên phương tây, giờ đây cảnh sát gần như bỏ qua, cho Sebastien và đồng nghiệp thoải mái làm việc. Điều đó khiến Sebastien cho rằng cảnh sát Trung Quốc đang có rất nhiều việc phải làm.
Bản chất của Sebastien là luôn muốn đi tới những nơi nguy hiểm, anh đã tới Afghanistan, Iran, Kurdistan. Ở những nơi khó khăn, sẽ thấy được sự ấm áp của con người và là nơi có những cuộc gặp gỡ đáng nhớ nhất. Vũ Hán cũng không phải là ngoại lệ.
Một ngày nọ, Sebastien và đồng nghiệp liên lạc với một gia đình ở địa phương. Điều khiến Sebastien bất ngờ là họ mời anh đến nơi ở của họ. Khi đến nơi, bàn ăn đã được dọn sẵn. Họ đang chờ con trai về ăn Tết, nhưng cậu ấy không thể về được vì thành phố đã bị phong tỏa, vì vậy họ rất muốn chia sẻ khoảnh khắc năm mới với ai đó.
Họ mời trà, ban đầu nhóm phóng viên từ chối vì vừa ở bên ngoài và không muốn lây nhiễm cho họ. Nhưng họ cứ khăng khăng mời mọc, và cuối cùng cả 3 cởi bỏ khẩu trang để uống trà với họ.
Trong 8 ngày đó, nhóm phóng viên gặp một người nằm chết trên đường nhưng không thể xác nhận người đàn ông đó qua đời vì nCoV hay không.
Sebastien nói anh thực sự không có thời gian để suy ngẫm khi ở Vũ Hán, vì đang làm việc. Nhưng bây giờ khi rời đi rồi, một trong những điều khắc sâu trong tâm trí tôi là tinh thần chiến đấu của người dân Vũ Hán. Đối mặt với thử thách khó khăn này, nhiều người trong số họ quyết định tiếp tục sống cuộc sống của mình.
Còn với phóng viên ảnh Hector Retamal, anh đã từng tác nghiệp trong rất nhiều sự kiện tương tự dịch bệnh này. Năm 2010, Hector ở Haiti khi một trận dịch tả giết chết hơn 9.000 người. Ở Chile, Hector sống ba tháng trong một căn lều trên sa mạc khi đưa tin về 33 người thợ mỏ bị mắc kẹt dưới lòng đất.
Một trong những điều khiến anh ấn tượng nhất là người dân địa phương luôn rất háo hức để kể câu chuyện của họ. Họ sẽ chủ động tìm gặp và chia sẻ nhưng điều này dường như không thường xảy ra ở Trung Quốc.
"Có lần họ đã đưa chúng tôi vào bệnh viện để cho chúng tôi thấy các bệnh nhân phải chờ đợi như thế nào để được kiểm tra. Có nhiều người đã rất sợ hãi", Hector chia sẻ.
Phóng viên ảnh của AFP cho rằng nhiều người có thể nói nhóm của họ vừa được đổi nhà tù. Ở Vũ Hán, 3 người sống trong một thành phố khép kín, nơi không thể rời đi và phải kiểm tra thân nhiệt thường xuyên.
Giờ đây, họ ở một khu nghỉ dưỡng ở bờ biển Địa Trung Hải, được canh giữ bởi cảnh sát, vẫn không thể rời đi và vẫn phải kiểm tra thân nhiệt hàng ngày.
"Khi bạn đưa tin về những sự kiện như thế này, bạn sẽ không bao giờ quên được. Tất cả những thứ này đều gây sốc, theo một cách nào đó. Nhưng tôi cần phải khỏe mạnh để tiếp tục công việc", Hector nhấn mạnh.