Truyền thống không mai một
Men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, chúng tôi đến gia đình ông Đặng Xuân Trường ở thôn Vằng Bó, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn. Mấy hôm nay, gia đình ông Trường làm lễ cấp sắc cho người con trai 12 tuổi.
Tiếp chúng tôi với tâm trạng phấn khởi, ông Trường giới thiệu ngay, lễ cấp sắc 3 đèn là lễ cấp sắc ở bậc khởi đầu trong cuộc đời của người đàn ông dân tộc Dao. Xưa các cụ, các ông làm lễ cho mình, bây giờ mình đủ trưởng thành lại làm lễ cho con trai.
Để làm được lễ cấp sắc, gia đình phải chuẩn bị từ nhiều tháng trước, lễ vật bắt buộc phải có 2 con lợn tế thần, chuẩn bị hương đốt, giấy bản, một đôi chiếu mới, tiền xu hay đồng bạc trắng, rượu, đồ ăn chay, tranh thờ các vị thần. Trên bàn thờ treo hai bộ tranh lớn gọi là Tam thanh lớn và Tam thanh nhỏ vẽ hình các vị thần.
Nghi lễ bắt đầu khi các thầy cúng ngồi trước bàn thờ đại đường mời tổ tiên, Bàn Vương, thần thánh và thổ công về dự lễ. Sau lễ thỉnh cầu, gia đình mời anh em, họ hàng đến múa hát gọi là “lạp miến”. Trong khi múa, tiếng chiêng tiếng trống vang lên tạo không khí tưng bừng như ngày hội.
Lễ cấp sắc được tiến hành tuần tự gồm 10 nghi lễ nhỏ, bao gồm lễ ban mũ, lễ trình diện, lễ lên đèn, lễ đặt tên, lễ qua cầu, lễ trình diện ngọc hoàng, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình, lễ trả ơn Bàn Vương.
Trong đó, quan trọng nhất là lễ lên đèn, người được cấp sắc ngồi trên chiếc ghế nhỏ đặt trước bàn thờ tổ tiên và hai đàn cúng. Hai tay giữ cây đèn được làm bằng thân cây tre gắn trên giá đỡ, thầy cả và thầy hai bắt đầu làm phép rồi đặt một đèn lên đỉnh đầu, đèn hai, đèn ba đặt lên vai.
Người được cấp sắc còn được gọi là "con hương", con hương sẽ được thầy đọc cho mười độ, mười điều kiêng cấm, mười lời nguyện, mười lời thề để hướng người đó làm điều hay lẽ phải, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Lễ cấp sắc tiếp tục với lễ đặt tên, nghi lễ này được xem như lễ khai sinh để con hương nhận lấy tên do thần thánh ban định. Từ lúc này, người được cấp sắc nó đủ điều kiện để đứng vào hàng ngũ những người quan trọng trong họ tộc, có trách nhiệm trong việc thờ cúng tổ tiên.
Khi xin được tên âm, người được cấp sắc sẽ được thầy cả giao cho gạo binh mã trong đó có một tấm vải trắng. Sau đó, thầy hai đổ gạo trong dậu và tiền giấy ra mẹt chia thành hai phần: Phần ít hơn cho trẻ được cấp sắc, phần nhiều cho thầy. Tiếp theo, thầy cả cởi áo choàng cho người được cấp sắc để tập múa. Thầy giao que tre cho đứa trẻ, bởi đó là vật để thầy bắc cầu nối giữa cõi âm và cõi dương. Thầy hai làm lại như thầy cả, rồi đến cha của người thụ lễ cũng làm như vậy.
Theo quan niẹm của người Dao, đây là thủ tục cấp phép để sau khi trưởng thành, người đàn ông được tham gia các đám cúng nhỏ trong dòng tộc.
Tiếp đó, thầy cả và người giúp việc đánh chiêng, trống để thầy hai mời binh mã về dạy người thụ lễ tập nhảy múa, còn gọi là tập múa binh mã.
Sau khi nghi lễ tập múa kết thúc, thầy cả làm thủ tục giao tiền bạc cho gia tiên và cho cả những binh mã mới dẫn về để cấp sắc cho người thụ lễ. Ở cạnh đó, thầy ba sẽ cúng đưa tiễn binh mã của cả 3 thầy hồi hương về bàn thờ nhà thầy.
Cấp sắc kết thúc bằng một nghi lễ vô cùng quan trọng là lễ cúng Bàn Vương để tạ ơn, gia chủ làm các đồng tiền giấy bản hình vuông rồi lấy rơm xỏ qua, người Dao Tiền gọi là “nhoàn chấy”, sau đó cài lên vách buồng đựng rượu. Gia chủ khênh một con lợn được tắm rửa sạch sẽ vào gian giữa nhà nơi có bàn thờ để chọc tiết. Ngoài con lợn để cúng Bàn Vương thì gia chủ còn phải chuẩn bị một con lợn khác để cúng tổ tiên cùng toàn bộ các thần thánh, pháp sư đã được mời về dự lễ.
Ngày nay, nghi lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày, trước khi xong lễ trẻ em người Dao được cấp sắc lạy hai thầy 12 lạy rồi nằm nghiêng trên chiếu lắng nghe thầy tạ ơn pháp sư và răn dạy điều hay lẽ phải.
Giá trị nhân văn sâu sắc
Lễ cấp sắc là truyền thống lâu đời của người Dao Tiền vẫn được duy trì đến ngày nay. Theo quan niệm của người Dao, trẻ em cấp sắc càng sớm thì càng sớm được lĩnh hội những đạo lý tốt đẹp về cách ứng xử trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Nghi lễ cấp sắc chứa đựng quan niệm giáo dục độc đáo, triết lý nhân sinh quan nhằm hướng con cháu tới chân - thiện - mĩ, gửi gắm những ước vọng tốt đẹp của cha mẹ đối với những đứa trẻ do mình sinh ra.
Thông qua nghi lễ đặt tên, đổi tên cho trẻ nhỏ trong lễ cấp sắc cho thấy sự quan tâm, coi trọng của gia đình, cộng đồng người Dao đối với trẻ em.
Đối với gia đình người Dao, mỗi đứa trẻ ngay từ khi lọt lòng đã được làm lễ đặt tên tạm thời, họ cho rằng nếu thần thánh không bằng lòng, trong quá trình nuôi dạy trẻ sẽ ốm đau và cha mẹ của trẻ phải tiến hành nghi lễ đổi tên.
Họ quan niệm, con trai của mình khi có tên gọi ở cõi dương, vốn đã được thần thánh cho phép, họ mới được gọi đúng tên để thần thánh kiểm tra xem cá nhân đó có phạm điều gì không, đã được cấp tên âm hay chưa. Nếu chưa cấp thì thần thánh và pháp sư sẽ cấp tên âm (pháp danh), tức được cấp sắc ở cấp 3 đèn.
Từ đó, con trai của họ mới trở thành các pháp sư thực hành nghi lễ cúng bái cho cộng đồng, được thần thánh, tổ tiên chấp thuận và cho điều hành binh mã, đủ tư cách thực hiện các công việc như làm quan làng, đốt lửa vào nhà mới, khấn tổ tiên.
Trong lễ cấp sắc, các bài hát dân ca, loại hình dân vũ của người Dao cũng có không gian để thực hành, diễn xướng góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Ngày nay, những lễ thức độc đáo mang đậm tính nhân văn của lễ cấp sắc cũng được các tổ đội văn nghệ quần chúng ở địa phương và ngành văn hóa khai thác, xây dựng thành các các tiết mục nghệ thuật chuyên nghiệp.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, lễ cấp sắc vẫn là nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời người đàn ông dân tộc Dao. Nghi lễ cấp sắc trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ, thể hiện khát vọng của mỗi gia đình người Dao mong muốn cuộc sống sung sướng, ấm no, hạnh phúc, răn dạy con người hướng đến cái thiện.
Năm 2022, lễ Cấp sắc của người Dao Tiền xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là tập quán xã hội tốt đẹp của người Dao Tiền, xác nhận sự trưởng thành của một người đàn ông trong gia đình, dòng tộc.